Đa số trường hợp người tham gia du lịch mạo hiểm phải tự chịu trách nhiệm về những rủi ro có thể xảy ra.
Du lịch mạo hiểm đang dần thu hút sự quan tâm của du khách song chưa có quy định rõ ràng về việc quản lý các loại hình du lịch mạo hiểm, người chơi cũng chưa để ý đến các gói bảo hiểm kèm theo tour.
Chơi mạo hiểm, mua bảo hiểm "thường"
Thông thường, chi phí mua bảo hiểm được đưa vào gói dịch vụ trong tour hoặc được công ty du lịch, lữ hành tài trợ. Theo giám đốc điều hành một công ty du lịch chuyên khai thác tour khám phá hang động ở Việt Nam, không có quy định bắt buộc du khách hoặc doanh nghiệp (DN) du lịch phải mua bảo hiểm du lịch mạo hiểm nên các công ty du lịch thường mua các gói bảo hiểm du lịch thông thường. Đồng thời, tùy theo lịch trình trong tour có thêm hoạt động mạo hiểm nào, công ty du lịch sẽ mua bổ sung vào gói bảo hiểm cho du khách.
"Thông thường du khách nước ngoài sẽ yêu cầu mua bảo hiểm du lịch, trong đó có vài điều khoản của bảo hiểm du lịch mạo hiểm. Ví dụ du khách mang theo camera trong nước và bị hư hỏng hay gặp sự cố, tai nạn khi đi tour sẽ được bồi thường" - vị giám đốc này nói.
Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng xác nhận tại Việt Nam, đa phần DN bảo hiểm không phân biệt hình thức du lịch mạo hiểm hay không mà chỉ tính chi phí trên hình thức du lịch thông thường.
Theo Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, đến thời điểm hiện nay DN này vẫn chưa triển khai bán bảo hiểm cho du lịch mạo hiểm. Thậm chí, một vài loại hình du lịch mạo hiểm được xếp vào diện loại trừ trách nhiệm cho bên cung cấp dịch vụ, như lặn dưới nước, đua môtô… "Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước, những đơn vị tổ chức các môn thể thao mạo hiểm yêu cầu người chơi phải ký xác nhận miễn trừ trách nhiệm cho nhà điều hành và tự chịu trách nhiệm về những rủi ro có thể xảy ra. Vì thế khách du lịch nên tìm hiểu, đọc kỹ tất cả các quy định để tránh rắc rối sau này. Ngoài ra, người chơi phải tuân thủ những quy định, hướng dẫn của nhà điều hành dịch vụ thì mới đủ hợp lệ để yêu cầu bồi thường nếu xảy ra sự cố" - đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt nói.
Du lịch mạo hiểm ở thác Datanla - Đà Lạt. Ảnh: ĐÌNH THI
Lỗ hổng pháp luật
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, cho biết một trong những nguyên nhân du khách tham gia bảo hiểm du lịch mạo hiểm còn hạn chế là do mức phí cao hơn bảo hiểm thông thường, làm đội giá tour. Đồng thời, lĩnh vực du lịch mạo hiểm ở Việt Nam chưa phát triển, chưa có nhiều du khách quan tâm.
Theo đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, du lịch mạo hiểm đã du nhập vào Việt Nam từ những năm 90 nhưng đến nay vẫn chưa có các quy định cụ thể. Mới đây nhất, Nghị định 168 năm 2017 của Chính phủ xác định những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch gồm: bay dù lượn, khinh khí cầu, nhảy dù, đu dây mạo hiểm hành trình trên cao; đi xe đạp, môtô, ôtô địa hình trên núi, trên đồi cát, đi trên dây, leo núi, vách đá, đu dây vượt thác; lặn dưới nước, chèo thuyền vượt ghềnh thác, đi môtô nước, lướt ván, ca nô kéo dù bay; thám hiểm hang động, rừng, núi.
Tuy nhiên, việc quản lý chi tiết các loại hình du lịch mạo hiểm lại chưa có quy định rõ ràng. Sau một số vụ tai nạn làm du khách thương vong, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang soạn thảo thông tư quy định về loại hình này. "Trong khi chờ thông tư được thông qua, du lịch mạo hiểm đang được quản lý theo nội dung của Nghị định 168 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017. Văn bản này tuy có quy định những biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách nhưng riêng quy định về bảo hiểm lại không được nhắc đến một cách chi tiết" - đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt nêu bất cập.
Theo lãnh đạo PTI, vướng mắc chung khi sử dụng bảo hiểm du lịch nằm ở ý thức tham gia của người dân chưa cao, chủ yếu sản phẩm chỉ bán qua các công ty du lịch. Cá nhân chỉ mua bảo hiểm du lịch khi tự đi du lịch nước ngoài vì đây là điều kiện bắt buộc để xin Visa. Ở góc độ quản lý nhà nước, do chưa có quy định riêng về bảo hiểm du lịch mạo hiểm nên cơ quan quản lý chỉ có quyền yêu cầu DN lữ hành mua bảo hiểm cho khách hàng. Luật Du lịch không giới hạn mức đền bù tối thiểu cho bảo hiểm du lịch nên mức đền bù tùy thuộc từng công ty. Trong khi đó, DN lữ hành không mua bảo hiểm du lịch mạo hiểm vì cho rằng đây là trách nhiệm của nơi tổ chức các môn thể thao mạo hiểm.
Ít doanh nghiệp tham gia Hiện chỉ một vài công ty lữ hành quan tâm đến bảo hiểm du lịch. Chẳng hạn, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist công bố gói bảo hiểm du lịch nước ngoài tối đa lên đến 2,4 tỉ đồng/khách/vụ; tặng miễn phí bảo hiểm du lịch nội địa dành cho du khách, với mức bồi hoàn tối đa đến 150 triệu đồng/khách/vụ. Về sản phẩm trong nước, trường hợp có tour du lịch mạo hiểm chuyên biệt, Saigontourist sẽ mua thêm các gói bổ sung cho sản phẩm tương thích của công ty bảo hiểm để tặng miễn phí cho du khách. Công ty Du ngoạn Việt đang áp dụng gói bảo hiểm bồi thường tối đa 2 triệu USD/vụ, đặc biệt với khách nước ngoài, trong trường hợp hành lý bị thất lạc, mất mát sẽ bồi thường ở nước sở tại của du khách. T.Phương |
Theo NLĐ