Sau "Diên Hy công lược" gây sốt trên mạng xã hội Việt, đến lượt phim "Như Ý truyện" cũng bắt đầu tạo sức hút. Dù cùng chủ đề cung đấu nhưng cả hai phim lại khai thác góc độ riêng.
"Diên Hy công lược" được nhận định là phim truyền hình ấn tượng với khán giả trong mùa hè 2018. Phim lập kỷ lục về lượng người xem khi thu hút đến 13 tỉ lượt xem - con số khổng lồ của phim phát trên mạng. Không chỉ gây sốt ở Trung Quốc, "Diên Hy công lược" cũng được khán giả Việt yêu thích, bàn luận sôi nổi.
Họ theo dõi chặt chẽ mối tình tay ba giữa nàng Ngụy Anh Lạc, Càn Long và Phó Hằng. Những mưu mẹo chốn hậu cung, những ganh tị, tranh đua sủng ái ám đen tâm hồn của vô số mỹ nhân. Cô gái trẻ Ngụy Anh Lạc từng bước xử lý những vướng mắc, hóa giải khó khăn một cách thông minh chính là yếu tố thu hút khán giả. Phim ghi điểm ở bối cảnh, trang phục, cách tạo hình ấn tượng và dàn diễn viên diễn xuất tốt như Xa Thi Mạn, Nhiếp Viễn, Tần Lam và thế hệ trẻ như Ngô Cẩn Ngôn, Hứa Khải.
Phim "Diên Hy công lược" tỉ mỉ trang phục, bối cảnh
Dàn diễn viên diễn tốt
Vu Chính, nhà sản xuất kiêm biên kịch, từng bị chỉ trích tơi tả vì thường xuyên phá nát bản gốc nay mang đến cho khán giả tác phẩm chỉn chu. Sự tỉ mỉ, chi tiết của Vu Chính mang đến cái đẹp hoài cổ đầy ấn tượng cho bối cảnh của "Diên Hy công lược", hoàng cung thời đại Thanh hiển hiện lung linh trong mắt khán giả. Thêm vào đó, tuy là bình cũ rượu mới nhưng tiết tấu nhanh cộng với chuyện thị phi liên tiếp, phim vẫn giữ được khán giả theo dõi suốt 70 tập.
Sau phim này, dàn diễn viên từ gạo cội đến trẻ tuổi đều nổi đình, nổi đám và cả Vu Chính cũng thoát khỏi "tiếng ác" lâu nay để được người hâm mộ thể loại phim cung đấu hoan hô, ủng hộ. "Diên Hy công lược" đạt 7.2 điểm trên Douban.
Nối tiếp thể loại cung đấu, khán giả lại được thưởng thức "Như Ý truyện" do Châu Tấn đóng chính. Cô "cưa sừng làm nghé" vào vai mỹ nhân Thanh Anh cách cách từ lúc chưa tiến cung cho đến khi vào cung, đổi tên Như Ý rồi trở thành Nhàn Phi.
Châu Tấn ban đầu bị chê tạo hình màu mè, già hơn nhân vật
Nhưng dần mọi người tập trung vào câu chuyện hơn là phần tạo hình cũng như tuổi của Châu Tấn
Ban đầu, Châu Tấn bị chê đã quá già khi vào vai Thanh Anh cùng trang phục lòe loẹt, luôn cài những chiếc khăn đủ màu sắc làm giảm vẻ đẹp của mỹ nhân nhà Thanh. Tuy nhiên, khán giả dần bị cuốn vào nội dung, những tranh đấu chốn hậu cung và hình tượng vua Càn Long hơn là các vấn đề nhan sắc Châu Tấn. Câu chuyện cung đấu của "Như Ý truyện" được khai thác khắc nghiệt hơn so với tính chất ngôn tình "thời thượng" được đưa vào khá nhiều bên "Diên Hy công lược".
Nhân vật Càn Long trong "Diên Hy công lược" khác hoàn toàn so với "Như Ý truyện". Ở "Diên Hy công lược", Càn Long đã vững vàng ngôi vị, hóa thành soái ca trong nóng ngoài lạnh, bảo hộ người tình còn "Như Ý truyện" xây dựng hình ảnh Càn Long từ lúc còn là hoàng tử Hoằng Lịch, chưa nắm đại quyền.
Đến lúc Càn Long đăng cơ, giai đoạn đầu ông vẫn chịu sự khống chế của Thái hậu nên tính cách cũng lạnh lùng, tâm cơ hơn. Ông không chỉ để ý việc triều chính mà còn can thiệp sâu vào hậu cung với thủ đoạn tàn nhẫn. Câu chuyện cung đấu khai thác hai hướng khác nhau vẫn tạo sự hấp dẫn riêng. Đến nay, "Như Ý truyện" được đánh giá 7.3 điểm trên Douban. Sau 2 tuần công chiếu, phim vượt cột mốc 2 tỉ lượt xem và hứa hẹn nóng không kém "Diên Hy công lược".
Phim chủ đề cung đấu luôn được khán giả Việt yêu thích lâu nay. Nhà sản xuất hiện cũng tinh tế hơn khi xây dựng câu chuyện cổ trang nhưng mang màu sắc gần gũi với cuộc sống hiện đại. Những âm mưu và ganh ghét giữa phụ nữ với nhau trong tình yêu, cuộc sống, mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu luôn thời nào cũng có. Chúng được cài cắm khéo léo giúp khán giả thích thú khi phát hiện và đủ sức theo dõi suốt mấy chục tập phim.
Theo Minh Khuê/ NLĐ