Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thường cười vì NSƯT Bùi Cường hay "thái quá" trong công việc. Ông tỉ mỉ, cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ nhất.
NSƯT Bùi Cường, người nổi tiếng với vai diễn Chí Phèo trong bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” của đạo diễn Phạm Văn Khoa đã qua đời vào rạng sáng 3/8, hưởng thọ 73 tuổi. Tin NSƯT Bùi Cường qua đời đột ngột đã khiến các đồng nghiệp và công chúng vô cùng bàng hoàng và thương tiếc.
Ngay sau khi biết tin dữ, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, người em và cũng là đồng nghiệp thân thiết của NSƯT Bùi Cường đã ngay lập tức có mặt tại nhà riêng của ông để chia sẻ nỗi buồn cùng gia quyến. Bà ngậm ngùi: "Tin anh Bùi Cường ra đi đột ngột thực sự là một cú sốc khiến tôi, và chắc nhiều đồng nghiệp khác phải lặng đi, không thể tin nổi. Mấy hôm trước tôi có nghe nói anh phải nằm viện, nhưng nghĩ hơn 70 tuổi rồi, ốm một chút cũng là chuyện thường. Đã thầm nhủ Thứ Bảy hoặc Chủ Nhật này sẽ đến thăm anh, chuyện trò về dự án phim điện ảnh mà anh ấp ủ lâu rồi và sắp thành hiện thực. Tin anh qua đời thực sự là một tin sét đánh.
Anh Bùi Cường là một nghệ sĩ đích thực, luôn cháy bỏng đam mê với nghề nghiệp, dù ở cương vị nào. Chúng tôi - những đàn em và đồng nghiệp luôn trọng anh vì đam mê tận tụy đó. Chúng tôi quý anh vì cái nết chỉ biết làm, rất ít phô diễn. Trong mắt tôi, NSƯT Bùi Cường là một Con Người đích thực".
Bùi Cường với tạo hình Chí Phèo trong bộ phim kinh điển “Làng Vũ Đại ngày ấy".
Ngoài đời, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã và NSƯT Bùi Cường là những đồng nghiệp thân thiết, từng cộng tác trong nhiều dự án phim.
"Thỉnh thoảng tôi giúp anh ấy biên tập một kịch bản mà anh thích cái tứ của nó, nhưng chưa hài lòng lắm về chất lượng nghệ thuật. Chúng tôi chia sẻ nhiều quan điểm về nghề, và tôi thường cười vì anh Cường hay "thái quá" trong công việc. Vì là diễn viên gạo cội nên anh ấy tỉ mỉ từng chi tiết.
Anh Cường đặc biệt khó tính trong chuyện chọn diễn viên, và thường nhờ tôi rà soát xem tình huống kịch nào đó trong kịch bản chưa đủ "đất diễn" cho diễn viên. Một lần, anh ấy đưa một bài báo trong báo Phụ nữ cho tôi xem, và hỏi tôi có cảm hứng gì về cái hiện thực được mô tả trong bài báo ấy không. Khi tôi nói tôi mất ngủ sau khi đọc bài báo ấy, anh trầm ngâm và nói; "Anh em mình sẽ cùng mất ngủ nhé". Tôi hiểu là anh ấy mời tôi viết kịch bản cho bộ phim trong tương lai. Chúng tôi đã làm việc kỹ lưỡng, đầy cảm xúc với nhân vật, và cho ra đời bộ phim "Người đàn bà không con".
NSƯT Bùi Cường trong phim "Biệt động Sài Gòn" của đạo diễn Long Vân.
Thực sự Bùi Cường không mấy quan tâm đến các giải thưởng. Nhưng khi bộ phim đã được phép phát hành, anh ấy vẫn mời nhiều đồng nghiệp xem, kể cả những chuyên gia đến từ nước ngoài như Pháp, Mỹ... không phải để khoe, mà là để lắng nghe ý kiến góp ý của họ. Ít có nghệ sĩ nào tiếp tục nghĩ ngợi về tác phẩm của mình sau khi nó đã ra với công chúng. Nhưng Bùi Cường là thế. Anh luôn muốn tự hoàn thiện mình", bà Nhã nhớ lại.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã còn tiết lộ, ngoài đời, Bùi Cường là người cầu toàn. Ông không bao giờ để những thị phi ngoài đời làm xáo trộn gia đình: "Vợ anh - chị Mùi - là một người đẹp và đảm. Chị hay nói về việc vắng nhà của anh Cường với cái giọng hài hước, rằng không buộc được chân "lão" ấy, nhưng cũng rất tin "lão" không bao giờ đánh đổi hậu phương của mình cho bất kỳ cuộc phiêu lưu cảm xúc ngoài luồng nào. Chị bình an làm ăn, bình an đợi anh về như kiểu vợ lính chờ chồng. Đó là nhờ anh biết cách làm chị hiểu và tôn trọng đam mê của anh".
Ngoài đời, NSƯT Bùi Cường là người cẩn thận, tỉ mỉ, luôn nhận phần thiệt về mình.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nghẹn ngào nhớ lại kỷ niệm với NSƯT Bùi Cường: "Khoảng 5 năm trước, tôi và anh Bùi Cường mới có cơ hội rong ruổi dọc ngang miền Tây Nam Bộ hàng tuần liền để chuẩn bị cho một dự án phim truyền hình dài tập. Anh Cường muốn các biên kịch suy nghĩ tình huống trên cơ sở bối cảnh đã được chọn. Đó là cách làm việc lý tưởng, chỉ làm được khi biên kịch và đạo diễn cùng quan điểm nghệ thuật với nhau.
Cùng đi chuyến ấy còn có ông xã tôi, một nhà văn nổi tiếng và hai học trò biên kịch khác. Chúng tôi đi trên một chiếc xe 7 chỗ, và anh Cường luôn ngồi ở băng ghế cuối xe. Tận gần lúc sắp kết thúc chuyến đi, tôi mới nhận ra anh rất mệt, chợt nhận ra anh đã gần 70 tuổi, chợt nhận ra anh đã chịu đựng những cú dằn xe do đường xấu một cách lặng lẽ. Sau đó tôi yêu cầu anh ngồi lên băng ghế trước, và anh thú nhận là sắp lả ra rồi vì mệt quá.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.
Anh Bùi Cường là thế, luôn nhận phần thiệt về mình. Kể cả khi anh đi làm phim về, chắt bóp được chút tiền để "cảm ơn" những người ở bộ phận hành chính đã hỗ trợ cho anh ở nhà, thì cách của anh cũng đầy trân trọng. Tôi biết anh chỉ muốn làm phim, làm phim... vậy thôi. Chị Mùi luôn có đủ tiền từ việc kinh doanh của chị để lo cho gia đình, không cần anh phải kiếm tiền. Do đó anh có thể tận tâm với nghề của mình, không đến nỗi "so xúi" khổ sở như nhiều người khác.
Thương nhất là có lần, tự nhiên anh hỏi tôi cần tiền không, và cứ dúi một phong bì vào túi tôi dù tôi không nhận. Anh mắng tôi là dở hơi, rồi lại tâm sự: "Hồi trước em cứ biên tập kịch bản giúp anh mà không nhận thù lao, giờ anh khá rồi, anh đến cho mày một tý. Nhận đi không anh tủi thân". Tôi biết trong thâm tâm, anh coi tôi là em gái"./.
Theo Tố Uyên/VOV.VN