In ấn nội dung lên chất liệu giấy đặc biệt, cài đặt phần mềm tự hủy, thậm chí sử dụng cả kịch bản giả, đó là những cách để Hollywood bảo vệ các siêu dự án điện ảnh của mình lâu nay.
Kịch bản "Avenger 4" bị lộ trước khi phim ra rạp khiến nhà sản xuất đau đầu
Báo chí phương Tây nói rằng mọi người đừng bất ngờ trước việc các hãng phim lớn ngày càng nghiêm trọng hóa quy trình bảo mật kịch bản. Trong thời đại kỹ thuật số tiên tiến, rò rỉ thông tin đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với ngành công nghiệp giải trí nói chung - mảng sản xuất phim ảnh nói riêng. Không một nhà phát hành nào mong muốn những tình tiết liên quan tới dự án bom tấn của mình sắp ra mắt lại xuất hiện trên internet trước bởi chúng có thể gây ảnh hưởng xấu đến lượng lớn khán giả trước khi sản phẩm kịp "đổ bộ" màn ảnh rộng. Thực tế, nhiều bài học cay đắng đã xảy ra khi kịch bản bị lộ trước khi tác phẩm hoàn chỉnh, chính thức ra mắt. Như kịch bản tác phẩm "Teenage mutant Ninja Turtles" (tạm dịch: Thiếu niên Ninja Rùa đột biến, năm 2014) của Michael Bay bị lộ năm 2012 (dù chỉ là bản nháp) đã khiến cộng đồng người hâm mộ nổi điên, vì khi phim ra mắt, tác giả dám thay đổi nguồn gốc nhóm Ninja Rùa thành… sinh vật ngoài hành tinh. Giới nhà nghề cũng chưa quên được phim "The Fifth estate" (Quyền lực thứ năm - 2013), tái hiện quá trình hình thành website nổi tiếng WikiLeaks, lại bị chính sáng lập viên trang này là Julian Assange tiết lộ toàn bộ kịch bản. Dự án cũng tiêu tùng sau đó.
Từ những kinh nghiệm này, nhiều ông lớn cẩn thận hơn cho các dự án của họ. Ngay từ thập niên 1970, George Lucas rất quan tâm đến việc bảo đảm yếu tố bất ngờ cho thương hiệu "Star Wars" của mình. Lúc "The Emipre strikes back" (Đế chế phản công - 1980) còn đang trong giai đoạn bấm máy, chỉ có vài nhân viên cấp cao thuộc ê-kíp mới được Lucas bật mí về chi tiết bất ngờ. Trên trường quay, người thủ vai Darth Vader không hề hay biết rằng lời thoại của anh cũng là giả. Tất cả lời thoại sẽ được chỉnh sửa hoàn toàn trong quá trình lồng tiếng. Thậm chí, ngôi sao Harrison Ford cũng chỉ phát hiện sự thật chấn động này vào buổi công chiếu cùng với báo giới.
Hiện nay, công việc bảo mật của các hãng còn cao hơn. Tờ Guardian miêu tả "Khi được Christopher Nolan mời đến để đánh giá bản thảo về tuyệt phẩm sắp tới của ông ta, bạn cần phải vượt qua hàng rào an ninh trước khi đối diện với xấp kịch bản trị giá hàng triệu USD".
Thậm chí, nhiều hãng còn canh gác kịch bản bom tấn điện ảnh của mình chẳng khác gì bí mật quốc gia. Khi thực hiện "Star Trek: Into darkness" (Star Trek: Chìm trong bóng tối - 2013), dàn diễn viên buộc phải thân chinh tới trụ sở đầu não của nhà sản xuất ở thành phố Santa Monica. Tại đây, họ sẽ đọc cốt truyện được in trên những trang giấy màu đỏ thẫm. Nhờ thế, việc chụp hình bằng điện thoại hoặc photocopy trở nên bất khả thi. Thấy vậy, hãng Disney liền học hỏi và áp dụng cho siêu phẩm "Star Wars: The last Jedi" (Star War: Jedi cuối cùng - 2017). Diễn viên Paul Bettany kể trải nghiệm đáng nhớ của anh lúc tham gia dự án "Age of Ultron" (Đế chế Ultron - 2015): "Tôi chưa bao giờ nhận kịch bản qua email. Nó được trao gửi tận tay tôi và luôn có một vệ sĩ đi theo tháp tùng. Mỗi trang giấy đều in tên tôi trên đấy. Vì vậy, tôi chẳng thể đăng tải chúng lên mạng xã hội Twitter". Chính Paul Bettany từng trả lời phỏng vấn: "Khi xem qua bản thảo, tôi phát hiện anh em nhà Russo đã chèn vào đó vô số phân cảnh giả. Chỉ có khoảng ba nhân vật chủ chốt trong đoàn là sở hữu chiếc iPad chứa nội dung thật 100%".
Diễn viên Elizabeth Olsen cũng bày tỏ: "Chúng tôi không được phép đem bất cứ tờ giấy nào có ghi chú các cảnh quay ngày hôm đó về khách sạn. Họ sẽ giữ lại rồi xé bỏ toàn bộ".
Dù đã cố gắng đến mức này nhưng cũng có lúc kịch bản "bom tấn" vẫn bị đánh cắp. Mới đây, ilurkthingsreborn, một tài khoản Reddit từng dự đoán chính xác diễn biến của "Infinity War" lại tiếp tục gây chấn động công luận bằng việc tiết lộ nội dung phim "Avengers 4".
Theo Thụy Vũ/ NLĐ