Đến với thị trấn nhỏ Kamikatsu nằm ở phía tây nam Nhật Bản, du khách sẽ chìm đắm trong màu xanh mướt của cây cỏ, bầu không khí trong lành và đặc biệt nơi này “vắng bóng” từng cọng rác.
Thị trấn xanh Kamikatsu không rác thải ở Nhật Bản
Thị trấn nhỏ Kamikatsu nằm ở vùng núi của đảo Shikoku thuộc phía tây nam Nhật Bản hấp dẫn du khách với cánh đồng chè xanh mướt, dãy núi hùng vỹ trùng điệp, bầu không khí tươi mát và đặc biệt nơi này còn “nói không với rác thải”. Hiện toàn thị trấn có khoảng 1500 cư dân cùng sinh sống và gìn giữ cho môi trường sống xanh của mình.
Đến với Kamikatsu, du khách phải giật mình thán phục trước cách người dân phân loại rác thải kỹ tới mức thành 45 nhóm khác nhau. Tại trung tâm thu gom rác có đặt sẵn các thùng riêng biệt để phân loại, bao gồm thùng đựng báo, tạo chí, hộp carton, kim loại, chai nhựa, lon nhôm, lon thép, đèn huỳnh quang… Bạn có thể nghĩ đây là điều quá mức cần thiết, nhưng người dân Kamikatsu lại nghĩ khác.
Nhìn lại những ngày đầu, người Kamikatsu cũng vứt bỏ rác giống như bất cứ thị trấn nhỏ nào khác trên thế giới. Họ vứt rác vào môi trường thiên nhiên, hay thậm chí đốt bỏ chúng. Phát hiện ra sai lầm khi việc đốt rác tạo ra hiệu ứng nhà kính và những bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, thị trấn Kamikatsu đã thay đổi. Kể từ năm 2003, nơi này giới thiệu khái niệm mới “Không rác thải”.
Ban đầu, mọi thứ đều khó khăn. Việc rửa rồi phân loại rác thải trở thành công việc tốn thời gian và tẻ nhạt. Chai thủy tinh hay chai nhựa dùng xong phải được tháo nắp, sắp xếp phân loại theo màu. Chai nhựa chứa nước tương hay dầu ăn cũng được phân riêng, khác với chai đựng nước khoáng, chai chứa trà xanh. Hay đơn giản như báo và tạp chí cũng xếp thành bó gọn gàng, buộc với nhau bằng dây bện. Nhìn chung, người ngoài nhìn vào sẽ thấy vô số các quy định chặt chẽ.
Hàng chục thùng chứa phân loại rác thải
Ở Kamikatsu không có xe chở gom rác tận nhà. Người dân phải tự mang thùng rác gia đình tới trung tâm tái chế. Công nhân tại đây sẽ thu gom lượng rác được đảm bảo đẵ sắp xếp đúng cách trước đó. Quần áo, đồ trang sức, hay những món đồ mà gia chủ không cần nữa, sẽ bỏ lại một cửa hàng tái chế. Tại đây, họ có thể trao đổi và lấy những món khác mà ai đó để lại. Việc trao đổi đều miễn phí.
Những ngày đầu phân loại rác có thể nói là gánh nặng với người dân ở Kamikatsu. Qua thời gian, họ quen với kiểu phân hàng chục loại rác, có ý thức hơn về những gì đang làm và xử lý nhanh gọn hơn. Một chủ cửa hàng tại Kamikatsu cho biết, kể từ ngày Kamikatsu bắt đầu chương trình “xanh hóa cuộc sống”, ông chỉ mua đồ đựng trong hộp giấy để có thể tái chế đóng gói những thứ khác cho lần sau.
“Khi quen với việc phân loại, bạn không thấy mọi thứ phiền toái nữa, nó đã trở thành một phần của cuộc sống”, một cư dân ở Kamikatsu cho biết.
Nghe có vẻ khó khăn nhưng toàn thị trấn đang sẵn sàng tới năm 2020 để trở thành nơi không rác thải đầu tiên tại Nhật Bản. Ở thời điểm hiện tại, họ gần như hoàn thành mục tiêu khi 80% rác thải được tái sử dụng thành công.
Theo Huy Hoàng/ Dân Trí