Trước thực trạng phim "bom tấn" của nước ngoài luôn áp đảo phim trong nước, mới nhất là phim "Avengers: Infinity war" chiếm lĩnh hầu hết suất chiếu tốt ở tất cả cụm rạp trong những ngày qua, một phong trào mang tên "Giải cứu phim Việt" xuất hiện trên mạng xã hội, nhằm kêu gọi khán giả Việt ủng hộ phim Việt, cụ thể là 2 bộ phim Việt ra rạp cùng thời điểm với "Avengers: Infinity war" là "Lật mặt 3" và "100 ngày bên em".
Một cảnh trong phim "Avengers: Infinity war"
Cả 2 phim này đều đang rơi vào thảm cảnh doanh thu phòng vé, chỉ còn lại những suất chiếu khó có người xem là 9 giờ và 23 giờ.
Người Việt từng phát động phong trào giải cứu nông sản cho nông dân như chuối, dưa hấu, củ cải trắng… rất thành công, mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Nhưng đến "giải cứu phim Việt" thì gây ra tranh cãi. Khác với nông sản được giải cứu là những mặt hàng có chất lượng nhưng do lưu thông phân phối chưa hợp lý nên người sản xuất và người tiêu dùng không gặp được nhau, phim hiện nay được chiếu rộng rãi, khán giả tiếp cận dễ dàng và có quyền chọn lựa món giải trí cho mình nên việc kêu gọi giải cứu là chưa hợp lý hợp tình.
Có lẽ giới làm phim cũng không thích điều này khi nó phần nào tác động đến cái tôi, lòng tự trọng của họ. Đã có những bộ phim Việt gặt hái thành công vang dội, thậm chí có phim đánh bại cả phim "bom tấn" nước ngoài ngay trên sân nhà.
Dẫu biết đầu tư tác phẩm nghệ thuật là hết sức vất vả, khó nhọc nhưng khán giả sẽ chẳng quan tâm đến quá trình làm ra nó như thế nào để cân nhắc nên hay không nên mua vé. Với khán giả, chất lượng sản phẩm có thỏa mãn nhu cầu giải trí cho họ khi bỏ tiền ra mua vé hay không mới là điều cần quan tâm. Đó là thực tế. Cứ phim hay, khán giả sẽ đến rạp. Nếu biết sức mình chẳng thể làm phim hay nổi thì nhà làm phim phải biết tính thời điểm phù hợp để ra mắt. Đừng "lấy trứng chọi đá" để đến lúc "sứt đầu mẻ trán" lại đi kêu cứu kiểu "người Việt thì phải biết thương người Việt". Điều đó không chỉ vô lý, thiếu công bằng mà còn giống cách ăn vạ của trẻ con.
Bảo hộ nền điện ảnh còn non yếu là trách nhiệm của các nhà quản lý. Các quốc gia trong khu vực châu Á, cụ thể là Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ…, đều bảo hộ cho phim nội địa. Nhà nước có chính sách phù hợp nhằm hạn chế lượng phim ngoại nhập. Song song đó, tăng lượng phim nội địa. Đó là cách khuyến khích và kích cầu phim nội địa phát triển. Thực tế cho thấy họ đã thành công.
Theo Thụy Vũ/ NLĐ