BGTV- Ngày 3.3 âm lịch được gọi là Tết Hàn thực với ý nghĩa đánh dấu bước chuyển mình của vạn vật trước khi bước sang mùa hè, đây là một trong những ngày lễ truyền thống của người Việt. Bên cạnh bánh trôi, bánh chay là món ăn không thể thiếu, còn có những điều kiêng kị vào ngày này không phải ai cũng biết.
Kiêng lửa:
Thời xa xưa trong ngày Tết Hàn thực, mọi nhà không đốt lửa nấu thức ăn nóng mà chuẩn bị sẵn đồ ăn nguội. Tuy nhiên ngày nay, người Việt vẫn nấu nướng bình thường và dùng bánh trôi bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội (hàn thực).
Bánh trôi, bánh chay là những thức ăn nguội tượng trưng cho ngày tết Hàn thực ở Việt Nam
Kiêng chuyển nhà:
Người Việt quan niệm rằng “trần sao âm vậy”, người thân thích sau khi qua đời thì vong linh của họ vẫn còn tồn tại theo sát người thân ở trên trần gian, việc di chuyển nhà cửa sẽ có ảnh hưởng tới “vong linh” người đã khuất. Bởi vậy nên trong ngày Tết Hàn thực (liên quan đến cả tiết Thanh minh) người Việt kiêng chuyển nhà.
Kiêng ăn mặn:
Trong những ngày đầu tháng 3 âm lịch, các gia đình thường kiêng ăn mặn và ăn chay để không sát sinh, linh hồn người thân đã khuất sẽ dễ dàng siêu thoát.
Kiêng cúng bánh trôi, bánh chay ngũ sắc
Theo TS. Nguyễn Ánh Hồng - một chuyên gia văn hóa, thì bánh trôi của Việt Nam cũng khác với bánh trôi Tàu của người Trung Quốc. Bánh trôi truyền thống được làm từ bột nếp trắng, tròn đầy, tinh khiết, bên trong bọc đường.
Từ thời xưa, thứ bánh trắng trong này cũng đã đi vào những câu thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương, gắn liền với thân phận và những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt như: sự tảo tần, trong trắng, hy sinh, lam lũ… Chính vì thế, ngoài ý nghĩa hướng về cội nguồn, ngày Tết Hàn thực ở Việt Nam còn được xem là ngày Tết tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ.
Ngày nay, nhiều gia đình thường “chuộng” bánh trôi chay, nhiều màu sắc để thắp hương, dâng lên ông bà tổ tiên, tuy nhiên theo TS Nguyễn Ánh Hồng, điều này không đúng với nguyên gốc và những ý nghĩa của ngày lễ Hàn thực.
PV (Tổng hợp)