Nhiều nhà làm phim từ chối gửi tác phẩm tham gia, chất lượng phim không đồng đều... là thực trạng giải thưởng của Hội Điện ảnh.
Năm nay, ở lần thứ 16 tổ chức, Cánh Diều tiếp tục bị nhận xét chưa phản ánh toàn diện bộ mặt điện ảnh quốc gia. Ban tổ chức đã mời tất cả phim góp mặt nhưng nhiều đơn vị không dự. Trong 13 phim điện ảnh ở mùa này, 12 phim ra mắt năm 2017 (trừ Ở đây có nắng chiếu đầu năm 2018). Đây là con số quá nhỏ so với 38 phim Việt phát hành năm qua. Nhiều tác phẩm được đánh giá cao, có ý nghĩa nhân văn như Lô tô (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh) hay Khi con là nhà (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) đều từ chối tham gia.
Việc giới làm phim từ chối cơ hội tranh tài phần nào phản ánh sự khác biệt trong cách nhìn nhận về tác phẩm giữa họ và ban tổ chức. Ban giám khảo Cánh Diều hay bị báo chí nhận định là lớn tuổi, ít trẻ hóa đội ngũ. Thành viên giám khảo vốn là các nhà chuyên môn có kinh nghiệm, chủ yếu hoạt động trong dòng phim nhà nước.
Dựa trên giải Cánh Diều Vàng cho "Phim xuất sắc" hàng năm, có thể thấy giải đề cao các phim chính luận về chiến tranh, hậu chiến như Đừng đốt (2009) và Mùi cỏ cháy (2012). Nếu không phải dạng này, giải cao nhất thường thuộc về các phim có yếu tố lịch sử (Long thành cầm giả ca, Thiên mệnh anh hùng) hoặc ca ngợi văn hóa cổ truyền (Sài Gòn anh yêu em).
* "Mẹ chồng" là một trong 13 phim dự mùa giải mới Cánh Diều
Video: midu-boi-roi-chung-kien-canh-vung-trom-trong-me-chong-1509778649.mp4
Giải thưởng nhiều lần bỏ sót các phim có chất lượng tốt (do không hợp tiêu chí về đề tài) như Scandal, Quả tim máu hay 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy... Ở các giải thấp hơn như Cánh Diều Bạc hay bằng khen, lựa chọn của ban giám khảo nhiều lần gây khó hiểu cho giới chuyên môn. Không ít phim bị chê như 14 ngày phép, Long ruồi hoặc gây ý kiến trái chiều về chất lượng như Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Sút... cũng có giải. Một số phim có giải (nhất là các phim Nhà nước ở thập niên 2000) có khi vài năm sau mới ra rạp hoặc không chiếu thương mại. Hiện tượng đồng giải hay mỗi năm lại nảy ra giải mới cũng gây rối cho khán giả và người làm nghề.
Một số nhà làm phim tên tuổi không mặn mà với giải của Hội Điện ảnh.
Năm 2012, Charlie Nguyễn cho biết anh không vui khi đoạt danh hiệu "Đạo diễn xuất sắc" với Long ruồi vì tự nhận phim chưa tốt. Cùng năm, Vũ Ngọc Đãng nói ban tổ chức khập khiễng khi cho Hot boy nổi loạn nhận bằng khen cùng Lệ phí tình yêu - một phim bị đánh giá kém. Năm ngoái, Lương Đình Dũng - đạo diễn Cha cõng con - trả lại bằng khen vì cho rằng giải không công bằng. Trong các năm qua, nhiều nghệ sĩ được vinh danh không đến nhận giải.
"Đập cánh giữa không trung" gây chú ý ở nhiều liên hoan phim quốc tế nhưng không dự Cánh Diều
Trong khi đó, giới làm phim độc lập như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp từ lâu ít quan tâm đến Cánh Diều. Phan Đăng Di từng cho rằng Hội Điện ảnh Việt Nam đứng ngoài nhiều vấn đề mà giới làm phim đang đối mặt, ít giúp đỡ các đạo diễn trẻ. Ông Châu Quang Phước - chuyên gia truyền thông - nhận định giải Cánh Diều không còn nhiều giá trị ở thời điểm các nhà làm phim dễ dàng tiếp cận với các giải quốc tế uy tín. "Ban tổ chức có quyền có tiêu chí riêng, còn người làm phim cũng có góc nhìn của mình và rõ ràng là rất khác", ông nói.
Khả năng tổ chức sự kiện cũng là điểm yếu của giải Cánh Diều. Nhiều kỳ trao giải bị chê tẻ nhạt hoặc có sự cố gây bàn tán. Năm ngoái, MC Nguyên Khang và Hồng Ánh mắc lỗi đọc sai tên phim. Ở hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc cho phim truyền hình”, Lã Thanh Huyền được xướng tên cùng với nghệ sĩ Minh Trang. Tuy nhiên, ban tổ chức không chuẩn bị đủ hai chiếc cup, khiến nghệ sĩ Minh Trang không có cup.
* Sự cố với nghệ sĩ Minh Trang ở Cánh Diều năm ngoái
Video: nghe-si-minh-trang-boi-roi-vi-duoc-xuong-ten-nhung-khong-co--1491807451.mp
Đường đua Cánh Diều 2017
Ngoài Đảo của dân ngụ cư (đạo diễn Hồng Ánh) được định hướng từ đầu là phim nghệ thuật, các phim khác đều nhắm đến khán giả đại chúng. Tất cả phim dự Cánh Diều 2017 đều do tư nhân sản xuất, thuộc dòng tâm lý hoặc tình cảm - hài, vắng bóng thể loại hành động, kịch tính hoặc kinh dị. Với khoảng trống của điện ảnh nhà nước, không có phim nào về chiến tranh, hậu chiến.
Thay vào đó, các nhà làm phim chọn câu chuyện về cuộc sống hiện tại, chủ yếu xoay quanh giới trẻ. Một số tác phẩm bàn đến vấn đề văn hóa - xã hội như Cô Ba Sài Gòn (nghề may áo dài), Dạ cổ hoài lang, Giấc mơ Mỹ (cuộc sống người Việt ở Mỹ) nhưng chưa đào sâu hoặc cách thể hiện còn yếu. Giấc mơ Mỹ có thông điệp nhân văn song câu chuyện nhiều lỗi logic, nhân vật cường điệu, còn Dạ cổ hoài lang nặng tính kịch mà thiếu chất điện ảnh.
"Em chưa 18" tham gia Cánh Diều sau khi thắng giải Bông Sen Vàng.
Bỏ đi bốn phim remake (theo quy định ban tổ chức), đường đua giải phim xuất sắc còn chín tác phẩm. Nhìn chung, các phim chênh nhau nhiều về nội dung, kỹ thuật lẫn sức hút. Có phim đạt doanh thu cao như Em chưa 18, Cô gái đến từ hôm qua hay Cô Ba Sài Gòn, có phim kém hút khách như Giấc mơ Mỹ, Ở đây có nắng.
Năm nay, nếu chọn Em chưa 18 đoạt giải cao nhất, Cánh Diều sẽ phản ánh tinh thần trẻ trung và giàu tính giải trí. Tác phẩm này gây tiếng vang lớn nhất năm qua với giải Bông Sen Vàng và kỷ lục phòng vé. Ngoài ra, Cô Ba Sài Gòn, Cô gái đến từ hôm qua và Đảo của dân ngụ cư cũng có chất lượng tốt. Cuộc đua giải nữ chính khá hấp dẫn khi nhiều phim có nhân vật gây chú ý như Cô Ba Sài Gòn, Em chưa 18, Mẹ chồng hay Cô gái đến từ hôm qua. Tuy vậy, giải nam chính lại thiếu các ứng viên nổi bật.
* "Khi con là nhà" của Vũ Ngọc Đãng không dự Cánh Diều
Video: luong-manh-hai-chay-tron-trong-khi-con-la-nha-1511266921.mp4
Ở một tọa đàm vừa qua tại Hà Nội, đạo diễn Vũ Xuân Hưng - chủ tịch ban giám khảo - cho biết năm nay phim hay nhất và dở nhất có khoảng cách rất xa. Trong bốn tiêu chí (sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, bản sắc dân tộc, giá trị nhân văn và hiệu quả xã hội), có phim không đạt tiêu chí nào hoặc có cái này thì hỏng cái khác. Yếu tố bất bình thường về giới tính bị lạm dụng trong nhiều phim. Đạo diễn Nhuệ Giang - thành viên ban giám khảo - cho rằng có nhiều phim chất lượng kém, một số phim chỉ ở mức xem được.
Ban giám khảo đồng quan điểm cho rằng chưa có phim đi vào đời sống người Việt, chưa mang tính xã hội sâu sắc và bám sát vấn đề dân tộc. Tuy nhiên, nhà làm phim Đào Bá Sơn nhận định nên có cái nhìn cởi mở hơn, các giám khảo nếu không cẩn thận sẽ không sống cùng cảm nhận của các bạn trẻ. Đạo diễn sinh năm 1952 nói ngày càng nhiều phim có chất lượng cao, hướng đến vẻ đẹp nhân văn.
Cánh Diều được phát triển từ giải của Hội Điện ảnh Việt Nam (ra đời năm 1993, thuộc hệ thống giải của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật). Đến năm 2003, Hội Điện ảnh đặt lại tên cho sự kiện là Cánh Diều. Lễ trao giải năm nay sẽ diễn ra ngày 15/4 ở Nhà Hát Lớn (Hà Nội).
Theo Ân Nguyễn/VnExpress