Sứa đỏ, bánh đúc thịt hay bánh giò đều là những món ăn rất thích hợp để ăn trong tiết trời cuối xuân đầu hè.
Sứa đỏ - đặc sản Hà Nội không phải ai cũng dám thử. Ảnh: Nguyên Chi
Sứa đỏ
Sứa đỏ đang là từ khóa được cộng đồng ăn chơi Hà Nội nhắc tên nhiều nhất những ngày tháng 3 giao mùa này. Món ăn đặc sản của vùng biển miền Hải Phòng, Nam Định, từ lâu đã trở thành món ăn chơi cầu kỳ ở đất Hà thành. Cứ mỗi độ tháng 3-4 cuối xuân chuẩn bị sang mùa hè, những hàng sứa đỏ trên các con phố cổ lại rục rịch mở bán, đón những thực khách đầu tiên của mùa sứa mới.
Sứa sau khi được đánh bắt phải được ngâm ngay vào thùng nước có vỏ hoặc rễ cây sú vẹt, việc này giúp sứa không tan, giòn giòn sật sật và có màu đỏ đầy quyến rũ, mời gọi. Sứa vốn không có vị gì đặc biệt nhưng khi được ăn kèm với các loại gia vị "phụ kiện" thì lại trở thành một món ăn rất tinh tế, không đâu có được. Người ta thường dùng thanh tre, nứa để cắt sứa thay vì dao kim loại. Khách ăn sẽ gói miếng sứa trong một chiếc lá tía tô be bé, thêm một miếng đậu nghệ nướng vàng, một miếng cùi dừa thái mỏng, sau đó chấm với mắm tôm vắt chanh đánh sủi bọt. Đơn giản vậy thôi mà khiến bao người nhung nhớ, mỗi năm chỉ mong ngóng tới mùa sứa để được thưởng thức cho thỏa cơn thèm.
Sứa đỏ chỉ được bán ở vỉa hè một số con phố được dân sành ăn điểm mặt chỉ tên như Đường Thành, Hàng Chiếu, chợ Đồng Xuân - Ô Quan Chưởng hay Hàng Than. Món ăn chơi chơi nên chỉ bán vào buổi chiều, rất hợp để ăn làm bữa xế.
Bánh giò
Bánh giò thường được ăn kèm với dưa góp cho đỡ ngấy. Ảnh: funluvfood
Không giống sứa đỏ, bánh giò được bán quanh năm, trong hầu khắp các khu chợ lớn nhỏ trong thành phố. Tuy nhiên, dường như bánh ngon hơn khi ăn lúc tiết trời còn mát mẻ. Vậy nên, trước khi mùa hè nóng như đổ lửa ập tới, hãy tranh thủ thưởng thức một chiếc bánh giò nóng hổi, dân dã nhưng không kém phần đậm đà này. Chiếc bánh giò nóng hổi, ăn chỉ đủ lưng lửng bụng vào giờ tan tầm mà không làm ảnh hưởng tới bữa cơm tối.
Thực khách thường gọi kèm với dưa góp được làm từ dưa chuột thái vạt mỏng, ngâm giấm tỏi để ăn kèm cho đỡ ngấy. Tương ớt để ăn bánh giò ngon nhất là loại tương ớt sền sệt, cay xé nhưng hơi ngòn ngọt. Ngoài ra, nhiều quán còn bán thêm giò, chả cốm hay xúc xích để ăn kèm nhưng ăn rất nhanh ngấy vì nhiều thịt, cũng dễ làm mất đi hương vị gốc của bánh giò.
Trước đây, ở Hà Nội có 3 "tụ điểm" được dân ghiền bánh giò hay lui tới: một là ở chợ Kim Liên (phía đường Lương Định Của), hai là trong chợ Nguyễn Công Trứ và cuối cùng là bánh giò trên đường Thụy Khuê. Bánh giò ở đây thường được gói với kích thước vừa vặn, tỷ lệ vỏ và thịt vừa phải, hương vị hòa quyện, thấm đẫm rất vừa miệng.
Bánh đúc thịt
Cũng tương tự như bánh giò, bánh đúc thịt là món ăn của mùa lạnh nên trong những ngày cuối mùa này, nếu là fan của bát bánh đúc thịt chan nước dùng "ngập mồm ngập miệng" này thì hãy nhanh chân đi thưởng thức ngay nhé. Bởi khi mùa hè "ập tới", cảm giác khi ăn các món nóng sốt này sẽ khó mà trọn vẹn như khi tiết trời mát mẻ.
Cùng mang tên bánh đúc nhưng bánh đúc thịt dường như chẳng giống bánh đúc chấm tương chút nào, có chăng chỉ là nguyên liệu làm ra món ăn này. Bánh đúc được đánh nhuyễn, mềm quyện như cháo nhưng dẻo và dai hơn. Phía bên dưới bát là thịt băm cùng mộc nhĩ được xào sơ qua, thêm gia vị cho đâm đà. Cuối cùng là chan nước dùng, cho thêm rau mùi, hành khô và vài miếng đậu rán. Người Hà Nội xưa cầu kỳ, phải chọn đúng loại đậu Mơ rán chín vàng rươm.
Ở Hà Nội, hàng bánh đúc thịt nổi tiếng nhất có lẽ nằm ở số 8 Lê Ngọc Hân, sâu trong con ngõ nhỏ gần chợ Hôm. Khách ăn sẽ gửi xe ở ngoài đường, đi bộ vào ngõ nhỏ hẹp chỉ vừa 2 người đi, sau đó vào tới trong nhà. Diện tích quán không lớn và luôn tấp nập người qua lại. Ngoài bánh đúc thịt, quán còn rất nổi tiếng với món miến trộn hương vị rất vừa vặn.
Xôi chè, chè đỗ đen ướp hoa nhài, hoa bưởi
Xôi chè bà Thìn luôn được yêu thích suốt nhiều thập kỷ qua ở Hà Nội. Ảnh: hakuruno
Xôi chè, chè đỗ đen, thạch đen là những món chè truyền thống có thể ăn được quanh năm. Thế nhưng, ăn ở thời điểm này lại trọn vẹn nhất bởi lẽ, đây là mùa hoa bưởi, hoa nhài - hai trong số những nguyên liệu tuy "nhỏ mà có võ" giúp món ăn trở nên tinh tế hơn. Người Hà Nội xưa không chỉ ăn lấy vị, ngắm hình ảnh mà còn phải đảm bảo mùi hương cũng phải thật hấp dẫn.
Cuối tháng 3 đầu tháng 4 là lúc hoa bưởi, hoa nhài bắt đầu nở. Hoa bưởi tàn sớm hơn còn hoa nhài có thể khai hoa trong một vài tháng đầu hè. Khi nấu xôi chè hay một số loại chè cổ như chè đỗ đen, chè hạt sen long nhãn, người xưa thường ướp kèm với hoa nhài hoặc hoa bưởi để mùi hương thoang thoảng, dịu dàng. Trước đây, người ta không bỏ thẳng hoa vào nồi chè như bây giờ mà thường tráng nước sôi vào cốc và ủ hoa nhài trong khoảng 15 phút để hương hoa được lan tỏa một cách tự nhiên, sau đó mới múc chè vào. Mùi hoa nhẹ nhàng quyện với mùi vị thơm ngọt của các món chè, xôi tạo nên nét tinh tuý của ẩm thực Hà thành.
Theo Nguyên Chi/ NgôI Sao