Rõ ràng, công chúng không hề suy diễn trong vụ phim "Điệp vụ biển Đỏ". Vì vậy, đừng "cả vú lấp miệng em", dùng quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước hòng dập tắt dư luận.
Hình ảnh anh hùng của đội quân Trung Quốc được thể hiện trong phim "Điệp vụ biển Đỏ"
Việc Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện không phát hiện ra ý đồ tuyên truyền độc chiếm biển Đông của Trung Quốc khi thẩm định bộ phim "Điệp vụ biển Đỏ" và Cục Điện ảnh cấp phép cho phim này trình chiếu trên hệ thống rạp chiếu toàn quốc thời gian qua là biểu hiện sự sai trái, thiếu nhạy cảm chính trị trong thi hành phận sự của cơ quan chuyên trách.
Nhưng thay vì nhận thấy được sai sót để khắc phục sửa chữa, Cục Điện ảnh (đại diện là bà Phó Cục trưởng Lý Phương Dung) lên trang báo điện tử Tổ Quốc của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để chống chế, ngụy biện nhằm đánh lạc hướng dư luận. Phải chăng động thái này nhằm "dọa" báo chí những ngày qua đã phản ánh sự bức xúc của người dân về việc phim "Điệp vụ biển Đỏ" có nội dung sai phạm song vẫn được phép công chiếu tại Việt Nam.
Theo đó, bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch), Ủy viên Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện, cho rằng những thông tin mà mạng xã hội và một số tờ báo mạng đưa tin rằng bộ phim "Điệp vụ biển Đỏ" tuyên truyền thô lỗ và kệch cỡm với mục đích dằn mặt các bên về chủ quyền biển đảo", hay "phim nói biển Đông thuộc Trung Quốc" là không có trong phim và hoàn toàn suy diễn.
Để làm "chìm xuồng" cái lỗi của Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện và Cục Điện ảnh, bà Dung đưa ra thông tin 7/11 thành viên đã xem và thẩm định phim "Điệp vụ biển Đỏ" (4 thành viên vắng có lý do) trong đó có các thành viên là lãnh đạo cấp vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cùng các nhà chuyên môn uy tín. Hội đồng đã thẩm định và phân loại bộ phim theo đúng trình tự và quy định hiện hành.
Bà Dung cũng khẳng định Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện đã làm việc hết sức cẩn trọng, công tâm. Sau khi thẩm định và phân loại, bộ phim được 100% thành viên hội đồng đề nghị cho phép phổ biến... nhằm cũng cố thêm quan điểm không sai của mình.
Cho rằng bộ phim "Điệp vụ biển Đỏ" đã được phát hành đồng thời từ tháng 2-2018 tại một số nước và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Anh, Canada, New Zealand, Úc, Singapore, Campuchia, Malaysia… chứ không riêng Việt Nam và khán giả không có ý kiến phản hồi trái chiều về bộ phim để đi đến quy kết: "Trên một số tờ báo mạng có những bài viết phản ánh quan điểm chủ quan của tác giả về hai nội dung cơ bản: "Bộ phim tuyên truyền thô lỗ và kệch cỡm với mục đích dằn mặt các bên về chủ quyền biển đảo" và đoạn 2 phút cuối phim "nhằm mục đích tuyên truyền lệch lạc và hiếu chiến về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông của Trung Quốc". Chưa hết, bà Dung còn nhấn mạnh những bài viết mang tính suy diễn chủ quan này kích động, kéo theo một số bài trên các báo khác, "gây ra nhiều thông tin trái chiều, sai lệch trong dư luận, đồng thời tạo ra những tác động tiêu cực trong xã hội".
Rõ ràng, công chúng không hề suy diễn. Những người dân bình thường đã nhận ra ý đồ của kẻ xấu, ý thức được việc cần phải đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của đất nước, lợi ích của dân tộc nên lên tiếng để cùng nhau ngăn chặn. Vì vậy, đừng "cả vú lấp miệng em", dùng quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước hòng dập tắt dư luận vốn đang gây bất lợi cho mình.
Sai sót trong công việc là khó tránh khỏi. Quan trọng phải biết nhận ra cái sai để sửa chữa, khắc phục với tinh thần cầu thị. Người làm công tác quản lý càng phải hiểu điều đó. Không vì trốn tránh trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của mình mà tìm cách né tránh, đổ vấy cho người khác. Làm như thế càng cho thấy thêm sự yếu kém của mình mà thôi.
Cũng không thể giải thích đơn giản là khâu thẩm định đã "đúng quy trình" rồi là xong chuyện, mà phải có những "địa chỉ" cụ thể nhận trách nhiệm và chịu hình thức xử lý trong vụ này.
Theo Ân Thông/NLĐO