Dù phim chủ đề tình cha con không cần kinh phí đầu tư quá cao lại gần gũi, dễ tạo cảm xúc cho người xem nhưng để làm nên thành công không dễ
Cảnh trong phim "Khi con là nhà". (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Sau phim "Cha cõng con" của đạo diễn Lương Đình Dũng gây chú ý vì ca ngợi tình cha con thiêng liêng, nhiều phim cùng chủ đề này xuất hiện nhiều hơn cả trên màn ảnh nhỏ lẫn rộng, ít nhiều chiếm được cảm tình của khán giả.
Cảm xúc ấm áp
Những câu chuyện về tình mẹ con được khai thác nhiều trên màn ảnh lâu nay nhưng tình cha con thì không nhiều. Gần đây, những phim khắc họa rõ nét về tình cảm cha con xuất hiện nhiều trên màn ảnh rộng: "Cha cõng con", "Khi con là nhà", "Ở đây có nắng"... và trên màn ảnh nhỏ, ngoài những phim: "Tía ơi", "Ngũ long công chúa", "Cha rơi", "Con anh con em, con người ta", "Hương đồng nội"... vẫn còn các dự án về chủ đề tình cha con chờ phát sóng như phim "Con gái của bố già". Nhiều người trong giới nhận định việc chuyển hướng tập trung khai thác tình cha con nhiều hơn tình mẹ con là cách để các nhà sản xuất tìm cái mới trên nền chủ đề tình cảm gia đình quen thuộc. Đây là tín hiệu vui vì như thế những phim cảm xúc có cơ hội ra rạp phục vụ khán giả, điều mà trước đây rất khó thực hiện. Với một số đạo diễn, sự thay đổi này đôi lúc đơn giản còn là muốn thử cái lạ so với những gì mình từng làm. "Các phim điện ảnh của tôi trước đây thường xây dựng nhân vật nhiều cay đắng, ẩn uất. Nhưng phim "Khi con là nhà", tôi lại muốn thay đổi một chút. Tôi muốn kể câu chuyện đơn giản đến mức không thấy bàn tay đạo diễn. Đơn giản ở câu chuyện lẫn cách kể chuyện. Tôi muốn làm một bộ phim thật ấm áp để khi xem xong, người ta bỗng thấy yêu bản thân, gia đình, cha mẹ, con cái, quê hương mình hơn" - đạo diễn Vũ Ngọc Đãng bày tỏ.
Đạo diễn Đỗ Nam của phim "Ở đây có nắng" cho biết anh không sợ câu chuyện phim của mình bị trùng lắp hay so sánh với những tác phẩm nói về tình cha con khác. Bởi mỗi tác phẩm đều có hướng khai thác riêng trên chủ đề chung, mang màu sắc hoàn toàn khác nhau. Đạo diễn Lê Cung Bắc nhận định thị hiếu khán giả ngày càng cao và thay đổi nhanh. Vì thế, nhà làm phim nỗ lực tìm cái mới để hấp dẫn, chinh phục khán giả. Những chủ đề tình mẫu tử quá quen thuộc từ màn ảnh nhỏ đến màn ảnh rộng trong khi tình cha con ít được khắc họa nên hiện trở thành trọng điểm, khai thác nhiều. Một chủ đề thân thuộc, gần gũi, dễ hiểu nhưng nếu chọn một góc lạ và thể hiện phong cách khác trước vẫn mang đến sự thú vị. Thêm vào đó, nhà phát hành cũng có sự thay đổi theo thị hiếu khán giả, điều giúp dạng phim cảm xúc dễ dàng được công chúng tiếp nhận khi ra rạp.
Phải chạm tim khán giả
Dù phim chủ đề tình cha con phần nhiều không cần kinh phí đầu tư quá cao lại gần gũi, dễ tạo cảm xúc cho người xem nhưng để làm nên thành công không dễ. Điều này thể hiện rõ qua doanh thu chưa như kỳ vọng của các phim: "Cha cõng con", "Ở đây có nắng"... Được nhiều lời khen về chất lượng và độ truyền miệng tốt nhưng phim "Khi con là nhà" cũng chưa tạo dấu ấn doanh thu tương đương những phim tình mẫu tử như "Nắng". Trên màn ảnh nhỏ trước đây, phim "Mẹ con đậu đũa", "Chuyện của mộc" vẫn là những tác phẩm kinh điển về tình cha con. Các phim gần đây như: "Hai người cha", "Cha rơi" tạo ấn tượng nhưng vẫn chưa vượt được các tác phẩm trước. Nhiều nguyên nhân giải thích nhưng người trong giới nhận định phần lớn là do khâu kịch bản yếu, đường dây câu chuyện còn khiên cưỡng, chi tiết chưa thuyết phục, chưa đẩy cảm xúc khán giả đến tận cùng. Biên kịch Thanh Hương cho rằng kể câu chuyện về tình phụ tử hay mẫu tử không quá khó nhưng để chạm cảm xúc khán giả lại chẳng dễ. Trong khi đó, chủ đề này đòi hỏi nhà làm phim và nhất là đạo diễn phải khiến khán giả khóc, cười cùng nhân vật. Một số biên kịch nữ nếu chưa đủ trải nghiệm chẳng dễ dàng lột tả tình cha con trên phim. Đây là dạng phim không đòi hỏi kinh phí đầu tư cao nhưng yếu tố cảm xúc rất quan trọng, kịch bản phải đạt độ chín và ê-kíp thực hiện cũng phải khai thác đến cùng, nếu muốn có tác phẩm hay. Theo đạo diễn Lê Cung Bắc, phim về tình cha con có chinh phục được khán giả hay không phải dựa vào cái tài truyền cảm xúc đến cho người xem từ ê-kíp thực hiện. Trong đó, ngoài đạo diễn, vai trò diễn viên cũng quan trọng không kém. Họ diễn tốt, cuốn hút, khán giả sẽ tin rằng họ chính là nhân vật đang thể hiện và từ đó dễ đồng cảm, chìm vào cảm xúc hơn.
"Việc các nhà sản xuất khai thác tình cha con là tín hiệu tốt, cho thấy họ nỗ lực tìm cái mới lạ mang thông điệp nhân văn gửi khán giả. Tuy vậy, phim về tình cha con vẫn chưa thể tạo cột mốc mới theo tôi là do năng lực của ê-kíp sản xuất. Khán giả đòi hỏi phim hay, nhà sản xuất cũng muốn tạo ra tác phẩm tốt, đạo diễn và diễn viên... cũng luôn mong mình đáp ứng được kỳ vọng khán giả. Nhưng mọi chuyện không đơn giản. Sức lực làm đến đâu sẽ cho ra kết quả đến đó. Dù vậy, chúng ta vẫn phải ghi nhận và cổ vũ cho nỗ lực này dù sản phẩm ra đời chưa như mong đợi" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Tạo sự đa sắc cho phim Thị trường phim Việt năm 2017 được nhận định chất lượng nâng cao so với trước. Các tác phẩm sâu lắng, thông điệp nhân văn được đầu tư và dù chưa có sự bùng nổ về doanh thu nhưng bức tranh chung của phim Việt đổi màu. Ở đó, một số nhà sản xuất mạnh vốn dồn lực thực hiện nhiều tác phẩm chủ đề lạ chưa phim Việt nào trước đó khai thác tới. Một số nhà sản xuất non trẻ, ít vốn tập trung khai thác những góc lạ trong các chủ đề gần gũi, nhân văn như phim đề tài tình cha con, mẹ con hay gia đình. |
Theo Minh Khuê/ NLĐ