Tử Cấm Thành, một trong những địa danh hút khách du lịch đến với Bắc Kinh bậc nhất hiện nay, vẫn còn lưu giữ nhiều huyền thoại ít người biết tới phía sau những bức tường thành.
Tử Cấm Thành hay Cố Cung (theo cách gọi ngày nay), nằm ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh trước kia. Đây là nơi ở của Hoàng tộc từ triều đại giữa nhà Minh tới cuối nhà Thanh. Với diện tích 720.000m2 gồm 800 cung và 9999 phòng, UNESCO đã xếp Cố Cung vào loại quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và công nhận là Di sản Thế giới năm 1987.
Trong suốt triều đại Minh, Thanh, Tử Cấm Thành là nơi ở của Hoàng đế, đồng thời thể hiện quyền lực tối cao và tôn quý. Bên trong cung điện thiết kế tường đỏ, ngói vàng, nhưng sao lại là Tử (tím) Cấm Thành?
Được biết, công trình xây dựng như bản mô phỏng “Cung điện tím” trên Thiên cung bởi Hoàng đế của Trung Hoa được ví như Thiên tử (con trời).
Hình ảnh mô phỏng việc vận chuyển đá tới xây Tử Cấm Thành
Người ta vận chuyển số lượng lớn các khối đá tới địa điểm xây dựng. Có những khối đá nặng tới 220 tấn hay 330 tấn trước khi bị đập nhỏ. Theo tài liệu để lại, đá được khai thác từ khu mỏ cách đó chừng 70 km. Người Trung Hoa dùng bánh xe từ khoảng năm 1500 TCN, do vậy, các nhà khoa học tin rằng, đây là cách họ vận chuyển những tảng đá khổng lồ tới xây Tử Cấm Thành.
Tuy nhiên, căn cứ theo tài liệu cổ tuổi đời 500 năm tiết lộ cách những người thợ vận chuyển tảng đá khổng lồ để xây cung. Trên chiếc xe cấu tạo đặc biệt, một nhóm thợ kéo trên đường trượt hàng dặm dài suốt 28 ngày. Những người khác đào giếng 500m, đổ nước lên băng để tạo độ trơn giúp việc kéo đá dễ dàng hơn.
Tử Cấm Thành vốn là nơi ở của Hoàng đế và Hoàng thất nên thường dân không được phép tiếp cận. Trong đó, Tiền Triều là nơi Hoàng đế họp bàn việc quốc sự với các quan đại thần. Đây cũng là nơi từng tiếp đón người nước ngoài, nhưng Hậu Cung lại là chốn bất khả xâm phạm.
Không chỉ thể hiện trung tâm quyền lực của Hoàng đế Trung Hoa, Tử Cấm Thành còn chứng kiến những bữa tiệc xa hoa. Theo tài liệu cũ ghi lại, dưới triều nhà Thanh, mọi bữa tiệc trong Hoàng tộc đều do phủ nội vụ đảm nhiệm. Riêng với Từ Hy Thái hậu, mỗi ngày bà ăn 2 bữa chính. Mỗi bữa ăn bao gồm hơn 100 món khác nhau. Đương nhiên Thái hậu không thể dùng hết phần ăn này.
Cũng dưới thời các Hoàng đế nhà Minh, Thanh, một lượng lớn các phi tần được tuyển chọn vào cung để phục vụ nhà Vua. Sử sách ghi lại dưới triều nhà Thanh tuyển chọn khoảng 20.000 thiếu nữ vào Hậu cung làm thê thiếp.
Những người phương Tây đầu tiên được phép vào Tử Cấm Thành là nhà truyền giáo người Ý Matteo Ricci. Ông đặt chân qua ngưỡng cửa của Tử Cấm Thành năm 1601. Dù mục tiêu của Ricci muốn truyền đạo tới Trung Quốc, nhưng việc ông được triệu hồi vào chốn cung cấm không phải do đức tin tôn giáo, mà nhờ sự hiểu biết tinh thông trong lĩnh vực khoa học của mình.
Một người phương Tây thứ 2 cũng đặt chân tới đây trong triều đại nhà Thanh là Andreas Everardus van Braam Houckgeest. Ông viếng thăm năm 1795 khi nhà Thanh đang ở thời kỳ đỉnh cao của danh vọng và quyền lực.
Trải qua nhiều biến cố trong lịch sử, ngày nay, Tử Cấm Thành đã trở thành điểm đến của hàng triệu khách du lịch tới thăm Bắc Kinh mỗi năm. Tùy vào từng thời điểm, khách du lịch có thể bị hạn chế. Ví dụ vào mùa cao điểm, du khách được khuyến kích nên mua vé vào buổi chiều hoặc tới trước ngày lễ. Đây là bước đi đúng đắn làm giảm bớt gánh nặng cho du lịch ở Cố Cung, nhưng vẫn giúp công chúng được tiếp cận địa điểm thú vị này.
Theo Huy Hoàng/ Dân Trí