Những năm gần đây, nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn đã khẳng định được sự sáng tạo của mình với thương hiệu Thuy Design House. Đặc biệt, mỗi bộ sưu tập trình làng của chị là mỗi ẩn số thú vị và dấu ấn riêng, để lại nhiều cảm xúc đẹp trong lòng công chúng cũng như giới mộ điệu.
Là người đam mê hội họa, những nét đẹp truyền thống trong văn hóa Việt được Thuỷ Nguyễn thể hiện sinh động và độc đáo trong những họa tiết biến tấu trên từng thiết kế.
Với bộ sưu tập mới giới thiệu trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam Thu Đông 2017-Vietnam International Fashion Week Fall/Winter 2017 vừa qua, Thủy Nguyễn đã mang đến một “Cô ba Sài Gòn” rực rỡ sắc màu.
Bộ sưu tập lấy cảm hứng từ những họa tiết gạch bông quen thuộc trong những ngôi nhà ở Sài Gòn, với phong dáng trẻ trung. Đây cũng chính là tia nắng ấm phương Nam mà nhà thiết kế muốn gửi đến Hà Nội trong những ngày gió mùa về.
"Cô ba" Ngô Thanh Vân xuất hiện ở vị trí vedette. (Ảnh: BTC)
“Cô ba Sài Gòn” được tái hiện trong bối cảnh của những năm 60 thế kỷ trước bằng tinh thần tươi mới, đậm chất Sài thành tinh tế và sành điệu. Một cách khéo léo, Thuỷ Nguyễn đã chọn cách tôn vinh vẻ đẹp cổ điển và năng động mà Hòn ngọc Viễn Đông từng sở hữu.
Hoa văn gạch bông đặc trưng trong kiến trúc Đông Dương một thời vang bóng được khắc họa biến tấu trên nền trang phục. Giới mộ điệu ví von bộ sưu tập này như bản tình ca bolero dù chất chứa nhiều hoài niệm nhưng lại đầy trìu mến và tươi sáng.
“Dù là người con Hà Nội, tôi đã luôn dành cho Sài Gòn một tình cảm đặc biệt, nhất là lòng si mê cái sành điệu và lối suy nghĩ cởi mở, sẵn sàng đón chào xu hướng mới trong thời trang, kiến trúc và nghệ thuật mà thành phố này luôn ấp ủ,” nhà thiết kế Thủy Nguyễn thổ lộ.
Và với chị: “Không chỉ là một Sài Gòn trong ký ức, các hoa văn được sử dụng cho bộ sưu tập lần này còn đến từ ngôi nhà nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Vì mỗi ngày đều nhìn thấy chúng, trên nền gạch, trên tường, và trên bàn, ghế trong nhà, các hoa văn này đã trở thành một phần tuổi thơ tôi. Do đó, khi nhìn thấy chúng dần biến mất khỏi cuộc sống thường trực, tôi mong muốn được gìn giữ những hình ảnh này qua ngôn ngữ của thời trang.”
Nhà thiết kế Thủy Nguyễn cho biết, “Cô ba Sài Gòn” được thực hiện với kỹ thuật in chất lượng cao trên nền gấm, bố gấm, giúp các hoa văn đạt được độ chính xác cao, truyền tải chi tiết ý tưởng của chị.
Phi lụa, phi dẻo, organza (loại vải mỏng, trơn mịn, được dệt từ lụa tơ tằm hoặc sợi filament tổng hợp) và các chi tiết đính kết bằng tay còn giúp tạo hiệu ứng nổi ba chiều cho trang phục. Đặc biệt là sự gặp gỡ của các mảng màu tương phản, những đường ghép theo phong cách pop-art, xu hướng đặc trưng vào những năm 60.
Phụ kiện đi kèm trong bộ sưu tập như kính mắt mèo, băng đô, nón gấm và giày mũi nhọn đế thấp được thiết kế riêng với họa tiết gạch cũng là những điểm sáng của bộ sưu tập.
Có lẽ, lâu rồi công chúng mới thấy Ngô Thanh Vân xuất hiện, lại trong vai trò người mẫu mở màn cho tinh thần “Cô ba Sài Gòn,” tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài, trên nền nhạc các ca khúc “Biển tình,” “Một thoáng quê hương” gợi lên những xúc cảm mạnh mẽ.
Bộ sưu tập quả thực đã chiêu đãi người hâm mộ bữa tiệc thịnh soạn của màu sắc và những cảm xúc đẹp tròn trịa./.
Theo Mai Mai/ Vietnamplus