Đối mặt với cơn khan hiếm kịch bản, các nhà làm phim đã tìm đến liệu pháp chữa cháy tức thời: Việt hóa các bộ phim nước ngoài hay còn gọi là ''remake'' phim. Tuy nhiên, sự xâm lấn của hàng loạt dự án ''remake'' khiến người ta không khỏi nghi ngại: điện ảnh Việt nên mừng hay lo?
Nỗi buồn mang tên… ''remake''
Năm 2015 đánh dấu thời điểm dòng phim ''remake'' chính thức chạm ngõ điện ảnh Việt với bộ phim ''Yêu'' của đạo diễn trẻ Việt Max, làm lại từ phiên bản gốc ''The Love of Siam'' của Thái. Phim quy tụ dàn diễn viên trẻ đang nổi nên lập tức thu hút được sự chú ý của khán giả và giới chuyên môn, dù doanh thu không cao do chủ đề đồng tính ít nhiều hạn chế khán giả.
Tuy nhiên, cú hích thật sự của phim ''remake'' đến vào đầu năm 2016, khi bộ phim ''Em là bà nội của anh'' (remake từ tác phẩm ''Miss Granny'' - Hàn Quốc) của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chạm mức doanh thu hơn 100 tỷ đồng, một con số đáng mơ ước với các nhà làm phim Việt.
Ngay sau thành công đó, giới làm phim đã râm ran tin đồn về những dự án đình đám của Hàn Quốc sẽ xâm lấn sâu rộng vào thị trường phim ảnh Việt Nam. Các thương vụ mua bán và ký kết hợp đồng hợp tác với các công ty giải trí nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc, diễn ra âm thầm nhưng đồng loạt ở cả mảng phim truyền hình lẫn điện ảnh.
Phim ''Em là bà nội của anh.''
Và năm 2017 chính là liều thuốc thử khi một loạt dự án ''remake'' bấm máy từ năm 2016 chính thức ra rạp. Mở hàng là phim ''Bạn gái tôi là sếp'' (Việt hóa từ phim ''ATM'' - Thái Lan). Dù phim được đánh giá tốt với cách kể chuyện chắc tay của đạo diễn Hàm Trần, nhưng chi phí sản xuất cao khiến nhà sản xuất không thu về được con số như kỳ vọng ban đầu. Tuy nhiên điều đó không làm cho các nhà sản xuất e ngại.
Bộ phim ''Sắc đẹp ngàn cân'' mà nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh mua lại từ phiên bản ''200 Pounds Beauty'' của Hàn Quốc, dưới bàn tay của đạo diễn James Ngô với ngôi sao Minh Hằng thủ vai chính, là phiên bản ''remake'' được chờ đợi nhất trong nửa đầu năm 2017. Nhưng đáng tiếc, tay nghề non kém của đạo diễn, cộng với hàng loạt lỗi dàn dựng và sản xuất, khiến cho bản Việt hóa này trở thành nỗi thất vọng lớn cả về thương mại lẫn nghệ thuật.
Điều trớ trêu ở chỗ, chỉ vài tuần sau ''Sắc đẹp ngàn cân,'' một phim ''remake'' khác cũng xếp hàng chờ ra rạp, đó là ''Yêu đi đừng sợ'' (remake từ phim ''Spellbound'' - Hàn Quốc) do Stephane Gauger đạo diễn. Mặc dù ban đầu người ta có cảm giác sai sai khi đạo diễn là người Mỹ, kịch bản Hàn Quốc và diễn viên Việt Nam… Nhưng rất may, ''Yêu đi đừng sợ'' lại tròn trịa và mang lại nhiều cảm xúc hơn bất cứ phim ''remake'' nào trước đó ở thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, chính sự cố ngã ngựa bất ngờ của ''Sắc đẹp ngàn cân'' đã ảnh hưởng nặng nề đến ''Yêu đi đừng sợ,'' khi cả hai phim liên tiếp ra rạp đều là sản phẩm remake từ kịch bản Hàn Quốc. Điều đó khiến cho bộ phim sau phải chịu sự ghẻ lạnh lẽ ra không đáng có từ khán giả!
Thậm chí chỉ hai tuần sau tín hiệu phản hồi không tốt từ truyền thông và phòng vé của ''Sắc đẹp ngàn cân,'' ít nhất hai dự án phim remake đang khởi động phải lập tức hoãn lại để nghe ngóng tình hình, đó là ''Cú té trời tính'' (mua lại bản quyền phim ''Key of Life'' của Nhật Bản) và ''Ông ngoại tuổi băm'' (làm lại từ ''Speed Scandal'' của Hàn Quốc).
Sức ép của chữ ''remake'' đang dồn lên hai bộ phim vừa hoàn tất phần ghi hình là ''Ngựa hoang'' (từ phiên bản gốc ''Sunny'' - Hàn Quốc) của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, và ''Cô nàng ngổ ngáo'' (từ phim ''My Sassy Girl'' - Hàn Quốc) của đạo diễn Văn Công Viễn. Áp lực này càng nặng hơn khi thất bại của ''Sắc đẹp ngàn cân'' và ''Yêu đi đừng sợ'' vẫn còn sờ sờ ra đấy!
Phim ''Yêu đi đừng sợ.''
Làm phim ''remake'' - nên hay không?
Có thể trả lời ngay: Tùy vào nhu cầu của thị trường. Nếu xem phim ảnh đơn thuần là hàng hóa, thì thị trường có cầu tất có cung. Vậy câu hỏi tiếp theo là, thị trường Việt có cần phim ''remake''?
Hãy nhớ lại vài năm trước, khi nhà nhà sản xuất phim truyền hình, trước tình trạng khan hiếm kịch bản, người ta đã bỏ tiền ra mua kịch bản nước ngoài về để Việt hóa, trong đó không thiếu những kịch bản đình đám, nhưng 95% số đó đều thất bại nặng nề.
Giờ phim điện ảnh Việt lại tiếp tục đi vào vết xe đổ đó của phim truyền hình. Nhà nhà cũng đổ tiền làm phim ''remake''. Việc mua bản quyền sản xuất phim nước ngoài tưởng đâu là liệu pháp nhanh gọn cho việc ''đói'' ý tưởng, nhưng ''remake'' vấp phải khó khăn ở chính cụm từ ''Việt hóa.'' Không nhiều khán giả sẵn lòng bỏ tiền và thời gian cho một câu chuyện của nước ngoài mà họ đã rõ mười mươi, đến rạp để xem lại nội dung ấy trong bối cảnh Việt và diễn viên người Việt. Nếu vậy thì lồng tiếng Việt cho bộ phim gốc có lẽ hiệu quả hơn nhiều! Phim Việt nguyên gốc có thể chưa mạnh về cả lượng và chất, nhưng khán giả vẫn dành cho nó sự ưu ái, bởi họ muốn xem một câu chuyện Việt, của người Việt.
Phim ''Bạn gái tôi là sếp.''
Sau những hồ nghi này, người ta nhìn lại thành công ngoài dự tính của phim ''Em là bà nội của anh,'' rằng bộ phim đã ra mắt đúng thời điểm, khi dòng phim ''remake'' vẫn còn là một món mới lạ miệng. Nhưng việc nó đạt cú hit trăm tỷ không có nghĩa cứ ''remake'' là thắng. Không thể ''thấy người ta ăn khoai thì vác mai đi đào,'' bởi làm lại một bộ phim đã thành công là thử thách lớn nhất đối với dân làm điện ảnh. Hãy điểm lại tất cả những phim ''remake'' trên thế giới, xác suất thành công có thể đếm trên đầu ngón tay.
Xin hãy nhớ cho rằng, phim ''remake'' ở bất cứ mâm cỗ điện ảnh nào bao giờ cũng chỉ là một món phụ, khi nó bỗng trở thành món chính thì nền điện ảnh đó thực sự có vấn đề./.
Phim ''Yêu.''
Theo Nguyễn Kinh Văn (Đep/Vietnam+)
Ảnh: TH