Bức tranh cuối cùng của danh họa Leonardo da Vinci nằm trong tay tư nhân sắp được rao bán đấu giá vào tháng tới với mức giá ước tính vào khoảng 130 triệu USD (gần 3.000 tỷ đồng).
Hiện tại, các bức họa của Leonardo da Vinci đều nằm trong tay các viện bảo tàng, trung tâm triển lãm, đây là bức họa cuối cùng còn nằm trong tay một nhà sưu tập tư nhân, và cũng gần như là cơ hội cuối cùng để một người có cơ hội sở hữu một siêu phẩm hội họa thực thụ của Da Vinci, bởi các bức họa đã nằm trong tay bảo tàng, triển lãm, gần như sẽ không rao bán trở lại.
“Bức họa cuối cùng có thể mua” của danh họa Leonardo da Vinci hiện đang được rao bán bởi doanh nhân người Nga Dmitry Rybolovlev (50 tuổi). Tác phẩm từng có thời thuộc quyền sở hữu của vua Anh Charles I, tác phẩm hội họa được giới phê bình ví như “chiếc chén thánh trong những tác phẩm của họa sĩ bậc thầy”.
Hiện tại, doanh nhân tỷ phú người Nga đang trong quá trình rao bán lần lượt các tác phẩm trứ danh nằm trong bộ sưu tập hội họa đồ sộ của ông. Đây được xem là một trong những bộ sưu tập hội họa tư nhân lớn nhất trên thế giới.
Hiện tại, tỷ phú Dmitry Rybolovlev được cho là sở hữu bộ sưu tập hội họa trị giá gần 2 tỷ USD (hơn 45.000 tỷ đồng). Tác phẩm “Christ as Salvator Mundi” nằm trong số chưa đầy 20 bức tranh còn tồn tại cho tới hôm nay và được khẳng định là do Leonardo da Vinci thực hiện.
Tác phẩm được thực vào năm 1499 và từng nằm trong bộ sưu tập tranh của vua Anh Charles I hồi đầu thế kỷ 17. Sau đó, tác phẩm trải qua nhiều lần đổi chủ, có giai đoạn bị lãng quên trong đời sống hội họa. Ở giai đoạn bị giới sưu tầm hội họa “lạnh nhạt” nhất, tác phẩm từng được trao tay tại Anh với giá chỉ 45 bảng (1,3 triệu đồng) hồi năm 1958.
Sau đó, tác phẩm biến mất trong gần nửa thế kỷ, khiến nhiều người tin rằng nó đã bị thất lạc hoặc thậm chí bị trở về tro bụi, nhưng rồi đến năm 2005, tác phẩm bất ngờ xuất hiện trở lại và người ta cần tới 6 năm để xác thực đây chính là tranh thật của Da Vinci.
Theo Bích Ngọc/ Dân Trí