19
/
178293
Múa lân sư rồng và hành trình trở thành di sản văn hóa
mua-lan-su-rong-va-hanh-trinh-tro-thanh-di-san-van-hoa
news

Múa lân sư rồng và hành trình trở thành di sản văn hóa

Chủ nhật, 30/03/2025 | 10:53:00
1,519 lượt xem

Múa lân sư rồng được trình diễn vào dịp Tết cổ truyền của người Việt hoặc các lễ hội.

Xuất hiện trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam từ nhiều thế kỷ qua, múa lân sư rồng là hoạt động nghệ thuật không thể thiếu ở hầu hết các sự kiện. Tiếng trống thùng thình, những vũ điệu rộn rã, đặc biệt là vào những ngày giáp Tết khiến lòng người nôn nao cảm xúc, mong chờ một cuộc sống hạnh phúc, ấm no.

Nét đẹp văn hóa xưa

Hình ảnh những chú lân, rồng rực rỡ múa lượn đầy uy dũng trong ánh nắng sớm mai không chỉ thể hiện nét đẹp của nghệ thuật dân gian mà còn tô đậm tính mỹ thuật và đặc trưng văn hóa. Tiếng trống, thanh la, chập chõa vang rền, người xem đông đúc, tất cả háo hức dõi theo từng vũ điệu uyển chuyển và đẹp mắt, từ động tác leo cây nêu cao tít tắp của chú sư nghịch ngợm mê bắp cải. Những pha bay lượn lên mai hoa thung của cặp lân liên tục chau đôi chân mày bạc hay màn uốn lượn của những chú rồng cửu khúc thân hình lấp lánh dạ quang.

Trong văn hóa tâm linh của người Việt xưa cũng như của nhiều dân tộc châu Á, lân hay rồng đều chỉ có trong thần thoại. Vì vậy, nếu được diện kiến những linh vật này, đồng nghĩa sẽ gặp nhiều điều may mắn, sự hanh thông và phát đạt trong công việc lẫn cuộc sống.

Được cho là xuất hiện đầu tiên từ thế kỷ III tại Trung Quốc, múa lân sư rồng dần dần trở thành hoạt động văn hóa khá phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Indonesia, Malaysia… Tại Việt Nam, từ bao đời nay, múa lân sư rồng đã được xem là một bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc và hiện vẫn được duy trì phát triển mạnh mẽ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Trong dòng tranh Đông Hồ cổ, những nhà sưu tầm lưu trữ các bản vẽ có dòng chữ nôm ghi là "Phụng Lân", miêu tả một điệu nhảy sư tử tương tự nghệ thuật biểu diễn múa lân thường xuất hiện trong những dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên tiêu, Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Điệu nhảy đặc trưng của Việt Nam thường đi kèm với các võ sĩ và nhào lộn. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của một nhân vật "tai to, mặt lớn, bụng phệ, miệng cười ngoác tận mang tai" một tay cầm cây gậy có quả cầu trên đỉnh, một tay phe phẩy cái quạt mo, chính là ông Địa.

Nếu múa lân vào dịp Tết Trung thu là niềm vui, một phần ký ức tuyệt đẹp của trẻ thơ và cả người lớn về những ngày trung tuần tháng 8 âm lịch, thời tiết say lòng người với những chiếc lồng đèn nhiều màu sắc, đường phố nhộn nhịp với tiếng trống thùng thình khắp nơi thì vào mùa xuân, múa lân sư rồng còn mang một ý nghĩa tốt đẹp hơn.

Vươn ra biển lớn

Từ một loại hình nghệ thuật dân gian mang đậm nét giải trí, biểu diễn lân sư rồng dần được nâng tầm thành hoạt động thể thao, khuyến khích người tập nâng cao thể chất, tầm vóc và nghị lực. Với xuất phát điểm từ phương pháp đào tạo, huấn luyện dựa trên nền tảng tập luyện võ thuật, các đoàn lân sư rồng cũng chính là những "lò" võ dân gian.

Sài Gòn - Chợ Lớn được xem như cái nôi nuôi dưỡng và phát triển nhiều đoàn nghệ thuật nổi tiếng hàng thập niên qua, như Nhơn Nghĩa đường, Liên Nghĩa đường, Hằng Anh đường, Tinh Anh đường, Hào Dũng đường, Xuân Hoa đường… Nhơn Nghĩa đường nổi trội hơn cả khi nhiều lần đại diện lân sư rồng Việt Nam tham gia tranh tài tại các giải đấu quốc tế, mang về nhiều thành tích rất đáng trân trọng.

Nhiều địa phương hiện đã xúc tiến thành lập liên đoàn và hoạt động khá đều tay, từ vai trò tiên phong của Liên đoàn Lân sư rồng TP Cần Thơ ra mắt từ năm 2014, sau đó 6 năm là Liên đoàn Lân sư rồng TP HCM. Lân sư rồng cũng chính thức có mặt trong hệ thống thi đấu thể thao quần chúng quốc gia, gần nhất là Liên hoan Lân sư rồng toàn quốc lần thứ 9 tổ chức tại TP Hải Phòng. Năm 2022, lân sư rồng cũng lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc lần IX tại Quảng Ninh.

Múa lân sư rồng tại lễ hội ở TP HCM. Ảnh: ĐÔNG LINH

Thành quả của sự kiên trì

Ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Lân sư rồng TP HCM, cho biết: "Không chỉ tập trung phát triển lân sư rồng trong nước và đấu trường quốc tế, Liên đoàn Lân sư rồng TP HCM và các hội quán người Hoa, các đoàn nghệ thuật, các nghệ nhân xúc tiến đề nghị công nhận múa Lân sư rồng là di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam. Hơn 3 năm qua, chúng tôi đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và chuẩn hóa tài liệu về lân sư rồng; tiến hành khảo sát, nghiên cứu về lịch sử, nguồn gốc, kỹ thuật biểu diễn, trang phục, đạo cụ; ghi hình, chụp ảnh và lưu trữ các tư liệu về các buổi biểu diễn, các nghệ nhân, các câu lạc bộ và các sự kiện liên quan. Bên cạnh đó là phối hợp tổ chức các giải thi đấu thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo được uy tín, góp phần nâng cao giá trị văn hóa của lân sư rồng và phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước, từ đó chung tay vào việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật lân sư rồng tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung". 

Lễ công bố quyết định Nghệ thuật lân sư rồng TP HCM được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được tổ chức vào lúc 7 giờ ngày 30-3 tại Quảng trường Nhà hát thành phố. Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Nghệ thuật lân sư rồng có điều kiện bay cao với sự bảo trợ của Nhà nước và chung tay của xã hội, từ việc duy trì hoạt động chuyên môn cho đến kinh phí tổ chức các sự kiện biểu diễn, thi đấu chính thức, kể cả tham gia tranh tài quốc tế.

Đây là những bước đi quan trọng để nâng cao vị thế của loại hình nghệ thuật dân gian mà nhiều thế hệ đã gắn bó với cộng đồng, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

Theo Đào Tùng/ Người lao động

https://nld.com.vn/mua-lan-su-rong-va-hanh-trinh-tro-thanh-di-san-van-hoa-196250329203559279.htm

  • Từ khóa

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 - Nhìn lại quá khứ, suy ngẫm hiện tại

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ sáu...
16:45 - 01/04/2025
211 lượt xem

Bia đá trấn yểm liên quan Chùa Cầu Hội An bị phá, Công an vào cuộc

Bia đá cổ dưới gốc cây đa gần Chùa Cầu Hội An bị tẩy xoá. Công an đang điều tra nguyên nhân. Người dân coi đây là nơi linh thiêng, thường xuyên chăm sóc...
14:16 - 01/04/2025
283 lượt xem

Đưa di sản hát xoan đến với công chúng

Hát xoan, một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã trở thành nét đặc trưng không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người...
12:14 - 01/04/2025
298 lượt xem

Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc: Những không gian đọc sách trong thời đại số

Trong kỷ nguyên số với việc phát triển mạnh mẽ của các thiết bị điện tử thông minh, có rất nhiều kênh và cách để tiếp cận tri thức nhưng văn hóa đọc vẫn...
09:53 - 01/04/2025
387 lượt xem

Độc đáo di sản văn hóa phi vật thể: Truyền đời hạt muối Sa Huỳnh

Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng diêm dân của làng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) vẫn quyết giữ gìn cái nghề vất vả mà cha ông đã truyền lại.
08:16 - 01/04/2025
399 lượt xem