19
/
174577
Tái hiện dòng chảy văn hóa lịch sử với “Việt Nam - Huyền sử diễn ca”
tai-hien-dong-chay-van-hoa-lich-su-voi-viet-nam-huyen-su-dien-ca
news

Tái hiện dòng chảy văn hóa lịch sử với “Việt Nam - Huyền sử diễn ca”

Thứ 6, 03/01/2025 | 09:48:00
1,278 lượt xem

Trong không gian bề thế, trang trọng của Hoàng thành Thăng Long, những người yêu nghệ thuật Thủ đô vừa có cơ hội được thưởng thức chương trình biểu diễn bán thực cảnh đặc biệt: “Việt Nam - Huyền sử diễn ca” với chủ đề “Thăng Long - Tứ trấn”. Như thước phim quay chậm, chương trình đưa người xem ngược dòng thời gian khám phá những trang sử vàng son lưu danh muôn thuở, để hiểu hơn truyền thống nghìn năm oai hùng của dân tộc và thêm yêu, thêm tự hào về lịch sử cha ông.

Cảnh trong chương trình nghệ thuật “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn”. (Ảnh: NAM NGUYỄN) 

Nhận diện và giải mã văn hóa bằng nghệ thuật

“Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn” được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện và tổng đạo diễn; kết hợp các đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai, Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Tú, Lê Phúc; biên kịch: Tiến sĩ Kim Nguyên Bảo; Giám đốc âm nhạc: Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Tú; Biên đạo múa: Uyên Chi; Ánh sáng: Nghệ sĩ Ưu tú Phùng Lê Anh Minh; Thiết kế sân khấu: Nguyễn Hoàng; Visual: Trần Chương. Với thời lượng 80 phút, chương trình vẽ nên không gian nghệ thuật vừa lung linh rực rỡ, vừa huyền bí hào hùng và thấm đẫm chất sử thi. Màn khai từ “Đại Nam Quốc sử diễn ca” tái hiện truyền thuyết về con Rồng cháu Tiên, giống như lời dẫn chuyện đầy sinh động, đưa người xem đến với câu chuyện về Thăng Long - Tứ trấn: đền Bạch Mã trấn ở phía đông, thờ thần Long Đỗ; đền Voi Phục trấn ở phía tây, thờ thần Linh Lang Đại Vương; đền Kim Liên trấn ở phía nam, thờ thần Cao Sơn Đại Vương; và đền Quán Thánh trấn ở phía bắc, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Đây được coi là bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất chốn kinh kỳ, tương truyền đã bảo vệ, che chở cho kinh thành Thăng Long được bình an, thịnh vượng.

Thông qua những màn trình diễn sân khấu kết hợp âm thanh, ánh sáng hiện đại, đặc biệt là công nghệ tương tác 3D mapping, đồ họa thực tế ảo, “Việt Nam - Huyền sử diễn ca” vẽ nên những đại cảnh hoành tráng, sống động gắn liền việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý năm 1010, gắn với truyền thuyết và di tích hiện hữu về bốn vật thần hộ pháp linh thiêng trấn giữ kinh thành Thăng Long. Những cảnh diễn được dàn dựng công phu như cảnh tái hiện vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô về Đại La, xây thành theo dấu chân bạch mã; cảnh Linh Lang hóa bạch tượng; hay cảnh dựng đền và rước thần Cao Sơn đến đền Kim Liên thờ phụng... khiến người xem thật sự “mãn nhãn”. Bên cạnh sân khấu chính đặt ở khu vực trung tâm có gắn các bàn nâng, chương trình còn sử dụng sân khấu thủy đình ở vị trí thấp hơn và sân khấu thực cảnh mở rộng ra phía trước với thành thép bọc cao, có thể bơm và rút nước dưới sàn để tạo hiệu ứng đầm lầy, sông, biển… Hình ảnh linh thiêng về các vị thần, tạo hình các vị vua, vó ngựa trắng, rồng bay, hay những cảnh giao tranh oai hùng đã được thể hiện đầy kịch tính, kết hợp âm nhạc hào hùng, khỏe khoắn tạo nên không gian đậm mầu sắc huyền thoại, mang đến xúc cảm thăng hoa. Chương trình khép lại bằng đại cảnh “Nghìn năm Thăng Long - Hồn thiêng Tứ trấn” với các hoạt cảnh song hành cùng múa rối, múa công…, khơi dậy niềm tự hào mãnh liệt về một Thăng Long mãi mãi trường tồn.

“Việt Nam - Huyền sử diễn ca” cũng đánh dấu lần đầu hàng trăm nghệ sĩ thuộc 6 đơn vị nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (gồm: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam) cùng đứng chung sân khấu trong không gian di tích Hoàng thành Thăng Long. Nhờ đó, khán giả đã được “chiêu đãi” một thực đơn nghệ thuật đa dạng, từ tuồng, chèo, cải lương, kịch nói đến rối, xiếc, kết hợp với những làn điệu âm nhạc đặc sắc của ca trù, hát văn, hát xẩm, nhã nhạc…

Kích cầu du lịch, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Tham gia đạo diễn sân khấu và đảm nhận vai trò Giám đốc âm nhạc của chương trình, Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Tú cho biết: “Thăng Long - Tứ trấn” là phiên bản đầu tiên trong chuỗi chương trình nghệ thuật dài hơi “Việt Nam - Huyền sử diễn ca”, chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp thực hiện, thuộc nhiệm vụ “Xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua xây dựng tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ khách du lịch”. Chuỗi chương trình dự kiến sẽ được biểu diễn định kỳ nhằm tạo ra những trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật, thu hút du khách và quảng bá sâu rộng về căn cước văn hóa Việt Nam ở những khía cạnh: tâm linh, tín ngưỡng, lịch sử và truyền thống nhân văn; đặc biệt là giải mã được hệ thống huyền thoại cũng như điển tích lịch sử nghìn đời của khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Hướng đến gia tăng tương tác với du khách, bên cạnh chương trình biểu diễn nghệ thuật, “Việt Nam - Huyền sử diễn ca” còn mang đến nhiều không gian trải nghiệm thú vị với khu trò chơi Ô ăn quan, khu tham quan làng Ngũ Xã, giấy dó Làng Cót, làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc. Từ đây, du khách không chỉ được gắn kết với những giá trị văn hóa lâu đời của Thăng Long-Hà Nội mà còn có thể mang về những món quà lưu niệm ý nghĩa. Ngay trong đêm đầu tiên ra mắt, chương trình nghệ thuật cùng không gian trải nghiệm đã thu hút cả nghìn khách tới tham quan, thưởng thức. Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Tống Toàn Thắng khẳng định: Thông qua tôn vinh, lan tỏa những giá trị lịch sử và di sản văn hóa bằng ngôn ngữ nghệ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại, chương trình đã thắp sáng niềm tự hào và tình yêu văn hóa Việt, đồng thời mở ra hướng đi mới để nghệ thuật biểu diễn trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa, thu hút du khách.

Thực hiện chủ trương về xúc tiến, quảng bá du lịch qua nghệ thuật, nhiều đơn vị Nhà hát trực thuộc Bộ cũng vừa cho ra mắt một số chương trình nghệ thuật đặc biệt gắn với không gian phố cổ Hà Nội, tiêu biểu như: Nhà hát Tuổi trẻ với chuỗi chương trình “Ký ức trong tôi”, Nhà hát Cải lương Việt Nam với vở diễn “Cành khế ngọt”, hay Nhà hát Tuồng Việt Nam với các trích đoạn tuồng đặc sắc… Nỗ lực lao động của các nghệ sĩ đã mang đến luồng sinh khí nghệ thuật đầy sôi động, góp phần gia tăng sức hấp dẫn của Hà Nội - Thành phố sáng tạo và bắc nhịp cầu quảng bá sâu rộng văn hóa Việt Nam tới du khách trong nước, quốc tế.

Theo Trang Anh/ Nhân Dân

https://nhandan.vn/tai-hien-dong-chay-van-hoa-lich-su-voi-viet-nam-huyen-su-dien-ca-post853985.html 

  • Từ khóa

Khánh thành công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Bảo tàng Tôn Đức Thắng phục vụ hoạt động thăm viếng, dâng hoa, dâng hương, tham quan từ ngày 3-1. Bảo tàng trưng bày cố định năm chủ đề chính về cuộc đời...
15:59 - 03/01/2025
1,109 lượt xem

6 xu hướng du lịch của du khách Việt và châu Á yêu thích năm 2025

Du khách Việt và khách du lịch châu Á ngày càng chú trọng đến các chuyến du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm cùng gia đình và khám phá những điểm đến mới...
14:59 - 03/01/2025
1,102 lượt xem

Phù điêu Kala Núi Bà ở Phú Yên được công nhận là Bảo vật quốc gia

Phù điêu Kala Núi Bà được phát hiện tại tỉnh Phú Yên, mang đậm giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc Champa cổ vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là...
14:33 - 03/01/2025
1,135 lượt xem

Đầu tư nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa

Sau hơn bảy năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các ngành công...
08:19 - 03/01/2025
1,289 lượt xem

Liên hoan phim Ấn Độ 2025: Kết nối văn hóa Ấn-Việt qua màn ảnh rộng

Bốn tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của Ấn Độ sẽ được giới thiệu đến công chúng Việt Nam thông qua Liên hoan phim Ấn Độ 2025, diễn ra trong các ngày 5, 9, 10...
16:16 - 02/01/2025
1,698 lượt xem