Tính mùa vụ lâu nay vẫn là thách thức trong hoạt động của du lịch Việt Nam, nhất là ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, nơi phụ thuộc nhiều vào phát triển du lịch biển. Để nâng cao sức cạnh tranh du lịch vùng, thu hút khách đến khu vực này quanh năm, việc khắc phục tính mùa vụ du lịch là đòi hỏi cấp thiết.
Các bãi biển ở Bắc Trung Bộ thường xuyên quá tải vào mùa hè, nhưng ít khách thời gian còn lại trong năm. Trong ảnh: Đông khách tắm biển tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. (Ảnh: TTXVN)
Bên cạnh những bãi biển đẹp, các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ còn sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia cùng hệ thống di tích lịch sử văn hóa, cách mạng giàu giá trị, trong đó có một số di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới… Đây cũng là nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa phi vật thể gắn liền đời sống sinh hoạt và văn hóa tâm linh của cư dân ven biển. Đáng tiếc, thời gian qua, thế mạnh tổng hòa về tài nguyên tự nhiên và nhân văn của khu vực Bắc Trung Bộ vẫn chưa được khai thác hợp lý, dẫn đến hoạt động du lịch có biểu hiện phân hóa rõ về mùa vụ.
Bên cạnh việc tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo dựng được hình ảnh, thương hiệu về du lịch di sản và lễ hội tương đối rõ nét, có lượng khách phân bổ khá đều trong năm, ở các địa phương còn lại, khách chủ yếu chỉ tập trung đến vào thời điểm từ tháng 4 tới tháng 8, còn quãng từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau thường xuyên rơi vào tình trạng “ế” khách. Thí dụ tại Thanh Hóa, năm 2023, tổng lượng khách dồn từ tháng 4 đến tháng 8 chiếm tới 72% tổng lượng khách cả năm, kéo theo tổng thu từ khách du lịch trong khoảng thời gian này cũng chiếm tới gần 72% tổng thu cả năm.
Riêng tại Sầm Sơn, một trong những khu du lịch biển quan trọng nhất của Thanh Hóa nói riêng và miền bắc nói chung, tính mùa vụ càng rõ rệt khi tổng thu du lịch từ tháng 4 đến tháng 8 chiếm gần 90%, công suất sử dụng buồng phòng, những ngày cuối tuần dịp hè đạt tới 100%, nhưng trung bình cả năm chỉ đạt khoảng 20%. Ngoài một số ít cơ sở lưu trú chất lượng cao như FLC, Vạn Chài có tỷ lệ sử dụng phòng tương đối quanh năm, còn lại phần lớn chỉ hoạt động cầm chừng từ tháng 9 đến đầu tháng 4, dẫn đến tỷ lệ lao động thời vụ rất lớn, gây ảnh hưởng tới tính bền vững của nguồn nhân lực. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, đặc biệt ở các khu du lịch biển, càng xa thị trường nguồn là Hà Nội và các tỉnh phía bắc, mùa du lịch càng có xu hướng ngắn lại.
Báo chí từng không ít lần phản ánh tình trạng đông đúc, quá tải tại các khu du lịch biển Bắc Trung Bộ vào những dịp lễ, Tết. Tính mùa vụ du lịch kéo theo sự tập trung cao của du khách trong một khoảng thời gian nhất định không chỉ gây sức ép tới tài nguyên, môi trường, tính bền vững của điểm đến, mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng du lịch, gây khó cho công tác quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn và làm phát sinh tình trạng kinh doanh chộp giật với tư duy làm một mùa, ăn cả năm…
Thạc sĩ Hoàng Đạo Bảo Cầm, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) nhận xét: Tính mùa vụ của du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ là hệ quả của việc phần lớn địa phương chỉ tập trung khai thác sản phẩm du lịch biển truyền thống như tắm biển, nghỉ dưỡng vốn bị chi phối nhiều bởi các yếu tố tự nhiên như thời tiết, khí hậu, còn cả “khoảng trống” lớn về sản phẩm du lịch phù hợp mùa thấp điểm.
Thêm nữa, do tính chất sản phẩm du lịch biển ở các địa phương không có nhiều khác biệt, còn nghèo nàn các dịch vụ bổ trợ cao cấp, cho nên phần lớn mới chỉ thu hút dòng khách đại trà trong nước. Trong khi đó, khách trong nước thường có thói quen đi nghỉ mát dịp hè do đây là thời gian nghỉ hè của học sinh, sinh viên, dẫn đến tính mùa vụ du lịch tại các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ càng trở nên sâu sắc.
Để tăng cường lượng khách đi du lịch trái mùa, Thạc sĩ Hoàng Đạo Bảo Cầm đề xuất cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của khu vực theo hướng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm không liên quan trực tiếp tới tắm biển và các hoạt động gắn với mặt biển để có thể khai thác quanh năm. Dựa trên đặc điểm tài nguyên đa dạng, phong phú của Bắc Trung Bộ, một số dòng sản phẩm phù hợp được đề xuất là du lịch sự kiện, lễ hội; du lịch giải trí, thể thao; du lịch chữa lành, chăm sóc sức khỏe; du lịch gắn với văn hóa địa phương (nghề thủ công, trải nghiệm homestay…); du lịch sinh thái, mạo hiểm; du lịch văn hóa lịch sử; du lịch tâm linh…
Thạc sĩ Hoàng Đạo Bảo Cầm cũng nhấn mạnh giải pháp quan trọng không kém là tập trung đa dạng hóa nguồn khách, có chiến lược thu hút, phát triển thị trường khách quốc tế. Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch cần nghiên cứu, thực thi các chính sách ưu đãi dành cho những nhà đầu tư có dự án tổ hợp lớn với khả năng cung cấp hệ thống dịch vụ hoàn chỉnh có thể khai thác, phục vụ quanh năm. Đồng thời, các tỉnh trong khu vực có cơ chế thu hút cộng đồng, tạo điều kiện để cư dân địa phương trực tiếp tham gia đầu tư cho các hoạt động phát triển du lịch nhằm tạo việc làm, ổn định đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ và phát triển các nguồn tài nguyên du lịch như các làng chài, làng nghề, bảo đảm an ninh ở vùng ven biển, hạn chế được khủng hoảng thừa về cơ sở vật chất kỹ thuật trong mùa thấp điểm.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng, Trưởng khoa Du lịch, Trường đại học Công nghệ Đông Á, tính mùa vụ trong hoạt động du lịch tại các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ được cải thiện khi thay đổi suy nghĩ mặc định của du khách là cứ đi du lịch biển thì phải tắm biển. Muốn vậy, phải tạo hệ thống chuỗi giá trị du lịch quanh năm gắn với khai thác du lịch trên không gian biển, bờ bãi biển, vùng văn hóa ven biển... dựa trên liên kết vùng chặt chẽ để khai thác những lợi thế so sánh và bổ khuyết cho nhau giữa các địa phương.
Ông Nguyễn Đức Thắng cho rằng, Quảng Bình vào mùa đông có thể lấy du lịch khám phá hang động làm trụ cột để thu hút khách trong nước, ngoài nước. Du khách vẫn lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng ven biển, kết hợp du lịch hang động thuận lợi vì khoảng cách địa lý gần. Quảng Trị nên kết nối cùng Thừa Thiên Huế để phát triển một số sản phẩm du lịch biển kết hợp du lịch tâm linh, du lịch về nguồn gắn với các di tích lịch sử cách mạng…
Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, Tiến sĩ Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Travelogy Việt Nam khẳng định, việc định hướng đúng khách hàng mục tiêu theo từng mùa cụ thể sẽ tạo sự chủ động trong chuẩn bị các hoạt động ma-két-tinh phù hợp thu hút khách. Vào mùa thấp điểm, bên cạnh tung ra những biện pháp kích thích tiêu dùng với các gói ưu đãi, khuyến mãi sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, cần đẩy mạnh hoạt động ma-két-tinh hướng tới dòng khách nghỉ dưỡng từ Pháp, Nga, Canada…, dòng khách du lịch nhàn rỗi như người già, người về hưu…
Để khắc phục tính mùa vụ, nâng cao hoạt động du lịch, các doanh nghiệp du lịch cần phối hợp các bên liên quan tăng cường tìm kiếm, khai thác nguồn khách du lịch công vụ, du lịch MICE. Bên cạnh đó, các địa phương nên giãn bớt tần suất tổ chức sự kiện thường diễn ra dồn dập vào mùa cao điểm du lịch, dành nguồn lực cho các sự kiện, hoạt động vào mùa thấp điểm để thu hút khách, mời gọi khách du lịch đến với các tỉnh Bắc Trung Bộ quanh năm.
Theo Trang Anh/ Nhân Dân
https://nhandan.vn/khac-phuc-tinh-mua-vu-cua-du-lich-bac-trung-bo-post842908.html