19
/
170652
Lễ hội áo dài Du lịch Hà Nội: Tiền đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo
le-hoi-ao-dai-du-lich-ha-noi-tien-de-phat-trien-san-pham-du-lich-van-hoa-doc-dao
news

Lễ hội áo dài Du lịch Hà Nội: Tiền đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo

Thứ 2, 07/10/2024 | 16:41:00
1,925 lượt xem

Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô đã thành công và để lại dấu ấn của một sự kiện văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến, thân thiện và mến khách. Đây chắc chắn sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Nội tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo.

Lễ hội áo dài Du lịch Hà Nội: Tiền đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo- Ảnh 1.

Đêm hội Áo dài 2024 để lại ấn tượng sâu sắc và là điểm nhấn nổi bật trong chuỗi chương trình của Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024. Ảnh: VGP

63.000 lượt khách tham quan Lễ hội

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, sau 3 ngày diễn ra, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 đã thu hút khoảng hơn 63.000 lượt khách tham quan là người dân Thủ đô, nhân dân cả nước, du khách và bạn bè quốc tế.

Diễn ra từ ngày 4-6/10, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 quy tụ 70 nhà thiết kế áo dài nổi tiếng của Hà Nội và ba miền Bắc-Trung-Nam. 

Lễ hội áo dài Du lịch Hà Nội: Tiền đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo- Ảnh 2.

Lễ hội áo dài Du lịch Hà Nội: Tiền đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo- Ảnh 3.

Du khách ghi lại những khoảnh khắc tại Carnaval Áo dài. Ảnh: Viết Thành

Điểm nhấn của sự kiện bao gồm lễ khai mạc hoành tráng, Carnaval Áo dài quy mô lớn với sự tham gia của 1.000 phụ nữ Thủ đô và Đêm hội Áo dài thu hút 500 đại biểu từ các cơ quan Trung ương, địa phương và quốc tế.

Được triển khai từ tháng 8 với rất nhiều hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Lễ hội gồm: Trải nghiệm xe buýt 2 tầng "Tinh hoa áo dài"; chương trình Carnaval áo dài với sự tham gia của gần 1.000 người; chương trình nghệ thuật "Đêm hội áo dài" với sự tham gia của 70 nhà thiết kế; chung kết cuộc thi thiết kế áo dài…

Lễ hội năm nay còn ghi dấu ấn với các sự kiện đặc biệt như chương trình "Áo dài kết nối Du lịch và Di sản Hà Nội năm 2024", thử thách "Check in Ha Noi" với Áo dài và City Bus "Tinh hoa áo dài", thu hút sự tham gia nhiệt tình của người dân và du khách.

Lễ hội đã quy tụ các nhà thiết kế áo dài nổi tiếng Việt Nam như: Đỗ Trịnh Hoài Nam, Đức Hùng, Thủy Nguyễn, La Hằng, Cao Minh Tiến, Hoa hậu Ngọc Hân…

Tại đây, các bộ sưu tập áo dài ấn tượng được làm từ lụa tơ tằm, satin và các loại vải nhập khẩu cùng các họa tiết thêu tay, đính kết đá quý, hoa văn truyền thống đòi hỏi tay nghề thủ công cao của các nhà thiết kế đã mang đến nhiều cảm xúc cho khách mời và công chúng.

Lễ hội áo dài Du lịch Hà Nội: Tiền đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo- Ảnh 4.

BST Lương Duyên lấy ý tưởng từ Rồng Phượng sum vầy tái hiện một Thủ đô ngàn năm văn hiến. Ảnh: VGP

Du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động ấn tượng

Trong Lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật "Hà Nội-Tinh hoa áo dài", các bộ sưu tập được trình diễn tại không gian di sản Hoàng thành Thăng Long. Sân khấu chính được dàn dựng công phu, chương trình "Tinh Hoa Áo Dài" đã gây hiệu ứng tốt đẹp và ấn tượng trong lòng người dân, du khách và bạn bè quốc tế. Chương trình là dịp ôn lại những câu chuyện về lịch sử hào hùng của Thủ đô gắn với hình ảnh xuyên suốt là tà áo dài có mặt trong những giây phút lịch sử và cuộc sống thường ngày của người Hà Nội.

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam mang đến hai bộ sưu tập "Lương Duyên" và "Hoàng Long" mở màn đêm khai mạc cho biết, Thăng Long-vùng đất "Rồng bay lên" đã trở thành họa tiết chủ đạo cho Bộ sưu tập "Lương Duyên-Hoàng Long" mang ý nghĩa sâu sắc. "Phượng" biểu tượng cho sự đức hạnh, vẻ duyên dáng, thanh nhã và cao quý của người phụ nữ nhân hậu, đức độ. Khi kết hợp cùng nhau họa tiết Rồng-Phượng đặc trưng của Thăng Long-Hà Nội qua các thời kỳ trong các mẫu áo dài nữ ly vuông được thiết kế đối xứng mang ý nghĩa sum vầy trên tà áo dài truyền thống, từ đó thể hiện niềm tự hào về một vùng đất thiêng liêng và ước nguyện về một thành phố hòa bình, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội áo dài Du lịch Hà Nội: Tiền đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo- Ảnh 5.

Hoạt động diễu hành của phụ nữ quận Ba Đình trong Chương trình Carnaval áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển”. Ảnh: VGP

Khép lại đêm khai mạc ấn tượng, sáng 5/10, chương trình Carnaval áo dài "Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển" năm 2024 với chủ đề "Duyên dáng áo dài Hà Nội" cũng đã với sự tham gia của đông đảo gia đình nhiều thế hệ, các nghệ sĩ, doanh nhân, học sinh, sinh viên...và bạn bè quốc tế.

Lễ hội áo dài Du lịch Hà Nội: Tiền đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo- Ảnh 6.

Bà Jovana Benoit - Phu nhân đại sứ Haiti trong thiết kế của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam. Ảnh: VGP

Tối 5/10, Chương trình nghệ thuật "Đêm hội áo dài" với sự tham gia của 65 nhà thiết kế áo dài Việt Nam đến từ 3 miền Bắc-Trung - Nam, các hoa hậu, người mẫu, các nghệ sĩ Việt Nam... cùng các đại biểu quốc tế trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với khán giả, nhân dân Thủ đô và du khách. Đặc biệt, chương trình có phần trình diễn trang phục áo dài của các phu nhân đại sứ các nước tại Việt Nam. 

Lễ hội áo dài Du lịch Hà Nội: Tiền đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo- Ảnh 7.

Bộ sưu tập do sinh viên Đại học Hòa Bình thiết kế được trình diễn tại cuộc thi Thiết kế áo dài. Ảnh: VGP

Một trong những hoạt động trong chuỗi hoạt động của Lễ hội là Cuộc thi Thiết kế áo dài với sự tham gia của 12 đội đến từ 4 trường đại học của Hà Nội. Cuộc thi không chỉ khuyến khích sáng tạo mà còn góp phần bảo tồn và phát triển trang phục truyền thống.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cuộc thi thiết kế áo dài dành cho sinh viên chuyên ngành thiết kế thời trang được phát động từ tháng 8 cho các. Bộ sưu tập của các học sinh sinh viên trình diễn với ý nghĩa mục tiêu lan tỏa thiết kế áo dài và tình yêu đối với áo dài đến với các trường và các bạn học sinh sinh viên. Đồng thời cũng đa dạng thêm các hoạt động cho thương hiệu Lễ hội áo dài Du lịch hằng năm.

Chị Vũ Thị Ngọc Linh, Trưởng bộ môn Thiết kế Thời Trang trường Đại học Hòa Bình cho biết, năm nay là năm thứ hai nhóm sinh viên của trường mình tham gia lễ hội áo dài, đã trải qua sơ khảo với hơn 80 bài dự thi từ các trường đại học có chuyên ngành Thiết kế và được vào chung kết của 4 trường đại học và cùng trình bày Thiết kế về chủ đề Tinh hoa Áo dài dân tộc. Theo chị Ngọc Linh, cuộc thi thiết kế áo dài cho sinh viên rất ý nghĩa, tạo điều kiện cho sinh viên khối ngành Thiết kế học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các nhà thiết kế lớn, nhiều sân chơi để thể hiện sức sáng tạo, lan toả và tôn vinh vẻ đẹp Áo dài đến thế hệ trẻ nhiều hơn.

Lễ hội áo dài Du lịch Hà Nội: Tiền đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo- Ảnh 8.

Lễ hội áo dài Du lịch Hà Nội: Tiền đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo- Ảnh 9.

Với quy mô tổ chức gồm 2 sân khấu, các gian hàng được thiết kế với không gian thoáng 3 mặt, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội tạo nên không gian độc đáo với những điểm check-in, khám phá, trải nghiệm hấp dẫn. Ảnh: VGP/Minh Anh

Cùng với các sự kiện được tổ chức công phu, lan tỏa tới đông đảo người xem và du khách, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm 204 cũng để lại dấu ấn với các hoạt động bên lề như: Triển lãm, trưng bày giới thiệu áo dài của các nhà thiết kế, thương hiệu áo dài nổi tiếng; các sản phẩm, dịch vụ du lịch, làng nghề truyền thống; thao diễn tác phẩm của các nghệ nhân đến từ các làng nghề lụa Vạn Phúc, Trạch Xá; không gian trò chơi dân gian; không gian ẩm thực Hà thành "Thăng Long ngũ vị" giới thiệu các món ăn nhẹ nhàng đậm chất Hà Nội...

Lễ hội cũng tạo ra không gian văn hóa đa dạng với 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm áo dài, phụ kiện, và các sản phẩm du lịch. Đặc biệt, không gian triển lãm ảnh Áo dài và khu vực thao diễn của các nghệ nhân đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng.

Lễ hội áo dài Du lịch Hà Nội: Tiền đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo- Ảnh 10.

Chị Lê Thị Kim Liên Đến từ Quận Hà Đông. Ảnh: VGP/Minh Anh

Chị Lê Thị Kim Liên Đến từ Quận Hà Đông, Hội phụ nữ chung cư Huyndai, Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên chị tham gia Lễ hội áo dài. Cùng cùng các bạn của mình, chị đã dành cả ngày để đi tham quan Hoàng Thành, xem các gian hàng áo dài, chụp ảnh check in. Chị Kim Liên nói rất mong sự kiện này sẽ tiếp tục được tổ chức để chị em phụ nữ được có cơ hội mặc áo dài cùng nhau, được trải nghiệm khoảng thời gian vui vẻ, đặc biệt và cảm thấy tự hào hơn với truyền thống văn hóa của Việt Nam. Chị Kim Liên cho biết, nhóm chị em đi cùng nhau đã có kỷ niệm đáng nhớ khi được chứng kiến ngày hội văn hóa vì Hòa bình được tổ chức rất hoành tráng, rất đẹp và đặc sắc.

Lễ hội áo dài Du lịch Hà Nội: Tiền đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo- Ảnh 11.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang tại Lễ Bế mạc Lễ hội áo dài Du lịch Hà Nội 2024.Ảnh: VGP/Minh Anh

Lễ hội đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc của Hà Nội

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội đã được tổ chức 3 lần. Lần đầu tiên vào năm đầu tiên 2016 và 2 lần tiếp theo được tổ chức vào năm 2022, 2023. Chương trình Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm nay được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn, tôn vinh nét văn hóa đặc sắc của tà áo dài Việt Nam, qua đó đưa áo dài trở thành một sản phẩm quà tặng lưu niệm đối với khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam.

Đây cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà thiết kế, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp của Hà Nội với các doanh nghiệp trong nước, quốc tế; đặc biệt, góp phần quảng bá du lịch Hà Nội "Điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn" vào mỗi dịp mùa thu Hà Nội.

Lễ hội năm nay càng đặc biệt hơn khi được TP. Hà Nội chọn là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).

Bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh: "Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 đã thực sự lan tỏa và thu hút sự quan tâm, hưởng ứng và đồng hành, tham gia của đông đảo nhân dân Thủ đô, bạn bè trong nước, quốc tế và du khách ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp. Lễ hội đã khép lại nhưng dư âm của nó sẽ còn vang mãi, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến, thân thiện và mến khách".

Áo dài Việt Nam vẫn thường được ví như "sứ giả văn hóa", với mong muốn đưa áo dài trở thành một trong những sản phẩm lưu niệm du lịch đặc trưng của Hà Nội. Sự thành công của Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 chắc chắn sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Nội tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước trong tương lai.

Theo Báo Chính phủ

https://thanglong.chinhphu.vn/le-hoi-ao-dai-du-lich-ha-noi-tien-de-phat-trien-san-pham-du-lich-van-hoa-doc-dao-10324100714092478.htm 

  • Từ khóa

HANIFF VII: Trải nghiệm các di sản của Việt Nam qua thước phim điện ảnh

Sáng 7/11, hưởng ứng Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VII năm 2024 với khẩu hiệu “Điện ảnh: Sáng tạo – Cất cánh”, Lễ khai mạc Triển lãm ảnh“Các di...
16:45 - 07/11/2024
251 lượt xem

Sao bảo cải lương èo uột mà cứ tới mùa thi thố lại lắm vở đến thế?

Sau hơn 10 ngày diễn ra, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 tại thành phố Cần Thơ đã đi được hơn nửa chặng đường. Đến giờ này, câu hỏi vẫn khiến người làm...
15:30 - 07/11/2024
277 lượt xem

Khai mạc Chợ Dự án Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024

Sáng 7/11, Chợ Dự án, hoạt động đầu tiên của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024 đã chính thức khai mạc, với 8 dự án phim lọt vào vòng thuyết trình sau khi...
14:40 - 07/11/2024
288 lượt xem

Phim “Phòng giáo viên” mở đầu cho Liên hoan phim Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tối 6/11, tại Cinestar Hai Bà Trưng, Quận 1, Liên hoan phim Đức (KinoFest 2024) tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được khai mạc.
10:50 - 07/11/2024
409 lượt xem

Festiva Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa diễn ra từ ngày 8-10/11

Festival “Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa” với chủ đề: “Sa Pa - Thổ cẩm miền sương mây” sẽ được tổ chức tại Sa Pa (Lào Cai) từ ngày 8-10/11. Đây là sản...
08:10 - 07/11/2024
492 lượt xem