Trước nguy cơ rác thải từ nghề nuôi trồng thủy hải sản bị bão số 3 càn quét gây ra, Ban Quản lý vịnh Hạ Long sẽ tăng cường công tác thu gom, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Ngày 24.9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội nghị thông tin báo chí thường kỳ, trong đó đề cập đến tình trạng rác thải "uy hiếp" môi trường vịnh Hạ Long.
Rác thải từ nghề nuôi trồng thủy sản "uy hiếp" Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU
Báo cáo tại hội nghị, Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) và mưa lũ, một lượng lớn rác thải từ các khu nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là lồng bè, phao xốp từ các địa phương như H.Vân Đồn, TP.Cẩm Phả , TX.Quảng Yên (Quảng Ninh), H.Cát Hải (Hải Phòng) đã tràn ra biển, rồi phát tán đến Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Đến nay, các cơ quan chức năng không thể đo đếm cụ thể lượng rác này.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 3, vịnh Hạ Long bị ảnh hưởng bởi rác thải trên bờ, từ các đảo đá trôi ra biển, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hoạt động đón tiếp, phục vụ khách tham quan.
Lượng rác thải khổng lồ trôi dạt trên biển vịnh Hạ Long ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU
Không chỉ vậy, tại nhiều đảo đá, khu vực bờ cát, phao xốp, rác thải còn mắc lại trên núi đá, đến nay cũng chưa thể xử lý được.
Đáng chú ý, bão số 3 đã khiến 33 nhà bè bảo tồn tại 2 làng chài nổi tiếng là Cửa Vạn, Vung Viêng bị chìm hoàn toàn. Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn bị hư hỏng nặng, một phần chìm xuống biển; 95% cây xanh, tiểu cảnh tại các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long bị gãy, đổ; 100% các biển, bảng tên các hang, động, nội quy điểm tham quan, chỉ dẫn bị hư hỏng.
Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, sau bão số 3, đơn vị đã tổ chức đợt cao điểm, huy động hàng nghìn người tham gia thu gom. Chỉ tính riêng từ ngày 14 - 23.9, đơn vị này đã huy động hơn 1.000 người, 300 lượt phương tiện, thu gom được gần 700 m3 rác thải các loại.
Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đang vào cuộc mở chiến dịch thu gom rác thải trên vịnh Hạ Long ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, cho biết hiện còn khó khăn trong việc xác định số lượng bè tre, phao nhựa trôi nổi trên biển vì đây vẫn là tài sản của người dân, do đó quá trình xử lý không xác định được của ai. Đến nay các cơ quan chức năng vẫn chỉ thu gom vào một chỗ để người dân đến tìm kiếm tài sản còn sót lại.
Cũng theo ông Cường, thời gian tới, đơn vị kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ sở nuôi trồng thủy sản sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, đảm bảo sức gió lớn hoặc khi có cảnh báo về các cơn bão lớn thì di chuyển đến các khu vực an toàn, tránh xảy ra sự cố môi trường như hiện nay.
Ngoài ra, Ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng báo cáo Bộ VH-TT-DL, UNESCO hỗ trợ địa phương xử lý sự cố môi trường hiện tại trên vịnh Hạ Long. Đơn vị cũng đã lên phương án mở các chiến dịch huy động sự tham gia của các địa phương lân cận, hay của chính khách du lịch cùng chung tay dọn vệ sinh cho Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Theo Lã Nghĩa Hiếu/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/quang-ninh-len-tieng-ve-nguy-co-tham-hoa-moi-truong-tren-vinh-ha-long-185240924150749443.htm