‘Hiện nay người Việt Nam uống trà nhiều nhưng hiểu biết văn hóa trà không nhiều lắm đâu’, là nhận định của ông Trịnh Quang Dũng tại tọa đàm Văn minh trà Việt trong phát triển kinh tế - du lịch.
Các khách mời tham gia tọa đàm Văn minh trà Việt trong phát triển kinh tế - du lịch - Ảnh: HOÀNG LÊ
Tọa đàm diễn ra tại TP.HCM vào ngày 26-8. Trong khoảng 3 tiếng đồng hồ, các khách mời đã đặt ra nhiều vấn đề xung quanh trà Việt: từ nguồn gốc, kinh tế và đặc biệt là góc độ văn hóa và du lịch.
Có lúc không khí của buổi tọa đàm “nóng” lên với những tranh luận khi quan điểm về trà Việt có sự khác biệt. Tuy nhiên, chung quy các ý kiến này đều hướng đến mục tiêu làm thế nào để nâng tầm văn hóa có từ ngàn năm của trà Việt.
Việt Nam là cái nôi của trà thế giới
Nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng một lần nữa đưa ra nhiều chi tiết trong cuốn sách Văn minh trà Việt mà ông viết để khẳng định Việt Nam là cái nôi đầu tiên của cây chè thế giới.
Pha chế trà Việt - Ảnh: HOÀNG LÊ
Riêng với cây trà cổ quý, ông Phạm Vũ Khánh, đại diện cho một công ty trà ở miền núi phía Bắc, đưa thông tin Việt Nam chiếm đến 2/3 diện tích cây chè thế giới, với tổng diện tích 20.000ha rừng chè cổ thụ, có thể thu hoạch cả trăm ngàn tấn.
Đây là tiền đề tốt đẩy mạnh phát triển xuất khẩu trà cổ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và hơn cả góc độ về kinh tế, trà Việt còn mang đậm dấu ấn về văn hóa.
“Tại sao trà Trung Quốc rất đắt, vị trà không hợp với khẩu vị người Việt nhưng bằng cách nào đấy ai vào quán trà cũng mua về làm quà.
Khách du lịch mua trà, tức là mua văn hóa của đất nước họ”, bà Nguyễn Thị Thắm, giám đốc công ty trà, chia sẻ.
Bà kể lại: “Nếu như Trung Quốc có kungfu trà, Nhật có trà đạo. Vậy trà Việt Nam là gì? Tôi dành hai năm để đi tìm câu trả lời.
Cuối cùng tôi nghĩ cũng không cần có tên gọi cụ thể bởi đó chính là thói quen nghìn năm lặp đi lặp lại của người Việt. Có thể mọi người không nhìn thấy nhưng ai cũng cảm thấy trong lòng”.
Bà Thắm ví dụ tiếp: “Công ty chúng tôi từng mở quán trà miễn phí với mục đích muốn xem người thủ đô nghĩ gì về trà Việt. Tôi nghĩ khách hàng phần lớn sẽ là những bác lớn tuổi. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
Các bạn trẻ mới là khách hàng đến nhiều. Tôi nhận ra các bạn trong người đều tồn tại sẵn văn hóa trà Việt nhưng các bạn quên đi. Khi khơi lại họ sẽ nhớ. Đó là hạt giống văn hóa. Miễn là người Việt Nam thì sẽ biết đến trà Việt”.
Trà Việt chưa được quan tâm
Văn hóa trà là tinh hoa dân tộc, làm thế nào để lan tỏa văn hóa ấy đến với mọi người?
Ông Trịnh Quang Dũng vui vẻ nói: “Ban đầu, ban tổ chức có đề xuất có thêm nước suối để phục vụ mọi người.
Tôi đề nghị nên thay hoàn toàn các chai nước suối bằng trà. Uống trà là cao sang. Các phân tích khoa học cũng chứng minh uống trà có lợi cho sức khỏe thì tại sao chúng ta không uống”.
Cũng theo ông Dũng, ngoài yếu tố chất lượng trà phải ngon hơn thì trà cụ cần phải được chú ý.
“Cần có chiến lược cạnh tranh trà Việt uống bằng trà cụ Việt với các loại trà cụ ngoại nhập.
Các bộ trà cụ phải mang dấu ấn văn hóa lịch sử Việt Nam.
Về phát triển du lịch, có thể làm homestay hiện đại trên các đồi chè rộng lớn và đẹp. Hình ảnh này tôi đã thấy nhiều ở một số tỉnh thành”, ông đề nghị.
Ông Dũng kể, năm 2022, khi sang Trung Quốc ông thấy có dải băng rôn dài 200m ghi: Thế kỷ 21 - thế kỷ trà Trung Quốc.
Ở nước người ta quảng bá trà của họ như vậy, trong khi đó quy hoạch phát triển nông nghiệp Việt Nam cây chè không được đặt vị trí quan trọng, xếp sau lúa, ngô, khoai, đó là điều đáng tiếc.
“Thử làm một phép tính, 1kg lúa bán được 20.000 đồng. Trong khi đó, 1kg trà bán được cả triệu đồng, thậm chí trà cổ quý có giá đến mấy chục triệu đồng/kg.
Vậy mà cây chè vẫn chưa được quan tâm đúng mức”, ông thẳng thắn.
Văn minh trà Việt trong phát triển kinh tế - du lịch là tọa đàm đầu tiên trong chuỗi tọa đàm về trà do Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam phối hợp cùng doanh nghiệp trà tổ chức. Tọa đàm có sự tham gia của diễn giả, nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng - tác giả sách Văn minh trà Việt; giáo sư Nguyễn Duy Thịnh - nguyên trưởng khoa công nghệ thực phẩm Trường đại học Bách khoa Hà Nội, một chuyên gia lâu năm về tư vấn lắp đặt thiết bị trong ngành trà; bà Nguyễn Thị Thắm - giám đốc Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc. Dự kiến tiếp tục có bốn buổi tọa đàm mới diễn ra khai thác những góc cạnh khác nhau về trà như lan tỏa văn hóa trà Việt ra nước ngoài, công dụng của trà, trà và bánh Âu, thưởng trà đạo. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ai-cung-uong-tra-nhung-may-ai-hieu-van-hoa-tra-viet-20240826205743406.htm