Hội Điện ảnh VN vừa chốt số lượng 18 phim truyện điện ảnh tranh giải Cánh diều vàng 2024. Các phim dự thi năm nay cho thấy sự đa dạng về nội dung, có cả phim lịch sử, phim độc lập thuần về nghệ thuật, phim thương mại giải trí... được sản xuất từ các hãng phim nhà nước lẫn tư nhân.
Ra đời năm 2002, khởi nguồn từ một giải thưởng thường niên của các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành T.Ư, sau 22 năm, giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh VN đã trở thành giải thưởng tầm quốc gia, tôn vinh các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, công trình nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh và các tác giả, nghệ sĩ, người làm phim xuất sắc hằng năm.
Từ năm 2022, sau đại dịch Covid-19, giải thưởng đã thay tên gọi "Cánh diều" thành tên chính thức là "Cánh diều vàng" và tổ chức thường niên tại thành phố biển Nha Trang, thay vì luân phiên giữa Hà Nội, TP.HCM. Năm 2023, khi Nhà hát Đó - Libera Nha Trang (khu vực Bãi Tiên, P.Vĩnh Hòa) với kiến trúc là một chiếc đó khổng lồ nổi bật bên bờ vịnh Nha Trang được khánh thành, giải Cánh diều vàng đã chọn địa điểm này để cố định làm nơi diễn ra lễ trao giải, như cách thức của các giải thưởng điện ảnh quốc tế đã làm ở Cannes (Pháp), Busan (Hàn Quốc)…
Phim Hai Muối tranh giải Cánh diều vàng 2024 ĐPCC
Phim Hai Muối tranh giải Cánh diều vàng 2024 ĐPCC
PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, khẳng định: "Với chủ trương của Bộ VH-TT-DL trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với điện ảnh thì lựa chọn địa điểm tổ chức ở TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là vô cùng phù hợp, tạo nên điểm đến lý tưởng cho sự gặp gỡ, giao lưu của nhiều nghệ sĩ, các nhà làm phim trong và ngoài nước. Mong muốn lớn nhất của những người tổ chức là thông qua điện ảnh sẽ kết nối văn hóa, kích cầu du lịch, nâng tầm giải Cánh diều vàng để đây không chỉ là sự kiện điện ảnh đơn thuần, mà còn là một festival du lịch - điện ảnh tầm quốc gia và cả quốc tế".
Cánh diều vàng 2024 có sự tranh tài của hơn 160 tác phẩm điện ảnh, truyền hình và công trình nghiên cứu lý luận, phê bình nổi bật. Hiện tại, ở hạng mục phim truyện điện ảnh, có tổng cộng 18 phim dự thi, gồm 12 phim tư nhân: Mai, Hai Muối, Gặp lại chị bầu, Quỷ cẩu, Móng vuốt, Fanti, Án mạng lầu 4, Đóa hoa mong manh, Sáng đèn, Live - Phát trực tiếp, Cái giá của hạnh phúc, Mùa hè đẹp nhất; và 5 phim nhà nước: Hồng Hà nữ sĩ (Hãng Phim truyện 1 và Hãng Phim truyện VN), Bà già đi bụi (Công ty cổ phần Phim truyện 1), Vầng trăng thơ ấu (Công ty cổ phần phim Giải Phóng), Đào, phở và piano (Công ty cổ phần Phim truyện 1), Sao xanh nơi biển sóng (Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất); bên cạnh đó là phim Cu li không bao giờ khóc của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân từng thắng Phim đầu tay xuất sắc tại LHP Berlin 2024. Một bất ngờ là phim Lật mặt 7: Một điều ước với doanh thu 482 tỉ đồng của Lý Hải không tham dự giải.
Phim Đào, phở và piano tranh giải Cánh diều vàng 2024 ĐPCC
Phim Cu li không bao giờ khóc tranh giải Cánh diều vàng 2024 ĐPCC
Ban tổ chức cho biết tiêu chí chấm Cánh diều vàng 2024 là đề cao tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật, mang dấu ấn sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh; đạt hiệu quả xã hội tích cực; và tôn vinh các cá nhân tác giả, nghệ sĩ, người làm phim có đóng góp nổi bật trong sáng tạo tác phẩm.
Vì thế, nhìn từ hiệu ứng công chúng, có thể ghi nhận thành quả phim Mai của Trấn Thành khi thu hút đông đảo khán giả, đạt doanh thu 551 tỉ đồng cao nhất lịch sử phim Việt (trong khi đa số các phim tư nhân dự giải đợt này không đạt chất lượng tốt, và lỗ nặng - trừ Gặp lại chị bầu, Quỷ cẩu); và cả hiện tượng bất ngờ tạo được "cơn sốt cháy vé" của phim nhà nước có đề tài chiến tranh Đào, phở và piano do NSƯT Phi Tiến Sơn đạo diễn.
"Ẩn số đáng gờm" tranh giải vàng còn có phim Hai Muối của đạo diễn Vũ Thành Vinh, đánh dấu sự trở lại vai chính màn ảnh rộng của Quyền Linh sau 20 năm; và phim độc lập Cu li không bao giờ khóc đã khẳng định được chất lượng nghệ thuật qua nhiều giải thưởng quốc tế, với câu chuyện về cuộc đời của bà Nguyện (do NSND Minh Châu thủ vai) có chồng mất ở Đức, trải qua hành trình trở về nước với một con cu li có đôi mắt rất buồn…
Phim Mai tranh giải Cánh diều vàng 2024 ĐPCC
Nhóm 4 phim nổi bật nêu trên chắc chắn sẽ được đề cử để nhận giải cao nhất ở nhiều hạng mục tác phẩm lẫn cá nhân xuất sắc.
Với 4 phim nhà nước còn lại, Sao xanh nơi biển sóng (của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng về đề tài người lính biên phòng và câu chuyện trinh thám, phá án đường dây buôn bán ma túy trái phép trên tuyến biên phòng biển); Bà già đi bụi (dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, tác giả kịch bản NSƯT Phi Tiến Sơn, đạo diễn Trần Chí Thành) có thể gây bất ngờ vì chưa ra mắt rộng rãi với người xem. Trong khi đó, 2 phim nội dung tôn vinh các nhân vật lịch sử: Hồng Hà nữ sĩ (nói về mối tâm giao thi ca giữa Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn, do Nguyễn Thị Hồng Ngát biên kịch và NSƯT Nguyễn Đức Việt đạo diễn) và Vầng trăng thơ ấu (tái hiện thời niên thiếu của Bác Hồ với bối cảnh từ năm 1895 - 1901, do Hồ Ngọc Xum đạo diễn) đều đã công chiếu.
Cánh diều vàng 2024 sẽ diễn ra tại TP.Nha Trang từ ngày 3 - 10.9, với nhiều hoạt động phong phú, đổi mới về nội dung theo hướng vừa bảo đảm tính chuyên môn cao, vừa tương tác rộng với công chúng, nghệ sĩ, người làm phim. Chương trình gồm chuỗi sự kiện trước và trong tuần lễ tổ chức giải thưởng, như thẩm định, đánh giá các tác phẩm dự thi; tổ chức chuỗi talkshow về các tác phẩm dự thi trên fanpage của Trung tâm Phát triển điện ảnh - Hội Điện ảnh VN; chiếu phim phục vụ khán giả tại các cụm rạp Lotte Cinema Trần Phú, Lotte Cinema Thái Nguyên và Beta Cineplex Nha Trang từ ngày 3 - 9.9; "Bức tường danh vọng" vinh danh những tác phẩm, cá nhân đã đoạt giải; hội thảo "Điện ảnh VN từ khi đất nước thống nhất: 50 năm - một chặng đường" vào sáng 10.9; thảm đỏ và lễ trao giải diễn ra tối 10.9 tại Quảng trường Nhà hát Đó… |
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/canh-dieu-vang-2024-huong-den-festival-du-lich-dien-anh-tam-quoc-gia-185240820223158008.htm