Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; tăng cường nguồn lực để xây dựng, phát triển văn học - nghệ thuật
Ngày 8-8, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã có buổi làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam.
Đổi mới tư duy nghệ thuật
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, cho biết các năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước; nỗ lực sáng tác, vận động, tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu tác phẩm; tham gia chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo quần chúng nhân dân, đóng góp vào thành quả chung, quan trọng của đất nước
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hồng Quân, trong các năm qua chưa có nhiều tác phẩm đỉnh cao, tạo được sự quan tâm rộng lớn của công chúng; sức lan tỏa chưa nhiều. Kinh phí đầu tư cho VHNT chưa tương xứng. Công tác VHNT nói chung, nhất là ở các địa phương, còn nhiều khó khăn, lúng túng về kinh phí hoạt động.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TRẦN HUẤN
Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khẳng định thời gian tới, liên hiệp sẽ đẩy mạnh sáng tác, sáng tạo; tiếp tục đổi mới tư duy nghệ thuật, mở rộng đề tài, chủ đề, biên độ sáng tạo. Phấn đấu có nhiều tác phẩm, công trình lý luận phê bình có giá trị cao, hướng dẫn dư luận và định hướng phát triển VHNT…
Ông Đỗ Hồng Quân kiến nghị trong chương trình xây dựng pháp luật, Quốc hội cho chủ trương xây dựng Luật VHNT. Ông cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa vào chương trình, tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ sáng tạo cho văn nghệ sĩ, mỗi năm tăng dần; có cơ chế đặc thù, giao nhiệm vụ thay vì đặt hàng; có chương trình hỗ trợ sáng tạo dài hơi.
Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng nêu rõ thời gian qua, sự phối hợp giữa bộ và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cùng các bên liên quan đã được tăng cường. Nhờ sự nỗ lực chung, VHNT tiếp tục được khẳng định là lĩnh vực quan trọng, là bộ phận cấu thành và đặc biệt tinh tế của văn hóa. VHNT đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu, khát vọng hướng đến chân, thiện, mỹ.
Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, thời gian tới, các giải pháp khơi thông cơ chế, chính sách sẽ được xây dựng, thực hiện vì sự phát triển của VHNT Việt Nam. Về chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định phải xác định rõ nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách, doanh nghiệp thực hiện, văn nghệ sĩ giữ vai trò là những người sáng tạo.
Trong quá trình sửa đổi các văn bản pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần lấy ý kiến đầy đủ, có đánh giá cụ thể tác động. Bộ trưởng hy vọng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cùng các Hội VHNT chuyên ngành hợp tác chặt chẽ trong vấn đề này để các văn bản, chính sách khi được ban hành sẽ đi vào cuộc sống.
Quan tâm đời sống văn nghệ sĩ
Nêu một số giải pháp phát triển VHNT, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về VHNT; nghiên cứu, sửa đổi một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn phát triển VHNT. Ngoài ra, cần có sự đánh giá các cơ chế, tăng cường cơ chế tài chính cho hoạt động VHNT. Công tác nhân sự trong hoạt động VHNT cũng cần được chú trọng.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận những kết quả mà Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cùng các Hội VHNT chuyên ngành trung ương đã đạt được trong sự nghiệp phát triển VHNT Việt Nam. Trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị phải quán triệt sâu sắc những nghị quyết, kết luận của Đảng về văn hóa nói chung và VHNT nói riêng đến các cấp, đơn vị. Từ đó, tạo sự thống nhất trong Đảng và nhân dân; bác bỏ những quan điểm sai trái của thế lực thù địch. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhưng vẫn tự do, dân chủ trong sáng tạo; khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; tăng cường nguồn lực xây dựng, phát triển VHNT và quan tâm hơn nữa đến đời sống văn nghệ sĩ. Bên cạnh đó, phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Việc đầu tư cho VHNT phải tránh dàn trải, có sự phân bổ hợp lý; chú trọng cơ sở hạ tầng để nâng tầm vị thế đất nước, đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHNT của nhân dân. Công tác xã hội hóa trong VHNT cần được quan tâm theo hướng hoàn thiện các chính sách...
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cùng các Hội VHNT chuyên ngành trung ương cần phát huy vai trò trong tư vấn, phản biện, giám định xã hội theo điều lệ; tham gia cùng các cơ quan quản lý trong việc xây dựng hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để phát triển VHNT. |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/khoi-day-khat-vong-cong-hien-cua-van-nghe-si-196240808195550822.htm