Việc đầu tư xây dựng thêm hơn 50 cụm rạp chiếu phim trên quy mô cả nước sẽ góp phần vào sự phát triển chung của điện ảnh Việt Nam
Beta Media (Việt Nam) và Aeon Entertainment (Nhật Bản) vừa công bố thành lập Công ty Liên doanh Aeon Beta Cinema tại Việt Nam. Liên doanh này tập trung vào việc phát triển và vận hành chuỗi rạp chiếu phim cao cấp; đầu tư sản xuất phim điện ảnh và phát hành các bộ phim Việt Nam, Nhật Bản cũng như phim quốc tế tại thị trường nước ta.
Còn nhiều dư địa phát triển
Chiều 31-7 tại TP HCM, liên doanh này cho biết đến năm 2035 sẽ đầu tư xây dựng hơn 50 cụm rạp chiếu phim cao cấp với thương hiệu Aeon Beta Cinema. Số vốn đầu tư dự kiến khoảng vài chục tỉ yen (vài ngàn tỉ đồng).
Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch Beta Group và ông Nobuyuki Fujiwara, Chủ tịch Aeon Entertainment, tại buổi công bố thành lập công ty liên doanh. Ảnh: BETA MEDIA
Theo kế hoạch, rạp chiếu phim Aeon Beta Cinema đầu tiên sẽ khai trương vào năm 2025. Các rạp sẽ có mặt trên khắp các tỉnh, thành Việt Nam; hứa hẹn mang đến trải nghiệm tốt cho khán giả. Ngoài ra, Aeon Beta Cinema còn đặt mục tiêu tham gia lĩnh vực sản xuất, phát hành phim.
Ông Nobuyuki Fujiwara, Chủ tịch Aeon Entertainment, tin tưởng ngành điện ảnh Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và còn nhiều dư địa để phía Nhật Bản có thể đóng góp. "Việt Nam đang là điểm đến đầu tư mà chúng tôi chú trọng. Chúng tôi muốn tập trung đầu tư mạnh mẽ vào các cụm rạp cũng như về mặt nội dung để đóng góp cho điện ảnh Việt Nam. Điện ảnh có khả năng kết nối con người và tâm hồn với nhau. Chúng tôi tin vào sức mạnh đó và sẽ cố gắng để điều này trở thành hiện thực" - ông nhấn mạnh.
Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch Beta Group, cho rằng điện ảnh là nơi tìm thấy sự giao thoa của công việc kinh doanh với sự rung cảm của tâm hồn; là cầu nối cho tinh thần hữu nghị, đoàn kết và sẻ chia giá trị.
Liên doanh Aeon Beta Cinema hứa hẹn sẽ nỗ lực hết mình để đóng góp thật nhiều cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp giải trí Việt Nam. Trong lĩnh vực sản xuất và phát hành phim, liên doanh hy vọng có thể mang những sản phẩm chất lượng từ Nhật Bản và trên toàn cầu để phát hành ở Việt Nam; cũng như học hỏi kinh nghiệm sản xuất để có thể mang đến những tác phẩm điện ảnh với chất lượng tốt.
"Ngoài các cụm rạp, chúng tôi còn đầu tư vào sản xuất và phát hành phim. Thời gian tới, liên doanh chắc chắn sẽ có sự cam kết cao để phát triển nền điện ảnh Việt Nam..." - ông Bùi Quang Minh nêu rõ.
Theo ông Nobuyuki Fujiwara, Aeon Beta Cinema còn có những dịch vụ khác như phát trực tiếp các giải bóng đá hay những sự kiện lớn. Những yếu tố này sẽ đóng góp cho lợi nhuận, ảnh hưởng đến kinh phí đầu tư.
Nhiều bên hưởng lợi
Sự ra đời của liên doanh Aeon Beta Cinema góp phần mở rộng thị trường rạp chiếu, sản xuất, phân phối phim tại Việt Nam.
Nhiều người trong giới nhận định bên cạnh các hệ thống phát hành quen thuộc như CGV, Lotte Cinema, Galaxy…, việc có thêm các cụm rạp của Aeon Beta Cinema sẽ tăng đầu ra cho phim, mang đến nhiều điều lợi cho thị trường điện ảnh Việt Nam. Aeon Beta Cinema cũng tham gia sản xuất phim, hứa hẹn bổ sung nguồn phim hay cho thị trường điện ảnh Việt Nam.
"Nếu đạt được tiến độ như kỳ vọng, cung cấp các cụm rạp mới cho thị trường, nâng số lượng phim… là tín hiệu vui, tạo được sự kích thích chung cho nhà sản xuất vào việc đầu tư tác phẩm mới. Những cụm rạp nằm ở nhiều nơi cũng giúp thu hút khán giả địa phương, hình thành thói quen đến rạp thưởng thức phim. Trước đây, vì không có rạp chiếu gần nhà nên nhiều người không có điều kiện thưởng thức các phim điện ảnh" - bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp Giải trí và Truyền thông Mega GS, bày tỏ.
Có ý kiến cho rằng nếu hình thành nhiều rạp chiếu phim mà lượng khán giả ít sẽ dẫn đến tình trạng "đắp chiếu", ế ẩm. Theo bà Liên, số lượng rạp phim ở Việt Nam không nhiều so với hơn 100 triệu dân. Ở những nước có nền điện ảnh phát triển trong khu vực như Hàn Quốc, dù dân số ít hơn Việt Nam nhưng số cụm rạp chiếu khá nhiều. Họ có lượng khán giả đến rạp rất đông. Để thu hút khán giả, vấn đề là phải có nhiều tác phẩm hay, đủ sức lôi kéo họ đến rạp, hình thành thói quen ra rạp thưởng thức điện ảnh, giải trí.
Theo thống kê từ trang Deadline, năm 2023, Việt Nam có doanh thu phòng vé đạt 150 triệu USD (gần 3.700 tỉ đồng) từ 1.100 rạp chiếu trên cả nước. Trong khi đó, năm 2010, Việt Nam chỉ có 90 rạp chiếu và doanh thu hằng năm 15 triệu USD (gần 370 tỉ đồng). Khi có nhiều rạp chiếu phim, nhiều đầu ra, nhà sản xuất cũng vững tin hơn khi đầu tư tiền bạc, công sức, tâm huyết vào tác phẩm.
Người trong giới tin rằng càng có nhiều cụm rạp, nhiều nhà sản xuất thì khán giả càng hưởng lợi. Bởi lẽ, không chỉ có nhiều sự lựa chọn sản phẩm giải trí mà họ còn được phục vụ tốt hơn. Sự cạnh tranh trong kinh doanh với đủ loại dịch vụ chăm sóc khách hàng sẽ mang đến trải nghiệm ngày càng tốt hơn cho khán giả.
NSƯT - đạo diễn Vũ Thành Vinh nhìn nhận: "Điện ảnh Việt Nam muốn phát triển phải có nhiều phim hơn, nhất là phim Việt. Thị trường điện ảnh trong nước hiện vẫn còn ít phim Việt. Phim chất lượng cần phải có nhiều hơn nữa để đủ sức lôi kéo khán giả đến rạp càng nhiều càng tốt".
Theo Minh Khuê/ NLĐ
https://nld.com.vn/them-dau-ra-cho-phim-viet-196240802200405483.htm