Khi có một ngọn đuốc quốc tế cho điện ảnh thế giới được thắp lên ở Việt Nam, có nhiều cơ hội cho các nhà làm phim Việt Nam không?
Chính thức thắp "ngọn đuốc quốc tế cho điện ảnh thế giới" tại Việt Nam - Ảnh: ĐẬU DUNG
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đặt câu hỏi như thế tại sự kiện phát động Chiến dịch Ngọn đuốc quốc tế cho điện ảnh thế giới, diễn ra chiều 19-6 tại Hà Nội.
Chiến dịch do Quỹ liên hoan phim quốc tế Jaipur (JIFF) của Ấn Độ khởi xướng, phối hợp cùng Hội Điện ảnh Việt Nam và Tincom Media tổ chức.
Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực thắp "ngọn đuốc điện ảnh quốc tế", sau đó ngọn đuốc này sẽ đến với các nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran, Saudi Arabia… rồi đến các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Phi.
Có bền vững không?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ, thời gian qua, sự hiện diện của điện ảnh Ấn Độ tại Việt Nam vẫn chủ yếu là phim truyền hình, còn phim điện ảnh thật sự vẫn còn quá ít.
"Ngược lại, sự hiện diện của điện ảnh Việt Nam ở các thị trường điện ảnh lớn trên thế giới, lẽ ra chúng ta có thể đi được - trong đó có Ấn Độ, còn ít hơn, thậm chí hiếm có", Nguyễn Hoàng Điệp nói.
Đạo diễn kể, mấy năm trước, khi mang phim Đập cánh giữa không trung tham gia các liên hoan phim trên thế giới, ê kíp có thử tìm hiểu xem trước đó đã có phim Việt nào tham gia các liên hoan phim ở Ấn Độ chưa. Kết quả: không có.
Theo Nguyễn Hoàng Điệp, "sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ về nhiều mặt có lẽ tốt nhưng trong điện ảnh hơi hiếm hoi".
Nhà làm phim này đặt câu hỏi: Khi ngọn đuốc quốc tế cho điện ảnh thế giới đến Việt Nam, có cơ hội hợp tác thật sự nào cho những nhà làm phim ở đây? Nếu có thì bao giờ có?
Có chợ dự án cho các nhà làm phim không? Có quỹ điện ảnh không? Có các nhà đầu tư điện ảnh không?
Tại họp báo ngày 18-6, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Việt Nam Madan Mohan Sethi công bố dự án phim hợp tác giữa hai quốc gia mang tên Love in Vietnam.
"Hợp tác này có giống kiểu của Netflix đầu tư, làm một vài phim về Việt Nam rồi thôi hay không?", đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp hỏi tiếp.
Ông Hanu Roj - giám đốc sáng lập Liên hoan phim quốc tế Jaipur - phát biểu chiến dịch này thể hiện sự quan tâm của Ấn Độ với Việt Nam cũng như sự hợp tác giữa hai quốc gia.
Theo ông Hanu Roj, hiện đã có một số công ty của Ấn Độ bắt đầu sang Việt Nam và chiến dịch này chỉ là sự kiện mở màn.
Ông cũng cung cấp địa chỉ trang web của liên hoan phim này và nói "các nhà làm phim Việt Nam có thể tìm hiểu, ở đó có nhiều chương trình hợp tác, phát triển trong điện ảnh".
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đặt câu hỏi - Ảnh: ĐẬU DUNG
Khán giả Việt Nam thiện cảm với điện ảnh Ấn Độ
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - tổng giám đốc Công ty THHH BHD - nói điện ảnh Việt Nam đang ở "giai đoạn phát triển vàng". Bên cạnh những phim đạt doanh thu phòng vé tốt, chúng ta cũng có các bộ phim nghệ thuật đoạt giải thưởng cao tại các liên hoan phim uy tín của thế giới.
Nhưng nhìn chung, "điện ảnh Việt Nam vẫn đang còn hết sức bé nhỏ, đường đến với thế giới vẫn còn là một chặng rất dài", đại diện BHD nói.
Bà Nguyễn Phương Hòa - cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho rằng Ấn Độ là "kinh đô điện ảnh" của khu vực.
Phim RRR - một hiện tượng của điện ảnh Ấn Độ - Ảnh: IMDb
"Bollywood có những phim mang bản sắc văn hóa, âm nhạc hấp dẫn và những chuyện tình thấm đẫm nước mắt. Nhiều thế hệ khán giả Việt Nam biết đến điện ảnh Ấn Độ trước khi biết đến các nền điện ảnh khác trên thế giới", bà Hòa nói.
Bà Hòa hy vọng chiến dịch này "mở ra nhiều cơ hội cho các nhà làm phim Việt Nam và Ấn Độ cùng trao đổi, truyền cảm hứng, tiếp cận nguồn lực và cùng nhau kể câu chuyện Việt Nam, câu chuyện Ấn Độ, đóng góp vào bức tranh đa dạng của văn hóa thế giới thông qua điện ảnh theo hướng bền vững".
Ông Hanu Roj nói: phía Ấn Độ mong hai bên có những trao đổi thường xuyên, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tăng cường giao lưu văn hóa, cũng như mở những khóa đào tạo kỹ năng làm phim mới nhất theo chuẩn quốc tế, tổ chức các buổi chiếu phim ở hai quốc gia, lập những giải thưởng điện ảnh chung…
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ngon-duoc-dien-anh-the-gioi-thap-o-viet-nam-co-ben-khong-20240619185427321.htm