Tết Hàn thực sau khi được bản địa hóa có những cái khác so với nguồn gốc ban đầu ở bên Trung Quốc. Người Việt không dùng bánh rán, thay vào đó bằng bánh trôi, bánh chay là ‘bánh nên thơ’.
Mâm cúng Tết Hàn thực của gia đình chị Thu Hương - Ảnh: VŨ THU HƯƠNG
"Bánh nên thơ" là cụm từ tác giả Nhất Thanh sử dụng trong cuốn Đất lề quê thói, xuất phát từ câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, đó là "bảy nổi ba chìm với nước non".
Theo ông, bánh trôi bánh chay là "bánh nên thơ", "ăn cho mát lòng khi bắt đầu nắng hạ, không có liên quan gì với Tết Hàn thực của người Trung Hoa như nhiều người lầm tưởng".
Tết Hàn thực vào mùng 3-3 âm lịch, năm nay nhằm ngày 11-4. Ngày này, mọi người trong nhà thường tụ tập nhau lại để làm bánh trôi bánh chay dâng lên ông bà tổ tiên.
Tết Hàn thực được Việt hóa
Trong cuốn Đình Nam Bộ xưa & nay, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng viết, Tết Hàn thực nằm trong tứ thời tiết lạp, tức các lễ tiết trong năm (gồm Nguyên đán, Hàn thực, Thanh minh, Đoan ngọ, Trung thu, Trùng cửu, Trùng thập, Táo quân, Trừ tịch).
Theo ông, ở các đình, những lễ này được tổ chức đôi nơi theo lệ nhưng không phải lễ chính. Lễ Hàn thực, Thanh minh và Trùng cửu không quá phổ biến, lễ vật cũng đơn giản, thường là hoa trái, chè xôi, ông cho biết.
Tết Hàn thực, chị Kỳ Duyên lại vào bếp làm bánh trôi bánh chay - Ảnh: KỲ DUYÊN
Còn nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng trong cuốn Văn minh vật chất của người Việt, dẫn lại ý của học giả Lê Quý Đôn, bánh dùng trong Tết Hàn thực là bánh rán chứ không phải bánh trôi bánh chay như hiện nay.
Theo đó, để tưởng nhớ mẹ con ông Giới Tử Thôi vì nghĩa khí mà chết cháy trong rừng, người Trung Hoa đã dành một ngày không nấu nướng mà làm sẵn bánh rán từ hôm trước để ăn trong ngày 3-3 âm lịch.
Ông Thượng cũng chưa biết vì lý do gì mà người Việt cũng ăn Tết Hàn thực nhưng lại dùng bánh trôi bánh chay.
Và ở ta, bà con "cúng gia tiên, chớ không ai tưởng gì đến Giới Tử Thôi". Và "mang tiếng hàn thực nhưng nấu nướng chẳng có kiêng gì".
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nghệ nhân ẩm thực Hiền Minh cho hay về Tết Hàn thực, ở phía Bắc rõ rệt hơn.
Người miền Nam hầu như không cúng. Nếu có, cũng chỉ có những người gốc Bắc cúng, thường lễ vật không đầy đủ như ngoài kia. Người miền Trung đơn giản hơn, thường cúng trái cây.
Mâm cúng Tết Hàn thực của gia đình chị Thu Hương thay đổi màu sắc tùy từng năm - Ảnh: VŨ THU HƯƠNG
Dịp quây quần
Chị Vũ Thu Hương (Hà Nội) cho biết Tết Hàn thực là dịp cả nhà quây quần bên nhau. Vào ngày này hằng năm, gia đình chị vẫn giữ truyền thống làm những món ăn lạnh như bánh trôi bánh chay cúng trên ban thờ ông bà tổ tiên với ý nghĩa hướng về tổ tiên, nguồn cội.
Mâm lễ cúng Tết Hàn thực của gia đình chị Hương gồm có bánh trôi bánh chay, xôi oản lá mít, các loại hoa (ngọc thiên hương, nhài, hoàng lan), bánh lạnh truyền thống (bánh xu nê, bánh phu thê), trầu cau, mâm ngũ quả, nước sạch…
Tết Hàn thực đủ thức quà dâng ông bà tổ tiên - Ảnh: VŨ THU HƯƠNG
Theo chị Hương, bánh trôi bánh chay truyền thống của người miền Bắc được làm bằng bột nếp xay tươi, vì thế có một hương vị rất đặc biệt mà không dòng bột khô nào có được.
"Bột tươi không có mùi thơm nuột của nếp khô Thái nhưng nó lại có cái mềm dẻo mươn mướt, cái mùi xay nước chua nhè nhẹ của gạo nếp ngâm đặc trưng", chị nói.
Còn chị Kỳ Duyên, dù ở nước ngoài nhưng Tết Hàn thực nhớ nhà lại vào bếp nặn bánh trôi bánh chay.
Sau khi "chơi chán" các loại bánh trôi tạo hình, ngũ sắc hay bảy sắc cầu vồng thì chị lại quay trở lại với bánh trôi bánh chay truyền thống.
Bánh trôi bánh chay truyền thống trên đất khách - Ảnh: KỲ DUYÊN
Bánh chay được chan nước chè sắn dây, phảng phất chút mùi hoa bưởi, rắc lên trên vài hạt đỗ và dừa nạo. Bánh trôi nhỏ xinh được chấm vừng thật gọn gàng lên từng viên bánh. Tuy chỉ là màu trắng mộc mạc nhưng ngắm mãi vẫn không thấy chán.
Bí quyết làm bánh trôi bánh chay ngon Có rất nhiều công thức làm các loại bánh trôi bánh chay ở trên mạng. Chị Kỳ Duyên "bật mí" cách làm ngon: - Nhồi bột bằng nước ấm thì bột sẽ dễ nhồi hơn. Khi nhồi bột bằng nước lạnh bột sẽ hơi nứt, không có độ kết dính nên khi nặn sẽ rất khó, nhưng nếu nhồi bằng nước nóng già thì bột sẽ bị chín, dẻo rất dính, cũng sẽ rất khó nặn. - Trộn khoai lang vào bột không chỉ làm cho bánh có màu đẹp mắt mà còn giúp bánh mềm hơn, để đến hôm sau bánh vẫn không hề bị cứng. - Tùy từng loại bột nếp mà lượng nước có thể gia giảm một chút cho phù hợp. Bột nếp mới sẽ hút nước ít hơn bột nếp cũ. - Trong lúc đợi bột nghỉ thì đun nước, rang vừng, chuẩn bị đường và một tô nước lạnh. - Luộc bánh đến khi bánh nổi lên, giảm nhỏ lửa luộc thêm một chút cho bánh chín kỹ, đường nhanh chảy ra và để lâu bánh cũng sẽ không cứng. - Khi bánh đã nổi lên thì không nên để lửa to, nước sôi mạnh sẽ làm vỡ bánh. Bánh chín vớt ra thả vào tô nước lạnh rồi mới vớt bánh ra đĩa. Chấm vừng lên từng chiếc bánh. Dùng ngón tay hoặc dùng đầu đũa to, chấm ướt cho vừng dính đầu đũa rồi chấm gọn gàng lên từng chiếc bánh. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/tai-sao-tet-han-thuc-lai-phai-an-banh-troi-banh-chay-2024041108181679.htm