Tại tọa đàm "Phát triển điện ảnh TPHCM", giới làm phim nêu khó khăn thiếu phim trường, bối cảnh ghi hình. Đại diện lãnh đạo thành phố đã có những giải đáp, nêu một số tín hiệu lạc quan thời gian tới.
Ngày 7/4, UBND TPHCM và Sở Văn hóa & Thể thao TPHCM tổ chức tọa đàm Phát triển điện ảnh TPHCM, với sự góp mặt của đại diện cơ quan quản lý, giới làm phim Việt Nam.
Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế TPHCM lần thứ nhất (HIFF 2024).
Bài giới thiệu về điện ảnh Việt của bà Ngô Bích Hạnh - Phó chủ tịch công ty BHD (Ảnh: Bích Phương).
Tại tọa đàm, giới chuyên môn nhận định điện ảnh Việt là một trong những ngành công nghiệp điện ảnh phát triển nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng khoảng 21% hằng năm trong nhiều năm gần đây.
Việt Nam có dân số đông, nền kinh tế đang phát triển nên có tiềm năng trở thành top 10 nước có phòng vé lớn nhất thế giới trong những năm sắp tới.
Tuy nhiên, nền điện ảnh Việt cũng có một số khuyết điểm như tốc độ phát triển nóng, chi phí vận hành rạp cao nên khả năng sinh lời chưa tốt, tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó khăn sau Covid-19.
Nhà sản xuất Mai Thu Huyền là 1 trong các diễn giả tại tọa đàm (Ảnh: Bích Phương).
Tại phiên thảo luận "Đối thoại giữa TPHCM và các nhà làm phim", nhà sản xuất Mai Thu Huyền thẳng thắn chia sẻ quan điểm cùng TS Trương Minh Huy Vũ - Phó viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TPHCM, NSND Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở VH&TT TPHCM.
Qua đó, các diễn giả thảo luận về vấn đề TPHCM có thể có những chính sách cụ thể gì để hỗ trợ công nghiệp điện ảnh, làm sao để điện ảnh quảng bá du lịch và thương hiệu của TPHCM hiệu quả nhất.
Theo bà Mai Thu Huyền, một trong những khó khăn khi sản xuất phim là thiếu phim trường quy mô lớn, rộng hàng nghìn m2. Nhiều đoàn phim tốn chi phí xây dựng bối cảnh giả rồi phá bỏ rất lãng phí. Nhìn ra thế giới, tại Hollywood, giới làm phim có những phim trường, khu phức hợp hoành tráng, vừa là nơi quay phim, vừa thu hút khách du lịch.
Bà Ngô Bích Hạnh - đồng sáng lập, Phó chủ tịch công ty BHD và là người điều phối phiên thảo luận - cho rằng điện ảnh không chỉ mang lại việc làm, doanh thu, lợi nhuận và thuế mà còn phát triển du lịch và các sản phẩm của địa phương, quốc gia thông qua việc xây dựng bối cảnh, phim trường.
"Đất rừng phương Nam" có bối cảnh được đầu tư kinh phí lớn (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
TS Trương Minh Huy Vũ cho biết TPHCM có rất nhiều khu đất trống có thể tận dụng làm phim trường tạm thời. Ông Vũ cũng cho rằng thành phố đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư trên lĩnh vực văn hóa, có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách quy hoạch, bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng tổ hợp vui chơi, giải trí, phim trường đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
NSND Thanh Thúy khẳng định những năm qua, TPHCM bằng nhiều cách đã quan tâm, tạo điều kiện thủ tục hành chính, hỗ trợ cho các đoàn phim.
Thành phố đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn phim thực hiện đề tài lịch sử, chính trị, cách mạng, có giá trị tích cực, qua đó góp phần quảng bá, phát triển văn hóa, ví dụ như phim Địa đạo đang thực hiện của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Về khó khăn, bà Thanh Thúy cho rằng một bộ phim quay dàn trải ở nhiều địa phương, trong khi đó công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông ở từng địa phương lại có tính chất khác nhau.
Hiện TPHCM xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở ban ngành liên quan, các quận huyện để tạo điều kiện cho các đoàn phim dễ dàng hơn trong khâu xin giấy phép các đầu mối.
Về vấn đề phim trường chuyên nghiệp, quy mô lớn, bà Thanh Thúy cho biết các cấp lãnh đạo thành phố vận dụng cơ chế đặc biệt của Nghị quyết 98/2023/QH15, qua đó rà soát, đề xuất danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư, khai thác có hiệu quả các thiết chế, cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ cho sự phát triển của ngành điện ảnh.
"Chúng ta đã có những cơ chế cho nhà làm phim vay vốn. Khi triển khai Nghị quyết 98, TPHCM có thêm 23 dự án kêu gọi đầu tư lĩnh vực văn hóa thể thao.
Để phát triển cơ sở vật chất nền văn hóa, thành phố có lộ trình cụ thể. Một số tín hiệu lạc quan như lãnh đạo thành phố định hướng xây dựng các trung tâm phức hợp, phim trường. Bán đảo Thanh Đa cũng sẽ trở thành trung tâm phim trường lớn của TPHCM", bà Thanh Thúy nói.
Phó chủ tịch UBND TPHCM tặng hoa cho các diễn giả, khách mời (Ảnh: Bích Phương).
Phát biểu tổng kết tọa đàm, ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM - một lần nữa khẳng định lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, nghiên cứu chính sách, kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài để điện ảnh phát triển.
"Phát triển điện ảnh không chỉ về vấn đề tài chính tiền bạc mà còn là cội rễ văn hóa. Nền điện ảnh sẽ tạo tác động kép, góp phần xây dựng kinh tế xã hội, tăng GDP, tạo dựng uy tín về giá trị tốt đẹp của đất nước. Chúng ta đều có chung quan điểm, mong muốn nền điện ảnh thành phố và Việt Nam có những bước phát triển trong thời gian tới", ông Dương Anh Đức cho hay.
HIFF 2024 là LHP quốc tế lần đầu được tổ chức tại TPHCM, là hoạt động nằm trong chiến lược của TPHCM trong việc phát triển ngành điện ảnh, nâng cao chất lượng và uy tín của điện ảnh TPHCM. HIFF có 3 hạng mục chính gồm: Phim Đông Nam Á, Phim đầu tay và Phim ngắn. Ngoài tổ chức chiếu phim, HIFF có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo điện ảnh. LHP dự kiến quy tụ 200 nghệ sĩ từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhà làm phim tên tuổi như Hirokazu Kore-eda, Kim Jee Woon, Anne Fontaine. HIFF 2024 diễn ra trong 8 ngày, từ 6 đến 12/4. |
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/van-hoa/tphcm-co-the-xay-phim-truong-hang-nghin-m2-nhu-hollywood-20240407102339453.htm