Gỏi cuốn, bánh xèo, phở bò... với rượu vang? Tại sao không? Nghe Michelin Guide mách, thử ngay dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Ẩm thực Việt Nam dựa trên nền nguyên liệu tươi, cách chế biến và nấu tối giản, nhiều rau xanh, thưởng thức với rượu vang hợp phết - Ảnh: Michelin Guide
Mới đây, qua lời khuyên của chuyên gia về rượu vang Yu Yamamoto, trang cẩm nang Michelin Guide giới thiệu một số bí quyết để nâng cao trải nghiệm ẩm thực Việt bằng cách thưởng thức với rượu vang.
Chuyên gia về rượu vang Yamamoto - Ảnh: Michelin Guide
Theo Yamamoto, ẩm thực Việt Nam dựa trên nền nguyên liệu tươi, cách chế biến và nấu tối giản, nhiều rau xanh.
Sau khi thử kết hợp chả giò với một loại rượu vang của Đức, chuyên gia này mách một số bí quyết kết hợp món ăn Việt Nam khác với rượu vang.
"Bạn có thể nâng cao trải nghiệm ẩm thực Việt Nam của mình ngay tại nhà", cẩm nang Michelin Guide viết.
Bánh xèo và vang sủi Prosecco của Ý
Bánh xèo là một trong những món ăn đường phố Việt Nam yêu thích của Yamamoto.
Giòn và thơm. Bên trong bánh xèo chứa đầy các nguyên liệu thơm ngon như thịt heo, tôm, hành và giá đỗ.
Một loại rượu vang sủi bình thường, khô sẽ rất phù hợp với bánh xèo Việt Nam - Ảnh: Shutterstock
Yamamoto khuyên nên dùng một loại rượu vang sủi, bình dân như Prosecco của Ý để kết hợp với tính chất tinh tế của bánh xèo.
Bò kho và vang Merlot
Bò kho (cách gọi ở miền Nam, ở miền Bắc tương tự có bò xốt vang - PV) là món bò hầm truyền thống của người Việt với nhiều mùi thơm như sả, hồi, quế.
Món ăn luôn đi kèm với nhiều loại thảo mộc tươi và thường được thưởng thức cùng với bánh mì Việt Nam nóng hổi.
Món bò hầm truyền thống của Việt Nam và Merlot - Ảnh: Shutterstock
Yamamoto cho rằng nhiều món ăn Việt Nam chịu ảnh hưởng từ ẩm thực Pháp nên có thể dùng rượu vang Pháp với món bò kho hơn.
"Tôi thích kết hợp nó với rượu vang Merlot cỡ theo phong cách Bordeaux. Vị đậm đà, đậm đặc và hợp chất tannin mượt mà của rượu bổ sung hoàn hảo cho món hầm phức hợp có hương vị hồi", Yamamoto nói.
Phở bò cũng hợp vang
Phở bò là món ăn sáng quen thuộc ở Việt Nam, nhưng tính linh hoạt khiến nó trở thành một sự kết hợp lý tưởng khi dùng chung với rượu vang.
Yamamoto thường thích loại rượu vang Sparkling Wine loại extra dry (vang sủi bọt có độ chát và gắt nhưng nhẹ hơn Brut, vị hơi ngọt và khô, phù hợp dùng tráng miệng) như Cava của Tây Ban Nha.
Phở bò với rượu vang cũng rất ra gì - Ảnh: Shutterstock
Anh khuyên nên dùng rượu champagne Blanc de Blancs. Vị thơm nhẹ của loại vang này càng làm tăng thêm vị ngon của phở bò.
Ngoài ra, Cuvee de Reserve NV Pierre Peters cũng là một khởi đầu hoàn hảo cho ngày mới ở Việt Nam.
"Đối với rượu vang đỏ, nên tránh các loại rượu có chất tannic, vì chúng có thể xung đột với phở. Thay vào đó, hãy chọn loại rượu vang đỏ nhẹ hơn, ít tannin như Pinot Noir hoặc Gamay, đây là những loại rượu kết hợp tuyệt vời với phở bò", Yamamoto nói.
Gỏi cuốn cũng "nhập cuộc" ngon lành
Gỏi cuốn là một món ăn quen thuộc, thường có bánh tráng cuộn rau thơm, tôm, thịt, dùng với nước chấm đậu phộng thơm ngon hoặc nước mắm chua ngọt.
Chai rượu vang Riesling dry của Đức với gỏi cuốn là một sự kết hợp dễ chịu.
Gỏi cuốn với rượu vang, dự là món chống chán ngấy dịp Tết - Ảnh: Shutterstock
Rượu loại này có độ axit cao, hương vị thảo mộc. Nó sẽ bổ sung cho độ tươi mát của món gỏi cuốn.
"Là món khai vị tuyệt vời, tôi thích dùng chúng vào bữa trưa", Yamamoto chia sẻ bí quyết.
Anh cũng nói, ngoài loại Riesling dry của Đức thì các loại vang trắng cũng rất phù hợp, chẳng hạn như Gruner Veltliner của Áo…
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/tet-nay-hoc-theo-michelin-thuong-thuc-banh-xeo-goi-cuon-pho-bo-viet-nam-voi-ruou-vang-20240205114013867.htm