Bỏ cái cũ, đón cái mới! Tết Nguyên đán mang ý nghĩa cầu chúc may mắn và thịnh vượng cho gia đình. Được tổ chức bởi hơn 1,5 tỉ người mỗi năm trên toàn thế giới, ngày lễ này giàu truyền thống và ý nghĩa nhưng khác nhau tùy theo nền văn hóa.
Năm 2024, Tết Nguyên đán sẽ bắt đầu vào thứ bảy, ngày 10.2 và đánh dấu "năm con rồng". Tuy nhiên, đối với Thái Lan, năm 2024 là "năm của Naga" - con rắn thần thoại. Năm rồng được cho là thời điểm của những tiềm năng và cơ hội.
Tết Nguyên đán là ngày lễ đánh dấu ngày trăng non đầu tiên của âm lịch, là loại lịch truyền thống được sử dụng ở nhiều nước châu Á, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc. Ở những nước này và các nước châu Á khác, đây là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm.
2024 sẽ là năm con rồng Nhật Thịnh
Nhiều nền văn hóa sử dụng lịch Gregorian để đếm thời gian trôi qua, nhưng một số nền văn hóa khác lại sử dụng các phương tiện khác. Lịch Gregorian được hầu hết thế giới sử dụng không theo dõi các giai đoạn của mặt trăng và mặt trời, trong khi lịch âm thì có. Đây là lý do tại sao Tết Nguyên đán rơi vào những ngày khác nhau mỗi năm trong lịch dương.
Lễ đón năm mới này còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau ở các nền văn hóa khác nhau. Ví dụ, ở Trung Quốc, được gọi là Chūn Jié. Còn ở Việt Nam được gọi là Tết, Seollal ở Hàn Quốc, Losar ở Tây Tạng hay Mông Cổ là Tsagaan Sar...
Mỗi Tết Nguyên đán tương ứng với một con giáp thuộc cung hoàng đạo, bao gồm nhiều con vật dựa trên chu kỳ 12 năm. Tết Nguyên đán 2024 là "năm con rồng", cung thứ năm trong lịch hoàng đạo. Người tuổi Thìn được cho là người tự tin, độc lập, lôi cuốn, đầy tham vọng, thích phiêu lưu và không hề sợ hãi. Tuy nhiên, có những con giáp khác nhau tùy vào mỗi nước, như năm 2023, ở Việt Nam là con mèo còn Trung Quốc là con thỏ.
Những năm Thìn gần đây bao gồm 2012, 2000, 1988, 1976, 1964 và 1952.
Múa rồng được cộng đồng người gốc Á tổ chức trong ngày đầu năm mới ở Melborne, Úc PV
Màu đỏ là màu phổ biến nhất trong dịp Tết Nguyên đán vì truyền thống gắn liền với hạnh phúc, may mắn, giàu có và cát tường. Nó cũng có nguồn gốc từ ngày lễ Trung Quốc - màu đỏ là công cụ xua đuổi tà ma, do đó đèn lồng đỏ và pháo nổ gắn liền với ngày đầu năm mới.
Tết Nguyên đán ngày nay được tổ chức khắp nơi trên thế giới, nhất là ở những nơi có đông đúc người dân gốc Đông Nam Á hoặc Đông Á sinh sống.
Tuy nhiên, hiện chỉ còn số ít quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á đón Tết Nguyên đán, bao gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Mông Cổ. Một số nước cũng tổ chức Tết Nguyên đán khá quy mô nhưng chủ yếu trong cộng đồng người gốc Hoa ở các khu "China Town" như Thái Lan, Indonesia...
Nhiều nơi ở châu Á bắn pháo hoa để đón tết PV
Trung Quốc
Hãy hòa mình vào những truyền thống sôi động của Tết Nguyên đán ở Trung Quốc. Từ màn múa rồng đầy mê hoặc cho đến đoàn tụ gia đình ấm áp, Tết Nguyên đán là sự bùng nổ của văn hóa và truyền thống ở Trung Quốc mà du khách sẽ không muốn bỏ lỡ.
Tết Nguyên đán sẽ không trọn vẹn nếu không có màn múa rồng ở đất nước này. Bạn sẽ thấy những con rồng dài, tráng lệ này len lỏi qua các đường phố, được điều khiển bởi một nhóm người.
Việt Nam
Tết Nguyên đán ở Việt Nam bắt đầu từ nhiều ngày trước năm mới, khi người dân đổ ra đường mua sắm, trang trí hay dọn dẹp nhà cửa… Đặc biệt, trải nghiệm phiên chợ tết hay chợ hoa là điều đặc biệt không ở đâu có. Du khách sẽ tìm thấy những con phố tràn ngập hàng hóa lễ hội, đồ trang trí các món ăn tết truyền thống, muôn hoa khoe sắc...
Trong dịp tết, nhiều người Việt Nam đi chùa để cầu mong một năm thịnh vượng, sức khỏe dồi dào phía trước. Đó là trải nghiệm thanh bình và đẹp đẽ, mang đến cái nhìn thoáng qua về khía cạnh tinh thần của văn hóa Việt Nam. Du khách cũng có thể phiêu lưu với các món ăn tết truyền thống như bánh tét, bánh chưng…
Đường hoa Nguyễn Huệ đông nghịt người trong ngày tết NT
Hàn Quốc
Tết Nguyên đán được gọi là Seollal ở Hàn Quốc. Đó là thời điểm mà trang phục truyền thống hanbok được mặc một cách đầy tự hào. Nhiều người Hàn Quốc, cả già lẫn trẻ, đều mặc những bộ trang phục đầy màu sắc và trang nhã này trong các lễ hội.
Một trong những truyền thống Seollal quan trọng nhất là Charye. Tại đây, các gia đình bày tỏ lòng tôn kính tổ tiên bằng cách bày biện bàn ăn theo nghi lễ.
Người dân Hàn Quốc trong trang phục truyền thống hanbok PV
Nhật Bản
Vào thời điểm các nước láng giềng bắt đầu đón tết của riêng họ vào cuối tháng 1 hoặc qua tháng 2, thì người Nhật Bản đã kết thúc kỳ nghỉ lễ năm mới từ lâu. Người Nhật đón năm mới vào ngày 1.1 dương lịch và gọi đây là ngày đầu năm mới (Ganjitsu).
Người dân Nhật Bản đi chùa trong ngày đầu năm mới theo lịch dương NTT
Năm 1873, như một phần của cuộc Duy Tân Minh Trị, Nhật Bản đã áp dụng lịch Gregorian (lịch dương) với mong muốn tiến kịp phương Tây. Vào thời điểm đó, thái độ phổ biến của các tầng lớp tinh hoa Nhật Bản là xem những tập quán của châu Á kém hơn phương Tây và kìm hãm sự phát triển của đất nước, trong đó có ngày tết âm lịch. Họ cho rằng bỏ ngày này sẽ giảm bớt ngày nghỉ, tập trung làm việc, tăng sản lượng quốc gia, phát triển kinh tế...
Ngày nay, Tết Nguyên đán chỉ còn tổ chức ở một số nơi có người gốc Hoa sinh sống ở Nhật Bản.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/nhung-quoc-gia-nao-don-va-bo-tet-nguyen-dan-185240131085405429.htm