18 nhà thiết kế trong nước và quốc tế sẽ kể câu chuyện về nơi mình được sinh ra trên chiếc áo dài, từ Hà Nội giàu văn hóa, Hà Tây miền di sản, đến Huế nguy nga lăng tẩm, Tây Nguyên sâu thẳm hiền hòa, TP.HCM hiện đại và nghĩa tình…
Những chiếc áo dài kể ký ức những con chuồn chuồn tre sặc sỡ của tuổi thơ nhà thiết kế Duy Nguyễn - Ảnh: T.ĐIỂU
18 bộ sưu tập áo dài độc đáo này sẽ được trình diễn trong đêm nghệ thuật áo dài chủ đề Nơi tôi sinh ra vào tối 5-1 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Các nhà thiết kế đã có buổi giới thiệu một số mẫu thiết kế với truyền thông chiều 3-1.
Áo dài kể chuyện từ Việt Nam đến Tây Ban Nha
Nhà thiết kế Thanh Thúy sẽ kể về một Điện Biên hào hùng, anh dũng ngày xưa và một Điện Biên yên bình, trù phú ngày nay trong bộ sưu tập áo dài của mình.
Còn nhà thiết kế Duy Nguyễn mang những con chuồn chuồn tre tự thăng bằng, rực rỡ sắc màu, được làm thủ công lên bộ sưu tập áo dài để kể về nơi mình sinh ra (Thạch Xá, Hà Tây).
Nhà thiết kế Silky Vietnam thì kể chuyện làng Chuông - Thanh Oai, nằm bên dòng sông Đáy, hai bên bờ đê phủ kín nón lá, những phiên chợ quê với nón trắng từng chồng cao ngất, trải khắp sân đình mỗi phiên chợ.
Mẫu thiết kế kể chuyện Sài Gòn năng động và nghĩa tình của Công Huân - Ảnh: T.ĐIỂU
Nhà thiết kế Laura Chula mang tới bộ sưu tập áo dài kể chuyện về quê hương Tây Ban Nha của cô và người chồng quá cố - nhà thiết kế Diego Chula, với các nhà thờ Công giáo và Hồi giáo, các công viên mang tính biểu tượng của Tây Ban Nha, bao gồm Santiago De Compostela, The Alhambra, Park Güell, The Sagrada Familia.
Riêng nhà thiết kế Huệ Thi mang nghề mì Quảng - nghề mà gia đình chị đã theo đuổi qua năm đời - lên áo dài. Chị cố gắng tìm ra điểm gặp gỡ hài hòa giữa tơ lụa, áo dài và món ăn mì Quảng.
Huệ Thi và những mẫu áo dài kể về xứ mì Quảng quê hương cô - Ảnh: T.ĐIỂU
Hà Nội giàu bản sắc, TP.HCM nghĩa tình lên áo dài
Ba nhà thiết kế Nguyễn Thúy, Trung Beret, Minh Hạnh đều kể chuyện về Tây Nguyên nơi họ sinh ra nhưng mỗi người lại có một Tây Nguyên của riêng mình.
Nguyễn Thúy thì mang vào tà áo dài những hương sắc rực rỡ của Tây Nguyên. Trung Beret mang vào thổ cẩm của đồng bào dân tộc nơi đây. Còn Minh Hạnh mang vào những sắc màu thổ cẩm và những đôi mắt sâu thẳm hiền hòa của những người dân tộc nơi thành phố Pleiku.
Trung Beret (áo dài đỏ) mang vào áo dài những họa tiết thổ cẩm của đồng bào dân tộc Tây Nguyên quê hương anh - Ảnh: T.ĐIỂU
Tương tự, cũng kể về Hà Nội, nhưng Cao Minh Tiến, Trịnh Bích Thủy, Chế Quyết Tiến, Phương Thảo, Ngọc Hân mỗi người lại kể một Hà Nội của riêng mình.
Từ quê hương TP.HCM, Công Huân kể một Sài Gòn hiện đại, năng động và nghĩa tình đặc biệt.
Nhà thiết kế Cao Duy mang vào ký ức những cánh đồng bát ngát, những ngày trốn mẹ đi chèo thuyền trên kênh rạch, đôi bàn tay khéo léo của mẹ, của chị đan lát những dụng cụ nhà nông thật đẹp…
Áo dài kể chuyện quê hương Tây Ban Nha của Laura Chula - Ảnh: T.ĐIỂU
Áo dài kể chuyện nghề đan lát của quê hương nhà thiết kế Cao Duy - Ảnh: T.ĐIỂU
Phương Thảo và những mẫu áo dài kể về Hà Nội - gánh hàng rong - Ảnh: T.ĐIỂU
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/mi-quang-sai-gon-nghia-tinh-ganh-hang-rong-len-ao-dai-20240103200337991.htm