Dù có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, song xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam lại gặp khó bởi những rào cản đến từ các văn bản dưới luật hay tình trạng "luật vướng luật".
Skull Island là một trong những phim nước ngoài quay tại Việt Nam - Ảnh: ĐPCC
Câu chuyện trên được nêu ra và bàn luận qua lại một cách sôi nổi tại hội thảo Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam diễn ra ngày 23-11 tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam (đang diễn ra tới hết ngày 25-11).
Luật vướng luật
Theo bà Trần Thị Hải Vân - phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và bà Ngô Phương Lan - chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật trung ương, điện ảnh là một trong số ít các ngành nghệ thuật có hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ và toàn diện nhất.
Tuy nhiên hiện có tình trạng luật "đụng" các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư... hoặc chưa có những hướng dẫn cụ thể khiến việc xây dựng công nghiệp điện ảnh gặp khó.
Bà Vân cho biết liên quan hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh, điều 41 trong Luật Điện ảnh năm 2022 quy định các tổ chức nước ngoài sản xuất phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có một nghị định hướng dẫn cụ thể, chưa có đoàn phim nước ngoài nào vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế.
"Trong khi đó các nền điện ảnh lớn trên thế giới như Mỹ, Pháp, Anh, Hàn Quốc... và các nước trong khu vực đều có những chính sách ưu đãi cho các dự án làm phim dưới nhiều hình thức đa dạng như miễn phí bối cảnh quay, hoàn tiền mặt đối với chi phí sản xuất, miễn giảm thuế", bà Vân nói.
Ví dụ Thái Lan hoàn thuế 15% cho đoàn làm phim nước ngoài chi tiêu trên 50 triệu bath tại Thái và thêm 5% nếu sử dụng nhân công địa phương và quảng bá hình ảnh tích cực về nước này; Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và công nghệ Indonesia công bố hỗ trợ tài chính lên tới gần 13 triệu USD/năm cho các dự án phim hợp tác với quốc tế.
Về quỹ điện ảnh - một yếu tố quan trọng trong phát triển điện ảnh, bà Vân cho biết tới hiện tại, kể cả Luật Điện ảnh năm 2022 đã bổ sung và làm rõ thêm mục đích, nguyên tắc hoạt động của quỹ thì đề án thành lập quỹ - dù trình Chính phủ nhiều lần - vẫn chưa được phê duyệt.
"Lý do vướng mắc chủ yếu ở nguồn thu thường xuyên, ổn định để duy trì hoạt động của quỹ chưa có tính ràng buộc, các nguồn thu đề xuất chưa phù hợp với các quy định tại các luật khác", bà Vân nêu.
Bà Ngô Thị Ngọc Oanh, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đánh giá chính sách ưu đãi cho điện ảnh tương đối nhiều, từ Luật Điện ảnh, Luật Đầu tư, Luật Đất đai...
Trong bảy luật thuế thì có hai luật thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng) có một số quy định cụ thể về ưu đãi thuế đối với lĩnh vực văn hóa, trong đó có điện ảnh.
Dẫu vậy theo bà Oanh, có những điểm vướng trong việc thực thi luật. Chẳng hạn khoản 3 điều 4 Luật Đất đai quy định ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai với các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động điện ảnh nhưng luật không có quy định cụ thể về chính sách ưu đãi về đất đai đối với điện ảnh nên thiếu cơ sở để thực hiện.
Bà Oanh nói hiện Luật Đất đai năm 2013 đang được Quốc hội xem xét sửa đổi theo hướng cụ thể hơn.
Bà Ngô Phương Lan nói dù có chính sách ưu đãi về đất đai nhưng đất đẹp ở các khu vực không dành cho rạp chiếu phim mà dành cho các công trình dân dụng, trung tâm, siêu thị.
Về các chính sách khuyến khích xã hội hóa, bà Oanh cho biết hiện không có luật, chỉ có nghị định 69 của Chính phủ năm 2008 (được sửa đổi bởi nghị định số 59 năm 2014).
Song để hưởng chính sách ưu đãi của nghị định, các cơ sở sản xuất, xuất khẩu phim, cơ sở chiếu phim và video... phải đáp ứng những tiêu chí "khá cao và khó áp dụng".
Bà Oanh nhận định: "Các chính sách quy định đã lỗi thời, cần đánh giá lại để xây dựng các chính sách phù hợp, khuyến khích và tạo nguồn lực đầu tư cho điện ảnh".
Chúng ta có luật, có quyết tâm phát triển công nghiệp điện ảnh nhưng triển khai vẫn còn nhiều lúng túng. Bà Ngô Phương Lan |
Quá thấu hiểu vướng mắc nhưng cần lộ trình
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho hay ngành điện ảnh quá thấu hiểu việc cần sửa đổi luật thuế để phát triển ngành, đặc biệt là giảm thuế và hoàn thuế để thu hút các đoàn làm phim nước ngoài.
"Tiến trình đưa vào luật cần một chặng đường dài. Hy vọng các cơ quan liên quan, các chuyên gia tiếp tục có ý kiến, góp ý để luật được thực tiễn hóa", ông nói.
Ông Thành cũng "trăn trở" về quỹ điện ảnh. Cục đã trình xin ý kiến và đã được thống nhất, tuy nhiên quỹ điện ảnh được đề cập trong luật nhưng lại vướng ở quy định dưới luật.
Ông đặt vấn đề: "Nguồn thu nào cho quỹ điện ảnh? Chúng tôi đề ra nhiều phương án, ở các nước thực hiện được nhưng ở Việt Nam không làm được".
Ví dụ khi cục đề xuất trích 2% doanh thu từ rạp chiếu phim, thì Tổng cục Thuế lẫn các doanh nghiệp phổ biến phim phản đối ngay.
Bà Oanh đề xuất để đảm bảo thực thi có hiệu quả các chính sách phát triển điện ảnh, nên tiếp tục kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư cũng như các luật thuế liên quan theo hướng cụ thể hóa chính sách đầu tư cho văn hóa, trong đó có điện ảnh.
Đạo diễn, nhà sản xuất Mai Thu Huyền cho hay trong luật sửa đổi, tâm tư, nguyện vọng của anh chị em nghệ sĩ đã được các cấp, các ngành lắng nghe. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn cần những văn bản hướng dẫn để luật có thể đi vào đời sống nhiều hơn. Ngoài luật, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết cũng cần hoàn thiện các chính sách khác về giáo dục điện ảnh, về quy định giờ làm việc trên phim trường của nhân sự làm phim, truyền thông.. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/cong-nghiep-dien-anh-gap-kho-vi-luat-vuong-luat-20231124081433095.htm