Sau nhiều nỗ lực, ông Nguyễn Thế Hồng - Chủ tịch Hội sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc, chủ nhân Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng - đã chi hơn 153 tỷ đồng, mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".
Ấn vàng được lưu giữ tại Bắc Ninh
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" sau khi hồi hương từ Pháp về Việt Nam, đã được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) của doanh nhân Nguyễn Thế Hồng từ ngày 18/11.
Hợp đồng mua ấn được ký với nhà đấu giá hồi tháng 1 tại Pháp, trị giá 6,1 triệu euro (hơn 153 tỷ đồng).
"Ông Hồng sẽ tổ chức buổi lễ ra mắt chiếc ấn, dự kiến trước Tết Nguyên đán 2024", ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Bắc Ninh, trả lời phóng viên Dân trí ngày 21/11.
Ông Nguyễn Văn Đáp (bên trái) trên tay là Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", cùng ông Nguyễn Thế Hồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Trước đó, chiều 16/11, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cùng đại diện Bộ Công an (Việt Nam) và Đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, đại diện UNESCO đã chứng kiến buổi lễ chuyển giao ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cho Việt Nam.
Từ cuối tháng 11/2022, Cục Di sản văn hóa đã xin phép và ký kết thỏa thuận về việc đàm phán mua ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" từ Pháp đưa về Việt Nam và chuyển nhượng ấn vàng cho Nhà nước với Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng.
Theo đó, ông Hồng cam kết và bảo đảm ấn vàng sẽ chỉ chuyển giao cho Nhà nước khi ông không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày, phát huy giá trị tại Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng.
Chi phí chuyển giao gồm: Chi phí trả cho việc thuê luật sư đàm phán; chi phí mua ấn vàng từ nhà đấu giá Millon, Pháp (bao gồm các loại thuế, phí liên quan); chi phí đưa ấn vàng về nước (chi phí hải quan, vận chuyển quốc tế)".
Ông Nguyễn Thế Hồng là ai?
Được biết, ông Nguyễn Thế Hồng là doanh nhân ngành bất động sản thành đạt tại Bắc Ninh, Chủ tịch Hội sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc.
Năm 2019, UBND tỉnh Bắc Ninh cấp giấy phép hoạt động cho Bảo tàng ngoài công lập Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng để hoạt động, trưng bày tài liệu, hiện vật sưu tầm theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh, trả lời phóng viên Dân trí.
Ông Nguyễn Văn Đáp cho biết vô cùng hạnh phúc và rất tự hào khi ông Hồng cùng phái đoàn từ Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao đã đàm phán và mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" - một bảo vật mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và chính trị của đất nước.
"Đây là dấu mốc lịch sử của ngành di sản văn hóa khi lần đầu tiên đàm phán thành công để hồi hương di sản cho đất nước. Điều này rất quan trọng và cũng là tiền đề giúp Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ trên trường quốc tế trong vấn đề hồi hương cổ vật trong tương lai", ông Đáp cho hay.
Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh, trước mắt, ấn vàng khi về Việt Nam sẽ được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng.
Tỉnh Bắc Ninh sẽ sớm đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với cổ vật này và đề nghị chủ sở hữu hiện vật có chế độ bảo quản đặc biệt cho ấn vàng khi về Việt Nam.
Theo tìm hiểu, trước ông Hồng, một số doanh nhân hay những người chơi đồ cổ tại Bắc Ninh cũng từng mua, đấu giá cổ vật của Việt Nam trên thế giới. Nhiều người tham gia phiên đấu giá trực tuyến hay trực tiếp tại các nước như: Anh, Pháp, Mỹ... để hồi hương cổ vật.
"Đây là "phong trào" đã hình thành trong cộng đồng người đam mê sưu tầm cổ vật từ lâu, trên hành trình tìm lại những báu vật quốc gia bị thất lạc ra nước ngoài", ông Đáp nói.
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" (Ảnh: Hãng Millon).
Hành trình chi hơn 153 tỷ đồng hồi hương ấn vàng
Tháng 10/2022, sau khi nắm được thông tin nhà đấu giá Millon ở Paris (Pháp) đưa lên sàn đấu giá hiện vật là chiếc ấn vàng của vua Minh Mạng triều Nguyễn, ông Nguyễn Thế Hồng đã đăng ký tham dự phiên đấu giá này, với mức phí đặt cọc 100.000 euro (khoảng 2,5 tỷ đồng).
Cuối tháng 11/2022, ông Hồng sang Pháp tham dự phiên đấu giá, chụp ảnh và thu thập thông tin ấn vàng. Nhà đấu giá Millon chào bán ấn vàng với giá 2-3 triệu euro (48-72 tỷ đồng).
Trước tình hình này, ông Hồng suy tính, nếu đấu giá sòng phẳng thì không thể mua được ấn vàng vì mức giá chốt phiên rất cao. Dù sản phẩm chưa lên sàn, nhưng đã có những người nước ngoài sẵn sàng đưa ra mức giá khởi điểm rất cao.
"Ông Hồng đã gọi điện tới Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh nhờ báo cáo gấp với Bộ VHTT&DL xin được trình bày nguyện vọng. Bộ đã liên hệ với Bộ Ngoại giao, tìm cách hồi hương cổ vật", ông Đáp nói.
Cùng lúc đó, hãng Millon tạo điều kiện dời 10 ngày đấu giá để phía Việt Nam có thêm thời gian thương lượng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL (thứ 3 từ trái sang), bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (ngoài cùng bên trái), ông Nguyễn Thế Hồng (giữa)... trong buổi lễ Chuyển giao Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cho Việt Nam (Ảnh: Cục Di sản văn hóa).
Tháng 11/2022, Chính phủ đã thành lập đoàn liên ngành, gồm Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Cục trưởng Cục Di sản, 2 chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 3 chuyên gia các Bộ liên quan.
Đoàn bay sang Paris gặp ông Hồng và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp để thống nhất giao ông Hồng đứng ra cùng thương thảo với các đối tác.
Sau các cuộc đàm phán, các bên thống nhất không đấu giá ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", mà để ông Hồng đại diện Việt Nam đứng ra mua theo giá thỏa thuận.
Ngày 13/1, ông Hồng sang Paris, ký chính thức với nhà đấu giá Millon bản hợp đồng mua tác phẩm nghệ thuật ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Tổng giá của tác phẩm được các bên thỏa thuận là 6.100.044 euro bao gồm thuế, sẽ được thanh toán theo tiến độ.
Ông Nguyễn Thế Hồng - nhà sưu tầm cổ vật tư nhân ở Bắc Ninh - đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Trao đổi với phóng viên Dân trí qua thư, ông Alexandre Millon - Chủ tịch hãng đấu giá Millon, cho biết thỏa thuận mua bán ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" giữa Millon và đại diện Việt Nam được ký kết bí mật. "Do không được ủy quyền, nên tôi không thể tiết lộ bất kỳ chi tiết nào của thỏa thuận này", ông Alexandre cho hay. |
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được đặt tên Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841), cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7 cm. Mặt trên của ấn khắc hai dòng chữ: "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" (Được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và "Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân" (Làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7 kg). Đế ấn in dòng chữ "Hoàng đế chi bảo" (Báu vật của hoàng đế). Theo cuốn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, ấn được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài... Cục di sản Văn hóa khẳng định, việc hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, "chảy máu" ra nước ngoài, mà còn giúp bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... |
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/van-hoa/hanh-trinh-dai-gia-bac-ninh-chi-hon-153-ty-dong-hoi-huong-an-vang-20230215094531492.htm