Phú Yên là địa phương đầu tiên thí điểm mô hình Bộ chỉ số hấp dẫn quay phim/PAI (Production Attraction Index) do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam xây dựng, hứa hẹn mở ra cánh cửa chào mời các đoàn làm phim đến vùng đất này.
Hội thảo quốc tế xây dựng Bộ chỉ số hấp dẫn quay phim được tổ chức tại Phú Yên ngày 16-11 - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
UBND tỉnh Phú Yên, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế "Xây dựng Bộ chỉ số hấp dẫn quay phim gắn với phát triển kinh tế, xã hội từ thực tế tỉnh Phú Yên" vào sáng 16-11, tại TP Tuy Hòa.
Hội thảo chia sẻ những thông tin từ việc gắn phim ảnh với du lịch và kinh tế - xã hội, các tiêu chí của những đoàn làm phim yêu cầu phải có tại địa phương thực hiện ghi hình, công bố Bộ chỉ số PAI.
Từ mô hình thí điểm
Tại hội thảo, TS Ngô Phương Lan - chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam - cho rằng không ai còn nghi ngờ tầm quan trọng của văn hóa điện ảnh trong việc góp phần phát triển kinh tế xã hội nước nhà.
Tuy nhiên, nhiều đoàn làm phim vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với địa phương.
"Từ mô hình thí điểm Bộ chỉ số hấp dẫn quay phim (PAI) tại Phú Yên, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã hưởng ứng tham gia, tự giới thiệu và đánh giá mức độ sẵn sàng các dự án phim đến địa phương mình.
Đây là lời mời đáng giá nhất của mỗi địa phương gửi đến các nhà làm phim, các hãng phim Việt Nam và quốc tế, cuốn hút họ chọn quay phim tại các vùng đất trên đất nước Việt Nam" - bà Lan nói.
Bộ chỉ số hấp dẫn quay phim (PAI) rất quan trọng
Bộ chỉ số hấp dẫn quay phim (PAI) do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam xây dựng và triển khai.
PAI sẽ đánh giá sự quan tâm của các tỉnh thành trong việc đón đoàn làm phim, từ đó nâng cao sức hấp dẫn của từng địa phương theo 5 tiêu chí: hỗ trợ tài chính, thông tin, thực địa, thủ tục pháp lý và hạ tầng sẵn có.
Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng khi bắt đầu một dự án, ông và ê kíp cảm thấy vô cùng lo lắng khi chọn địa điểm ghi hình.
"Khi vào thực tế quay chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề phát sinh, khi chúng ta không có hệ thống để các nhà làm phim đến địa phương đặt vấn đề tạo điều kiện làm phim thì mọi chuyện trở nên rất rắc rối, làm cho kinh phí đẩy lên rất cao" - ông Di nói.
Phan Đăng Di cũng cho biết nếu được áp dụng Bộ chỉ số PAI tại các địa phương trên cả nước sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho các nhà làm phim đến ghi hình.
Các cảnh quay của Đất rừng phương Nam được cho là lạ lẫm so với miền Tây xưa dù được quay ở đúng miền Tây
Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, các nhà làm phim luôn mong muốn tìm được các bối cảnh mới lạ, cảnh chưa có ai quay để làm phim. Tuy nhiên về phía nhà sản xuất thường chọn những nơi có điều kiện làm việc thuận lợi để tiết kiệm chi phí.
"Vì vậy, Bộ chỉ số PAI rất quan trọng cho các nhà sản xuất, nhà đầu tư biết được khi đến một địa điểm làm phim sẽ tiết kiệm được chi phí như thế nào, có những ưu đãi gì khi làm phim.
Ví dụ như một cảnh thác nước đẹp nhưng không có đường đi đến sẽ không ưu tiên bằng một thác nước ít đẹp hơn nhưng có điều kiện thuận lợi về giao thông, lưu trú, chi phí ăn ở rẻ hơn", ông Dũng lý giải.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/xay-dung-bo-chi-so-hap-dan-moi-goi-cac-nha-lam-phim-den-quay-phim-20231115215403644.htm