Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết, nhạc sĩ Thao Giang - người thầy của nhiều nghệ sĩ hát xẩm, ca trù - vừa qua đời, hưởng thọ 76 tuổi.
Nhạc sĩ Quang Long cho biết, nhạc sĩ Thao Giang chính là người khởi xướng "hồi sinh" nghệ thuật hát xẩm, có công tạo nên hát xẩm trong diện mạo đa dạng như ngày hôm nay.
Trong số học trò của nhạc sĩ Thao Giang ở bộ môn hát xẩm, ngoài anh còn có Khương Cường, Thu Phương, Vũ Đức Huy, Mai Thiện… cũng là những học trò của ông.
Nhạc sĩ Thao Giang (trái) và nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long thời còn trẻ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Đối với Nguyễn Quang Long, 2 người thầy quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc gắn liền với mảng nghiên cứu, lý luận là PGS.TS Nguyễn Trọng Ánh (giảng viên hướng dẫn chính thức khi còn theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và nhạc sĩ Thao Giang - người khuyến khích Quang Long theo hát xẩm và khuyến khích anh phát huy hát xẩm bằng thế mạnh của riêng mình.
Anh chia sẻ: "Nhiều năm liền, thầy trò cứ hễ nghe thấy ai nói ở đâu có người hát xẩm, hoặc chỉ biết chỉ nhớ một vài câu thì dù xa xôi đến mấy thầy trò cũng tìm về, cũng qua đó mà tìm được nghệ nhân Tô Quốc Phương, Nguyễn Minh Sen ở Thanh Hóa, nghệ nhân Nguyễn Văn Gia trước hoạt động hát xẩm từ bờ Hồ lên đến thị xã Sơn Tây.
Tôi thích nhất là thầy có tài khích lệ mọi người, cho mọi người thấy khả năng của mình. Có thể thầy nói cao hơn so với thực tế nhưng đã tiếp thêm nghị lực, sự tự tin cho nhiều người để gắn bó và đạt những thành công trong nghệ thuật".
Nhạc sĩ Quang Long cho biết thêm, thầy của mình là một kho tàng tư liệu sống vô cùng phong phú, như một bách khoa về âm nhạc dân gian Việt Nam nằm trong mối tương quan với âm nhạc Trung Hoa và Ấn Độ, phải nói rằng ở Việt Nam không có mấy người hiểu rộng và sâu như vậy
"Tôi tiếc nhất là tôi đã từng có ý định sẽ thực hiện các cuộc trò chuyện với thầy, mỗi số một chủ đề âm nhạc riêng, để từ đó sẽ chấp bút viết cho thầy những cuốn sách về âm nhạc dân tộc, vốn đang rất thiếu ở Việt Nam ta mà chưa thực hiện được và bây giờ không bao giờ thực hiện được nữa", nhạc sĩ Quang Long buồn bã cho biết.
Theo nhạc sĩ Quang Long, nhạc sĩ Thao Giang cũng chính là người cùng với NSND Thanh Ngoan, Mai Tuyết Hoa và anh có những nỗ lực không ngừng nghỉ, quyết tâm thực hiện cho bằng được các kế hoạch cho xẩm như: Vận động để thực hiện CD Xẩm Hà Nội, vận động thành lập Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam (thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam), vận động để ra đời Sân khấu âm nhạc dân gian Hà Thành 36 phố phường (từ năm 2006), tái hiện lễ giỗ Tổ nghề hát xẩm (2008)...
Nhạc sĩ Thao Giang (áo đen, bên trái) là người "hồi sinh" nghệ thuật xẩm hiện nay (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Chính ca sĩ Mai Tuyết Hoa là người mà nhạc sĩ Thao Giang khuyên học hát xẩm. Trong thời gian ông về làm trưởng phòng trưng bày nhạc cụ, Viện Âm nhạc, Mai Tuyết Hoa khi đó là nghiên cứu viên của phòng.
Nhận thấy Mai Tuyết Hoa có năng khiếu, lại sẵn chuyên ngành đàn nhị, nhạc sĩ Thao Giang đã động viên, cương quyết bắt Mai Tuyết Hoa theo hát xẩm. Theo đó, nữ ca sĩ đã học và thuộc bài xẩm thập ân Công cha ngãi mẹ sinh thành của nghệ nhân Hà Thị Cầu, sau đó thuộc thêm bài Mục hạ vô nhân của nghệ nhân khuyết danh còn lưu lại trong băng thu âm kho tư liệu của Viện Âm nhạc.
Với lý lẽ, ca trù đang có nhiều người theo rồi, hát xẩm hiện nay không có ai, nếu nghệ nhân Hà Thị Cầu mất đi là hết. Cho nên hát xẩm cần hơn. Nhạc sĩ Thao Giang đã thuyết phục được Mai Tuyết Hoa. Đến ngày nay, khi đã là một nghệ sĩ nổi tiếng gắn với hát xẩm, nhớ lại câu chuyện này, Mai Tuyết Hoa thầm cảm ơn sự quyết liệt của thầy Thao Giang.
Nhạc sĩ Thao Giang sinh ngày 22/7/1948 tại Hà Tây, nay là ngoại thành Hà Nội. Ông vừa nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2023 với hai tác phẩm: Kể chuyện ngày mùa và Tình quê hương. Ngoài ra, ông còn sáng tác tác phẩm cho một số nhạc cụ dân tộc quen thuộc như: Hương rừng (đàn Tam thập lục), Ao cá Bác Hồ (Đàn tranh), Du thuyền trên sông Hương (đàn Bầu), Đường xa vui những tiếng đàn (đàn Tỳ bà)…
Ông còn là một tên tuổi lớn của nghệ thuật đàn nhị chuyên nghiệp Việt Nam thế kỷ 20. Ông là thầy của nhiều nghệ sĩ đàn nhị nổi tiếng như: Thế Dân, Đình Nghi, Sĩ Toán, Văn Hà...
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/van-hoa/nhac-si-thao-giang-nguoi-hoi-sinh-nghe-thuat-xam-qua-doi-20231025073606486.htm