Sau khi làm việc với Cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL), phía nhà làm phim "Đất rừng phương Nam" ra thông báo, cam đoan có sự chỉnh sửa đối với tác phẩm điện ảnh này.
Thông báo sáng 17/10 từ phía nhà phát hành phim Đất rừng phương Nam nêu rõ: "Tiếp thu ý kiến của khán giả, sau cuộc đối thoại, trao đổi một số nội dung liên quan đến bộ phim với cơ quan chức năng, đoàn làm phim điện ảnh Đất rừng phương Nam đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa một số chi tiết trong bộ phim".
Theo đó, dòng chữ "Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim Đất phương Nam" được đưa lên đầu phim. Sự điều chỉnh này để làm rõ sự tương đồng về bối cảnh không gian và thời gian (vào thập niên 1920-1930) của phim điện ảnh Đất rừng phương Nam và phim truyền hình Đất phương Nam.
Bối cảnh này khác với bối cảnh không gian, thời gian của tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Nhà văn Đoàn Giỏi (vào năm 1945).
Diễn viên Tuấn Trần và diễn viên nhí Hạo Khang trong phim "Đất rừng phương Nam" (Ảnh: Chụp màn hình).
Bên cạnh đó, phim sẽ bổ sung nội dung cho câu giới thiệu "Hành trình vẫn còn phía trước" thành "Hết phần 1 - Hành trình vẫn còn phía trước". Sự điều chỉnh này nhằm khẳng định rõ hơn dự định của nhà sản xuất cho phần 2 kể về hành trình của nhân vật An trong tương lai.
Ngoài ra, nhà làm phim cũng điều chỉnh cụm từ "Nghĩa Hòa Đoàn" thành "Nam Hòa Đoàn", "Thiên Địa Hội" thành "Chính Nghĩa Hội" trong tất cả câu thoại liên quan tới hai cụm từ này trong phim điện ảnh Đất rừng phương Nam.
"Các tình tiết phim liên quan tới hai cụm từ trên đều là những tình tiết hư cấu được lấy cảm hứng từ các sự kiện trong lịch sử. Việc chỉnh sửa này nhằm tránh mọi liên tưởng không đúng về hai cụm từ này", phía nhà làm phim cho biết.
Bối cảnh trong phim "Đất rừng phương Nam" (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Phía nhà làm phim mong muốn thông qua việc chỉnh sửa trên, khán giả sẽ được tiếp cận và có trải nghiệm tốt nhất về phim điện ảnh Đất rừng phương Nam.
"Chúng tôi khẳng định rằng những chỉnh sửa nêu trên không làm thay đổi nội dung của bộ phim. Bản phim Đất rừng phương Nam đã được chỉnh sửa và trình lên Cục Điện ảnh theo đúng quy định của pháp luật.
Chúng tôi xin cam đoan các bản phim của bộ phim Đất rừng phương Nam sẽ được chỉnh sửa như trên bắt đầu từ ngày 16/10/2023", thông báo từ nhà sản xuất phim nêu rõ.
Trước đó, khi ra mắt truyền thông và có suất chiếu sớm, phim điện ảnh Đất rừng phương Nam nhận về không ít ý kiến trái chiều. Nhiều người đánh giá phim "không thuần Việt", bị cho là có những chi tiết "sai lệch lịch sử" ở vùng đất Nam bộ đầu thế kỷ 20.
Trước loạt ý kiến của công chúng, ngày 14/10, hội đồng thẩm định, phân loại phim và một số cơ quan, đơn vị chức năng đã tiến hành thẩm định lại bộ phim Đất rừng Phương Nam theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH,TT&DL.
Sau đó, Cục điện ảnh cũng đã mời nhà sản xuất, đoàn phim đối thoại, trao đổi một số nội dung liên quan đến bộ phim.
Dù vướng không ít ồn ào, nhưng sau 3 ngày chiếu sớm, Đất rừng phương Nam đã thu về hơn 50 tỷ đồng (theo thống kê của Box Office Vietnam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập).
Đất rừng phương Nam là phiên bản điện ảnh được kế thừa và phát triển từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Phim kể về hành trình phiêu lưu của An - một cậu bé chẳng may mất mẹ trên đường đi tìm cha. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông hôm 11/10, khi đề cập đến những ý kiến cho rằng Đất rừng phương Nam không thuần Việt, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho hay: "Thực ra tôi cũng đã xem nhiều ảnh tư liệu về thời kỳ lịch sử thực tế. Lưu ý rằng phim này đã thay đổi bối cảnh, mốc thời gian so với bản tiểu thuyết. Bản tiểu thuyết lấy bối cảnh khoảng năm 1945. Còn chúng tôi giữ tinh thần của bản truyền hình, lấy mốc thời gian trước năm 1930. Từ đó, hành trình của bé An đi qua nhiều môi trường, gặp gỡ nhiều cộng đồng văn hóa, tiếp xúc mâu thuẫn nhiều hội nhóm. Quan trọng là phim mang thông điệp về tình cảm con người. Đó là trong mỗi con người Việt Nam, ai cũng yêu nước, nhưng theo những cách khác nhau". |
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/van-hoa/nha-lam-phim-dat-rung-phuong-nam-cam-doan-chinh-sua-3-diem-20231017095720358.htm