Nguyễn Thùy Vi vừa có những chia sẻ liên quan đến những ý kiến trái chiều xoay quanh màn trình diễn trong đêm thi trang phục dân tộc ở Miss Grand Vietnam 2023.
Trong đêm thi trang phục dân tộc thuộc khuôn khổ Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023, người đẹp Nguyễn Thùy Vi trình diễn thiết kế Thị ơi mở ra lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám. Bộ trang phục của tác giả Trần Khánh Duy truyền tải thông điệp về sự nỗ lực không ngừng để chạm đến ước mơ.
Theo dõi phần thi của Thùy Vi, nhiều người khen ngợi về nhan sắc của người đẹp quê Trà Vinh, song cũng có ý kiến không hài lòng khi Thùy Vi xuất hiện với hình ảnh một bà lão, sau đó hóa thân thành cô Tấm. Nhiều người cho rằng màn trình diễn của người đẹp sinh năm 2000 không đúng với nội dung câu chuyện.
Nguyễn Thùy Vi được khen ngợi về nhan sắc khi hóa thân thành cô Tấm
Trước những ý kiến đó, Thùy Vi lên tiếng giải thích: "Tác giả của Thị ơi mở ra muốn tôi thể hiện hai nhân vật ở trên sân khấu. Tôi đã thay đổi trang phục ở phía sau quả thị sau đó mới bước vào bên trong quả thị và bước ra. Quá trình đó cũng gặp một chút khó khăn vì tôi khá hồi hộp, chứ không phải tôi biến từ bà lão thành cô Tấm".
Thùy Vi cho biết hôm tổng duyệt chương trình, phía ban tổ chức và tác giả bộ trang phục cũng lường trước những hiểu lầm về mặt ý tưởng. "Vì vậy, trên sân khấu tôi đã cố gắng thể hiện trọn vẹn 2 sắc thái để khán giả nhìn thấy hình ảnh của bà lão và cô Tấm. Tôi áp dụng những bài học có được trong những lần diễn xuất trước đó cho lần trình diễn này, may mắn được khán giả đón nhận", Thùy Vi chia sẻ thêm.
Ngoài Thị ơi mở ra, đêm thi trang phục dân tộc để lại nhiều ấn tượng với các thiết kế khác:
Tác phẩm lấy cảm hứng nghệ thuật múa bóng rỗi của dân gian Nam bộ, mang ý nghĩa cầu an cầu phúc, hướng đến mọi điều tốt đẹp. Thông qua màn trình diễn của người đẹp Phương Anh, tác giả kêu gọi mọi người lưu giữ, phát triển loại hình văn hóa độc đáo này
Người đẹp Khánh Linh trình diễn thiết kế lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đám cưới chuột. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết nhà thiết kế trẻ nghĩ ra những điều độc đáo, thông qua cách thể hiện chuyên nghiệp, chất liệu thân thiện với môi trường
Gánh mẹ được người đẹp Huỳnh Minh Kiên thể hiện trên sân khấu. Khi nhìn các người đẹp 19, 20 tuổi trình diễn, tôn vinh nét đẹp của văn hóa quê hương, ông Dương Trung Quốc nói bản thân ấn tượng vì sự nỗ lực của người trẻ
Thiết kế Kép thị tôn vinh cải lương Việt Nam với hình ảnh của các nghệ sĩ như Phùng Há, Bạch Tuyết, Thanh Nga, Diệu Hiền, Lệ Thủy… Ông Dương Trung Quốc bày tỏ: “Hát bội, cải lương… đều là loại hình văn hóa dễ nhận diện của Việt Nam và được quốc tế công nhận. Thực chất cách các bạn thể hiện trên sân khấu là cách tiếp cận văn hóa rất hiện đại”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc ấn tượng với bộ Mắc võng Trường Sơn do người đẹp Khả Di trình diễn. Ông nói: “Ban đầu lo lắng nhưng từ hình ảnh, âm thanh, cách thể hiện bộ trang phục, gánh cả quả núi trên lưng, mở ra những thứ gây xúc động”
Tác phẩm Vũ khúc thiên long tôn vinh nghệ thuật múa lân sư rồng. Màn trình diễn của thí sinh Huế Anh để lại ấn tượng với khán giả
Bộ trang phục gợi nhớ nghề thêu tay truyền thống của các nghệ nhân Việt Nam
Quạt Chàng Sơn trở thành nguồn cảm hứng để tạo nên bộ trang phục do người đẹp Liên Anh trình diễn
Thí sinh Hồng Diễm trình diễn tác phẩm Sấu xem hát bội, lấy cảm hứng từ một trong những tích truyện nổi tiếng Nam bộ. Ảnh BTC
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/nguoi-dep-miss-grand-vietnam-len-tieng-ve-man-trinh-dien-gay-tranh-cai-18523082017025086.htm