Nghệ sĩ Trần Lực đã thông tin về bố ông, GS - NSND Trần Bảng, vừa qua đời lúc 6 giờ hôm nay 19.7 vì tuổi cao, trọng bệnh.
NSND Trần Bảng sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Ông đã có công dựng lại nhiều vở chèo cổ, chèo dân gian như: Quan âm Thị Kính, Súy Vân, Lưu Bình Dương Lễ, Nàng Thiệt Thê, Trinh Nguyên, Từ Thức, Lọ nước thần và các tác phẩm chèo hiện đại.
Ông đóng góp nhiều công trình nghiên cứu, lý luận quan trọng: Khái luận về chèo, Kỹ thuật biểu diễn chèo, Chèo - Một hiện tượng sân khấu dân tộc...
NSND Trần Bảng đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật TL
Vài ngày trước, ông "trùm chèo" bị ngã, phải vào viện phẫu thuật. Đạo diễn Trần Lực đã báo tin mừng về ca phẫu thuật thành công. Nhưng sau đó, bố ông lại bị viêm phổi nặng và đã qua đời vì căn bệnh này.
Năm 1946, NSND Trần Bảng thành lập đội kịch tuyên truyền nhỏ có tên Sao Mai. Nhờ có sẵn năng khiếu văn chương, ông viết kịch bản rồi kiêm luôn đạo diễn. Đến năm 1952, Trần Bảng được phân công về Đoàn văn công T.Ư mới thành lập trên Việt Bắc, gồm có tổ kịch (Thế Lữ là tổ trưởng, ông là tổ phó), tổ chèo và tổ ca múa. Thời điểm ấy, NSND Trần Bảng chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày viết kịch bản hay làm đạo diễn chèo. Và chẳng ai có thể tưởng tượng một người Tây học như Trần Bảng lại thích và có khiếu với nghệ thuật truyền thống.
NSND Trần Bảng FB TRẦN LỰC
NSND Trần Bảng là một trong những người có công đầu phục dựng lại chèo cổ và phát triển chèo mới. Ông viết kịch bản, đạo diễn, nghiên cứu, phê bình lý luận, tập hợp các nghệ nhân hướng dẫn dựng vở, dạy học trò…
Nhà thơ Huy Cận từng viết tặng người bạn gắn cuộc đời với nghiệp chèo bài thơ, gọi NSND Trần Bảng với danh xưng “trùm chèo”.
Ông từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo T.Ư, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật sân khấu (Bộ VH-TT), Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khóa I (1957), và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/ong-trum-cheo-cua-san-khau-viet-nam-tran-bang-tu-gia-coi-tran-185230719093234737.htm