PGS.TS Tạ Quang Đông là người Việt Nam đầu tiên được mời làm ban giám khảo hạng mục Piano tại cuộc thi P.I. Tchaikovsky của Nga, sau 65 năm kể từ 1958 khi sự kiện bắt đầu.
Nhiều nghệ sĩ mê nhạc cổ điển trên khắp thế giới đang hướng về cuộc thi P.I. Tchaikovsky lần thứ XVII. Sự có mặt của một người Việt trong vai trò chấm thi tại P.I. Tchaikovsky trở thành niềm tự hào của không ít thế hệ yêu âm nhạc cổ điển Việt Nam.
P.I. Tchaikovsky lần thứ XVII diễn ra từ 19/6 - 1/7/2023 (Ảnh: Ban Tổ chức).
Đây là sự kiện âm nhạc quy mô của thế giới, được diễn ra 4 năm một lần do Bộ Văn hóa Nga tổ chức dưới sự bảo trợ của Chính phủ. Chương trình diễn ra từ 19/6 - 1/7/023 tại ở Moscow và St Petersburg. Đối với nước Nga đây là niềm tự hào, cuộc thi này được Nhà nước Nga công nhận là một trong những sự kiện tiêu biểu về âm nhạc của đất nước.
Không ít khán giả trong nước yêu thích dòng nhạc này còn hào hứng hơn nữa khi biết lần đầu tiên có một người Việt Nam được mời làm ban giám khảo hạng mục Piano.
Theo đó, PGS.TS Tạ Quang Đông đã sắp xếp công việc để kịp thời có mặt tại Nga, cùng 11 nghệ sĩ, nhà sư phạm, chuyên gia âm nhạc nổi tiếng trên thế giới thẩm định các bài thi của các thí sinh chuyên ngành Piano.
PGS.TS Tạ Quang Đông được mời làm ban giám khảo hạng mục Piano (Ảnh: Ban Tổ chức).
Được biết, PGS.TS Tạ Quang Đông sinh năm 1966. Ông hiện là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL). Trước đó, PGS.TS Tạ Quang Đông được cử đi học Đại học và Thạc sĩ chuyên ngành Piano tại Nhạc viện Moscow và Học viện Âm nhạc Gnessin (Nga) vào năm 1988. Ông nhận được bằng Tiến sĩ âm nhạc cũng tại Học viện này vào năm 2003.
Khi trở về nước, ông nắm giữ nhiều chức vụ cao trong lĩnh âm nhạc như Phó giám đốc Học viện Âm nhạc Huế, Giám đốc Nhạc viện TPHCM.
Với những thành tích về đào tạo học sinh đoạt giải tại các kỳ thi âm nhạc quốc tế trong nhiều năm qua và đã có kinh nghiệm là thành viên ban giám khảo của nhiều cuộc thi Piano quốc tế khác đã giúp ông có được lời mời từ Ban Tổ chức P.I. Tchaikovsky lần thứ XVII làm giám khảo cuộc thi năm nay.
Sau 65 năm tổ chức, đây là lần đầu tiên P.I. Tchaikovsky mời người Việt Nam chấm thi bộ môn Piano (Ảnh: Ban Tổ chức).
Ông là người Việt đầu tiên được mời làm giám khảo hạng mục Piano tại P.I. Tchaikovsky sau 65 năm kể từ năm đầu tiên cuộc thi này được tổ chức. Bộ môn Piano trên thế giới là một chuyên ngành khó với rất nhiều các nghệ sĩ nổi tiếng. Vì vậy, để được chọn là thành viên ban giám khảo là một vấn đề vô cùng khó khăn và có sự cạnh tranh cao.
Điều kể trên không chỉ mang lại niềm tự hào cho bản thân PGS.TS Tạ Quang Đông. Đây còn là lời khẳng định rõ ràng cho thấy Việt Nam được bạn bè thế giới nhìn nhận, đánh giá cao trong âm nhạc - một lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn đánh giá, sự cảm thụ, thấu cảm rất cao.
P.I. Tchaikovsky hay The International Tchaikovsky Competition là cuộc thi lần đầu được tổ chức vào năm 1958 và diễn ra 4 năm 1 lần. Đây là sân chơi dành cho các nghệ sĩ nhạc cổ điển lứa tuổi từ 16-30 tuổi (Thanh nhạc từ 19- 32 tuổi).
P.I. Tchaikovsky là cuộc thi âm nhạc cổ điển và hát quy mô, uy tín của thế giới (Ảnh: Ban Tổ chức).
Chiến thắng tại cuộc thi P.I. Tchaikovsky đã trở thành bảo chứng, bước đệm vững chắc giúp những nghệ sĩ được giải có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên con đường nghệ thuật. Tất cả các nghệ sĩ đươc giải tại cuộc thi này đều thành danh trên sân khấu âm nhạc của thế giới.
Danh tiếng và uy tín của cuộc thi này có được do chương trình dự thi đòi hỏi nhiều thể loại, nhiều tác giả khác nhau từ Cổ điển cho tới Cận đại, gồm 3 vòng thi với thời lượng khoảng 60 phút cho một vòng thi và tại vòng thi thứ 3, các thí sinh phải chơi liền 2 bản công-xéc-tô cùng dàn nhạc giao hưởng.
Do đó, thí sinh phải có được khả năng nắm vững rất nhiều tác phẩm ở các phong cách, thể loại khác nhau bên cạnh là cần một nền tảng kỹ thuật điêu luyện. Ngoài ra, đó là thành viên của ban giám khảo được mời đều là các nghệ sĩ, nhà sư phạm, chuyên gia uy tín trong mỗi lĩnh vực.
Sự có mặt của PGS.TS Tạ Quang Đông trong cuộc thi có ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ hảo hữu giữa Nga và Việt Nam (Ảnh: Ban Tổ chức).
Họ đều là những người được đào tạo bài bản từ hệ thống trường đào tạo âm nhạc danh tiếng trên toàn thế giới và đều có thành tích nổi bật trên sân khấu và trong đào tạo, có khả năng hiểu biết chuyên sâu toàn bộ các tác phẩm mà thí sinh dự thi (trung bình mỗi thí sinh phải chơi từ 12-15 tác phẩm cho toàn bộ cuộc thi).
Năm nay, cuộc thi có 6 chuyên ngành (Piano, Violin, Cello, Thanh nhạc, Kèn đồng, Kèn gỗ) nhận được 742 đơn dự thi từ 41 nước trên thế giới. Riêng bộ môn Piano có 153 đơn dự thi từ 23 nước.
Việt Nam năm nay cũng có 1 thí sinh được chọn vào vòng loại thứ 1 của vòng chung kết bộ môn Thanh nhạc. Trước đó, cuộc thi P.I. Tchaikovsky cũng từng mời ban giám khảo là người Việt chấm thi ở một số hạng mục. Trong số đó phải kể đến như GS. Tạ Bôn chấm Violin vào năm 1976, 1982, 1986, GS. Bùi Gia Tường chấm Cello năm 1982, 1986.
PGS.TS Tạ Quang Đông nhận định: "Cuộc thi P.I. Tchaikovsky tạo điều kiện cho các thí sinh đến với sân chơi chuyên nghiệp đúng nghĩa. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng và văn hóa nói chung"".
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/van-hoa/pgsts-ta-quang-dong-sang-nga-lam-giam-khao-piano-cuoc-thi-pi-tchaikovsky-20230626152740605.htm