Tổng cục Du lịch cho biết lượt tìm kiếm về du lịch Việt Nam trên công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google tăng 10%-25% trong thời gian từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 6-2023 - xếp vị trí thứ 7 thế giới.
Việt Nam cũng là nước duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào nhóm 10 điểm đến du lịch tăng trưởng cao nhất trên thế giới.
Top 10 thị trường quốc tế có lượt tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm: Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Malaysia, Đức, Pháp. Đây đều là những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, đại diện cho các khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Theo dữ liệu của Google, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam thời điểm này đã tăng gấp 3-4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Điều đó cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu đi du lịch Việt Nam. Với đà tăng trưởng tốt và những chính sách thuận lợi trong thời gian tới, ngành du lịch nước ta nhiều khả năng sẽ đạt và vượt mục tiêu đón khách đề ra trong năm nay.
Trong buổi làm việc mới đây với Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về các đề xuất đẩy nhanh phục hồi thị trường khách quốc tế, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng thị trường này còn nhiều dư địa tăng trưởng. Trong đó, Úc, Ấn Độ nhiều khả năng gia tăng lượng khách đến Việt Nam với việc Vietnam Airlines và Vietjet mở các đường bay thẳng kết nối các thành phố lớn giữa hai bên.
Du khách quốc tế thích thú trải nghiệm tại một điểm đến của Việt NamẢnh: Hà Hương
Vừa qua, ngày 24-6, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được Quốc hội thông qua. Thời hạn visa đã được kéo dài từ 30 lên 90 ngày. Thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực cũng được nâng từ 15 lên 45 ngày.
"Khách hàng của chúng tôi phần lớn là khách trung và cao cấp, đi lâu, ở dài nên đây là cú hích tốt. Chúng tôi kỳ vọng tăng ít nhất 30% doanh thu trong mùa du lịch tới, cao điểm là từ tháng 9" - ông Phạm Hà, CEO Lux Group, cho biết.
Ông Phạm Hà cho rằng cần định vị lại, làm mới thương hiệu du lịch; có thông điệp rõ ràng từng thị trường mục tiêu; bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, cởi bỏ mọi rào cản để tạo các sản phẩm du lịch mới như trên sông, trên biển, vịnh hồ, liên kết vùng. Ngoài ra, cần xúc tiến hiệu quả với quỹ du lịch và chiến lược xúc tiến cần trọng tâm, trọng điểm, có đo lường.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, cần tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng tại các trung tâm du lịch; chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, cao cấp; triển khai các chương trình truyền thông, quảng bá tiếp thị quốc tế với quy mô lớn, đa dạng, tận dụng các kênh truyền thông số, mạng xã hội có tính lan tỏa cao; tăng cường các đường bay kết nối Việt Nam với các thị trường trọng điểm…
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/du-lich-xanh/co-hoi-but-pha-cho-du-lich-viet-20230625201021502.htm