Phim bối cảnh xưa là đặc sản của truyền hình Nam Bộ, được khán giả yêu thích, mong chờ thưởng thức tác phẩm mới
Tuy nhiên, việc sản xuất phim bối cảnh xưa ngày càng khó khăn vì tìm kiếm nhà cổ, không gian xưa cũ không dễ dàng khi cuộc sống ngày càng hiện đại.
Tốn kém công sức, chi phí
Việc tìm kiếm được bối cảnh phù hợp với kịch bản, với chi phí sản xuất phim và thuận tiện cho việc di chuyển của đoàn phim luôn là một trong những khó khăn của nhà làm phim. Phim bối cảnh xưa nếu không tìm được nhà cổ hoặc không gian xưa cũ thì rất khó để thuyết phục khán giả màn ảnh nhỏ tin vào câu chuyện được kể. Bên cạnh phục trang, dàn diễn viên lột tả được chất người xưa thì bối cảnh chiếm phần quan trọng với dòng phim này. Sau rất nhiều phim bối cảnh xưa đã được thực hiện thì việc tìm kiếm được một căn nhà cổ hiện nay là điều không dễ dàng.
Cảnh trong phim bối cảnh xưa “Gieo nhân” (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Những phim càng về sau càng đòi hỏi sự tìm tòi nhiều hơn nếu không muốn lặp đi lặp lại hình ảnh một căn nhà trong 9 đến 10 phim. Bởi dù nhà làm phim có biến hóa góc quay, thay đổi cảnh trí hay biến chuyển thế nào thì cũng sẽ bị khán giả nhận ra đó là căn nhà đã xuất hiện trong phim trước. Đó là chưa kể, giá nhà cổ cho thuê vẫn đang tăng cao. Nếu không có sự quen biết, nhà làm phim cũng rất khó thương lượng một mức giá phù hợp vừa với khả năng kinh phí của đoàn phim.
"Cuộc sống thay đổi, bối cảnh thay đổi và con người cũng thay đổi. Thời gian sau này, làm phim bối cảnh xưa gặp nhiều khó khăn khi nhà cổ ngày càng hiếm. Nhà làm phim phải dựng lại bối cảnh, tốn thêm nhiều chi phí đầu tư" - NSƯT, đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết.
NSƯT, đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết phải bỏ ra hàng tháng đi khắp các tỉnh để khảo sát cho phim bối cảnh xưa. Phim xã hội hiện đại thì cảnh quay có sẵn còn phim bối cảnh xưa đòi hỏi tìm tòi những ngóc ngách ít người tìm đến để thuê quay phim. Tìm được bối cảnh phù hợp còn phải phục dựng cho đúng với niên đại câu chuyện được mô tả trong kịch bản.
"Khi làm phim "Lưới trời" (phát sóng năm 2021 và kết thúc năm 2022 - PV), tôi mất nhiều tháng để đi khắp các tỉnh miền Tây chọn bối cảnh và sau đó chi thêm 500 triệu đồng để phục dựng một con phố quay những tập đầu. Vì thế, phim bối cảnh xưa không chỉ tốn kém kinh phí mà còn công sức" - NSƯT, đạo diễn Nguyễn Phương Điền kể.
Với phim "Tiếng sét trong mưa" (phát sóng năm 2019 - PV), NSƯT - đạo diễn Nguyễn Phương Điền cũng khảo sát hơn 100 ngôi nhà cổ ở Tiền Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang… mới tìm được bối cảnh chính. Nguyên nhân khiến đạo diễn phải đi khảo sát nhiều như thế vì không muốn bị trùng lặp hình ảnh khi lên phim.
Mong mỏi phim trường
Nhiều người trong giới cho biết nhà cổ ngày càng ít, khó tìm kiếm là do chủ những ngôi nhà đã sửa chữa để thuận tiện cho cuộc sống hằng ngày của họ. Trường hợp là nhà di tích văn hóa thì không có sự cải tạo nhưng thường gặp tình trạng cũ kỹ, xuống cấp. Sử dụng các nhà cổ được thuê này, đoàn phim cũng không thể tác động nào khác ngoại trừ bày biện thêm nội thất cho phù hợp. Tiền thuê nhà thường tính theo ngày quay nên đoàn phim cũng phải tính toán để đúng tiến độ, không kéo dài phát sinh thêm chi phí bất chấp những tác động khách quan về thời tiết.
Làm phim bối cảnh xưa với không gian xưa cũ không dễ, vì các nhà cổ xưa ngày càng mai một (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
"Khán giả thích phim bối cảnh xưa nên nhà sản xuất vẫn nỗ lực thực hiện những phim này dù nhiều khó khăn so với những phim khác. Tôi nghĩ, một phim trường rộng có bối cảnh được đầu tư đầy đủ, hoàn chỉnh, đúng chuẩn như của các nước là điều mà nhà làm phim Việt đang mong mỏi" - biên kịch Đông Hoa bày tỏ.
Theo các nhà chuyên môn, hiện tại Việt Nam cũng có một số trường quay tư nhân nhưng quy mô nhỏ, mang tính minh họa nhiều hơn và thích hợp cho các đoàn nhỏ thực hiện web-drama (phim chiếu mạng) thể loại cổ trang hoặc bối cảnh xưa. Nếu có được trường quay đúng chuẩn sẽ là giải pháp tốt giúp nhà sản xuất không cần tốn quá nhiều thời gian, chi phí, công sức để sản xuất phim bối cảnh xưa cũng như các dòng phim khác.
Để nâng cao số lượng lẫn chất lượng cho phim Việt nói chung, từng bước xây dựng phim Việt trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, việc xây dựng phim trường là điều tất yếu. Phim bối cảnh xưa hay bất kỳ dòng phim nào khác cũng cần có những địa điểm cố định, chuyên nghiệp, để có thể tạo ra thêm bối cảnh giúp giảm tải khó khăn trong quá trình sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, cho biết đã tham mưu UBND TP HCM về chiến lược phát triển ngành văn hóa thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và đã được UBND TP HCM phê duyệt. Trong đó, phía sở cũng tham mưu xây dựng một phim trường hiện đại, địa điểm dự kiến tại Củ Chi rộng hàng trăm hécta. |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/nhoc-nhan-dong-phim-boi-canh-xua-2023062121042302.htm