Phấn đấu mỗi năm có khoảng 15 phim truyện điện ảnh do nhà nước đặt hàng là một trong những mục tiêu phát triển văn hóa mà Chính phủ đề ra.
30% phim sản xuất là do nhà nước đặt hàng
Chính phủ vừa có Quyết định 515 ngày 15.5 có tên Quyết định phê duyệt chương trình tổng thể về phát triển văn hóa VN giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, điều 6 có nội dung "Phát triển các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của VN có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng".
Liên quan đến điện ảnh, điều 6 quy định ở mục c: "Phấn đấu sản xuất trong một năm: khoảng 45 tác phẩm phim truyện điện ảnh; 90 tác phẩm phim tài liệu - khoa học và 40 tác phẩm phim hoạt hình (trong đó có khoảng 30% số phim được đặt hàng từ ngân sách nhà nước)". Tại mục d của điều 6 có đoạn: "Đẩy mạnh việc phát hành, phổ biến, quảng bá, xuất khẩu phim, tác phẩm nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật tiêu biểu của VN ra quốc tế; phổ biến phim phục vụ đồng bào dân tộc, đồng bào sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn, tại xã đảo, huyện đảo; chiếu phim VN tại rạp". Điều này có nghĩa là cùng lúc mục tiêu phát triển về văn hóa vừa yêu cầu số lượng, vừa yêu cầu chất lượng của phim.
Sống cùng lịch sử, bộ phim đã khơi lên tranh luận về hiệu quả tuyên truyền của phim đặt hàng
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), cho biết việc nhà nước đặt hàng phim truyện có thời gian bị đứt quãng và mới quay trở lại từ năm 2000. Trong 3 loại phim mà Quyết định 515 nêu, phim điện ảnh nhà nước đặt hàng có số lượng ít nhất. Các phim tài liệu - khoa học và hoạt hình vẫn được đặt hàng và làm đều. Phim hoạt hình làm cho thiếu nhi, phim tài liệu cho nhiệm vụ chính trị rất cụ thể. "Hai đơn vị sản xuất phim hoạt hình cũng như phim tài liệu này vẫn được đặt khoảng 13 - 17 phim/năm. Chỉ có phim truyện là khó nhất", ông Thành nói.
Cũng căn cứ theo con số ông Thành đưa ra này, số lượng phim hoạt hình do nhà nước đặt hàng có thể "cán đích" mục tiêu 30% phim; phim tài liệu - khoa học cũng còn thiếu nhiều so với mục tiêu (chỉ đạt 17 so với mục tiêu 27 phim).
Với phim truyện điện ảnh, ông Thành nhận định: "Số lượng phim truyện điện ảnh yêu cầu mỗi năm 45 phim. Đỉnh cao là đến năm 2019 mình cũng làm được 40 phim truyện/năm rồi. Tất nhiên những phim truyện đó toàn của tư nhân thôi. Còn số 30% từ ngân sách nhà nước, đến thời điểm này là chỉ tiêu quá cao. Nhưng anh em vẫn phấn đấu thôi".
Ông Thành cũng cho biết con số "trong mơ" đặt hàng 30% của 45 phim điện ảnh mỗi năm là con số thể hiện ý chí phấn đấu của Bộ VH-TT-DL. "Đấy là ý chí phấn đấu của Bộ VH-TT-DL, nó mang tính mục tiêu để phấn đấu. Đến giờ phút này năm nào cũng phấn đấu thì có đạt là 2 năm mới được 3 phim truyện thôi", ông Thành cho biết.
Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác, một phim thiếu nhi có nhà nước đầu tư, được đánh giá tốt nhưng không có lãi ĐPCC
"Chuyển vùng" đặt hàng tư nhân
Đạo diễn NSƯT Bùi Trung Hải, Hãng phim truyện VN VFS, vừa mừng vừa tủi khi nhận được thông tin về chỉ tiêu 30% này. Ông là người nhận được đơn hàng cuối cùng của nhà nước trước khi hãng cổ phần hóa. Tuy nhiên, bộ phim đó đã không được cấp tiền dù ông đã hoàn thành việc chọn cảnh và chọn diễn viên. "Phim Người yêu ơi đã được duyệt cấp tiền cho Hãng phim truyện VN làm, tôi cũng đã chọn cảnh, chọn diễn viên xong rồi, nhưng sau đó hãng cổ phần hóa rồi dừng lại. Bộ VH-TT-DL và Cục Điện ảnh nói không có chức năng quản lý dự án phim đó. Còn hãng mới thì lại không được quản lý", ông Hải cho biết.
Ông Hải cũng đánh giá mối quan hệ hiện nay của các nghệ sĩ với lãnh đạo VFS không tốt đẹp. Chính vì thế, đơn vị "chủ lực" thực hiện đơn hàng điện ảnh nhà nước cũng giảm sức chiến đấu. "Ở mức độ quan hệ hiện nay, họ (VIVASO - đơn vị góp vốn và nắm cổ phần chi phối) đối xử với anh em thế thì chả ai muốn làm với họ. Trước chúng tôi vẫn nghĩ phim là của nhà nước, mình làm là làm cho nhà nước, nhưng sau khi họ đối xử với kho phim truyện của hãng như thế thì quá thất vọng…", ông Hải nói.
Về phía Cục Điện ảnh, ông Vi Kiến Thành cho biết cũng không "bỏ trứng hết vào một giỏ" là các hãng điện ảnh nhà nước. Để nhích đến con số mục tiêu, Cục đã mời các đơn vị sản xuất tư nhân. "Cục cũng có văn bản gửi tới mời các đơn vị này cùng tham gia gửi kịch bản về để lựa chọn phim. Năm nay tôi nhận được 16 kịch bản phim của các đơn vị tư nhân gửi về để nhà nước xem xét đặt hàng", ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho biết: "Bây giờ chúng tôi đã làm được việc là không phân biệt kịch bản tư nhân - nhà nước, miễn là kịch bản tốt, nội dung chính trị tốt là đặt. Năm nay anh em cũng rất nhiệt tình, họ gửi tới 16 kịch bản, đề tài lịch sử đủ hết". Các kịch bản phim cho thiếu nhi cũng sẽ nằm trong diện ưu tiên của Cục Điện ảnh khi duyệt đặt hàng sản xuất phim. Theo ông Thành, Cục Điện ảnh chưa bao giờ thấy lỗ mà loại phim thiếu nhi.
Ông Thành cho rằng việc đặt hàng phim khó nhất là nhận thức e ngại của những đơn vị duyệt cấp tiền. "Họ rất ngại việc phim không có lãi. Nhưng dự báo sức hấp dẫn của thị trường khán giả và doanh thu, với điện ảnh là bài toán vô cùng khó. Đầu tư điện ảnh thậm chí là đầu tư mạo hiểm. Với các đề tài như lịch sử và thiếu nhi mà đảm bảo doanh thu cao rất khó", ông Thành nói. Nhưng rõ ràng, e ngại này cũng không hề mới, khi việc những bộ phim chục tỉ chỉ bán được vài vé vẫn còn trong trí nhớ công chúng.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/phan-dau-moi-nam-15-phim-truyen-dien-anh-nha-nuoc-dat-hang-18523061812331863.htm