Sau một loạt bê bối về đạo đức, tài chính và chủng tộc, Quả cầu vàng bị Hiệp hội Báo chí nước ngoài Hollywood (HFPA) bán cho công ty khác.
Đề cử cho "Emily in Paris" là một trong những hành động làm mất uy tín giải Quả cầu vàng - Ảnh: Netflix
Theo tin tức từ New York Times, Hiệp hội Báo chí nước ngoài Hollywood (HFPA) đã "chết" vào ngày 12-6.
Đây là tổ chức đầy bê bối nhưng đã có công sáng lập và đưa giải Quả cầu vàng thành một sự kiện điện ảnh đình đám trong suốt 80 năm qua.
Cái kết của HFPA được công bố sau khi các quan chức ở California đồng ý với một kế hoạch cho phép tiếp tục tổ chức giải Quả cầu vàng.
Sau khi tổ chức này ngừng hoạt động, các thành viên - chủ yếu là những nhà báo giải trí tự do - sẽ có việc làm ở một tổ chức lợi nhuận khác chưa được đặt tên.
Quả cầu vàng mất giá nghiêm trọng
Theo đó, Công ty Eldridge Industries - một công ty cổ phần thuộc sở hữu của nhà đầu tư tỉ phú Todd Boehly và Công ty Dick Clark Productions - một phần của Penske Media đã đồng ý mua lại giải Quả cầu vàng từ HFPA với mức giá không được tiết lộ.
Số tiền thu được sẽ được chuyển đến một tổ chức phi lợi nhuận mới, Quỹ Quả cầu vàng. Tổ chức này sẽ tiếp tục các nỗ lực từ thiện của HFPA - nơi đã trao hơn 50 triệu USD cho các tổ chức từ thiện liên quan đến giải trí trong 30 năm qua.
Trong 80 năm qua, Quả cầu vàng như một đêm tiệc thượng lưu hằng năm của giới điện ảnh - Ảnh: Getty
Trước khi ngừng hoạt động, HFPA có gần 100 người, mỗi người được trả lương 75.000 USD mỗi năm trong vòng 5 năm với nhiệm vụ xem phim, chương trình truyền hình và bầu chọn cho giải thưởng.
Đồng thời, họ còn sản xuất các chất liệu quảng bá cho giải thưởng, bao gồm các bài báo trên trang web của giải.
Nhưng với sự lãnh đạo và quản lý của HFPA, giải Quả cầu vàng cũng bị phanh phui nhiều bê bối trong suốt những thập kỷ qua. Việc tài tử Tom Cruise từng phũ phàng trả lại 3 giải thưởng là biểu hiện cho thấy giải mất giá nghiêm trọng.
Bê bối đạo đức, hối lộ
Theo Los Angeles Times, trong những năm vừa qua, giải Quả cầu vàng và tổ chức đứng sau là HFPA hứng chịu nhiều chỉ trích dữ dội từ công chúng và truyền thông.
HFPA bị tờ báo phát hiện không có thành viên da màu nào, dẫn đến làn sóng chỉ trích tổ chức này phân biệt chủng tộc, thiếu đa dạng sắc tộc. Do đó, giải có dấu hiệu thiên vị khi các giải thưởng không có sự công nhận xứng đáng với các nghệ sĩ da màu.
Năm 2022, Đài NBC phải hủy bỏ buổi phát sóng trực tiếp Quả cầu vàng vì giải bị công chúng tẩy chay.
Từ lâu, HFPA cũng dính bê bối đấu đá nội bộ, bị nghi nhận tiền hoặc các lợi ích để đưa những phim dở vào đề cử.
Tiêu biểu là trường hợp Emily in Paris, một series trực tuyến bị giới phê bình lẫn khán giả chê bai hết lời, lại có tên trong bảng đề cử của mùa giải năm 2021.
Los Angeles Times phanh phui việc nhà sản xuất phim mời các thành viên HFPA đi chơi Paris và đãi ngộ đặc biệt.
Vào cuối những năm 1960, Ủy ban Truyền thông liên bang tạm ngừng phát sóng Quả cầu vàng vì cho rằng giải "đánh lừa công chúng về cách xác định những người chiến thắng".
Trong những năm 1990 và 2000, Harvey Weinstein - "ông trùm" Hollywood quyền lực một thời - đã thao túng tổ chức theo nhiều cách: những món quà đắt tiền, quyền tiếp cận đặc biệt với các ngôi sao. Sau đó, các phim do Weinstein sản xuất nhận số lượng đề cử đáng kinh ngạc.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/hiep-hoi-bao-chi-nuoc-ngoai-hollywood-ban-giai-qua-cau-vang-20230614105827784.htm