Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng khách quốc tế đến VN quý 1 tăng mạnh, khách nội địa tương tự. Thế nhưng, bức tranh chung của ngành du lịch là chỗ nào cũng thấy than khó, than ế.
Tăng là thật và ế cũng là thật
Số liệu Tổng cục Thống kê cho biết, khách quốc tế đến VN trong tháng 3 ước đạt 895.425 lượt người, giảm 4% so với tháng trước nhưng tăng gấp 21,5 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung, khách quốc tế đến VN quý 1 ước đạt gần 2,7 triệu lượt, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm 2022.
Loạt hệ thống khách sạn tại TP.HCM phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng vì vắng khách N.T.T
Nếu lấy mục tiêu năm 2023 đón 8 triệu khách quốc tế, thì con số 2,7 triệu lượt trong quý 1 rất lạc quan. Các địa phương trọng điểm miền Trung như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… cũng ghi nhận số lượng khách du lịch tăng. Đơn cử, trong quý 1, lượng khách đến Huế ước đạt 633.300 lượt, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế ước đạt 255.900 lượt, gấp 55 lần.
Tương tự, lũy kế 3 tháng đầu năm, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tại Quảng Nam ước đạt 1,63 triệu lượt khách, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Khách quốc tế ghi nhận tăng tới 85 lần, ước đạt 765.000 lượt. Đà Nẵng còn "khủng" hơn khi ghi nhận tổng lượt khách mà các cơ sở lưu trú, phục vụ trong quý 1 tăng tới 365,5%, đạt 1,42 triệu lượt.
Thế nhưng, số lượng khách tăng "khủng" vài chục lần như trên là so với giai đoạn quý 1/2022 - khi VN còn chưa mở cửa du lịch. Nếu so với giai đoạn trước dịch 2019 thì lượng khách mới chỉ bằng khoảng 60%. Các "hub" du lịch vẫn chỉ thưa thớt bóng khách "Tây" và hệ thống các nhà hàng, khách sạn trên cả nước vẫn mỏi mòn chờ khách. Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là tới cao điểm lễ 30.4 - 1.5, mùa lễ kéo dài gần bằng Tết Nguyên đán, kỳ vọng là bước đệm sôi động cho mùa cao điểm hè rực rỡ, nhưng hàng loạt địa phương lại đang thấp thỏm lo "ế".
Đến thời điểm hiện tại, lượng khách đặt phòng dịp lễ 30.4 - 1.5 của Khánh Hòa mới đạt khoảng 50% công suất. Một số khách sạn có vị trí đẹp đạt khoảng 70% công suất. Theo khảo sát của Hội Khách sạn Khánh Hòa, nguồn khách chủ yếu trong nước, khách quốc tế đến Khánh Hòa hiện rất hạn chế, đa phần khách Hàn Quốc. Du lịch Khánh Hòa vẫn đang trông chờ vào lượng khách Trung Quốc nhưng vì nhiều lý do khác nhau, vẫn rất ít. Mùa lễ này, khách từ các tỉnh phía bắc đến Khánh Hòa được dự báo giảm rất nhiều.
Là một trong những điểm đến "hot" nhất, nhưng Phú Quốc cũng không khá khẩm hơn. Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú cho biết tỷ lệ đặt phòng cho dịp lễ đến nay chỉ đạt khoảng 40 - 50%, nếu so với năm ngoái giảm khoảng 20 - 25%, còn nếu so với 2019 đạt chưa tới một nửa. Trong đó, có rất ít khách quốc tế đặt phòng.
Tại TP.HCM, chỉ có các hệ thống khách sạn 5 sao vẫn duy trì hoạt động, còn lại hệ thống khách sạn 3 sao trở xuống ngày càng "rơi rụng" dần. Bà Nguyễn Thị Thúy Loan, đại diện hệ thống khách sạn A25, cho biết đến tận bây giờ, lượng du khách vẫn không thể ổn định như trước dịch, nhất là khách quốc tế. Hệ thống các khách sạn từ 3 sao trở xuống tập trung khu vực Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão phần lớn phục vụ khách nước ngoài nhưng đến nay, lượng khách rất ì ạch.
"Chỉ có những ngày cuối tuần là doanh thu của chúng tôi nhích lên một chút. Còn đầu tuần thì hầu như không có khách, rất vắng", bà Loan nói.
Lo "thất bại" luôn cả thị trường nội địa
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ - Lữ hành Saigontourist, lý giải trong tổng cơ cấu khách quốc tế đến VN trước dịch, riêng 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga đã chiếm tới 60 - 70%. Hiện nay, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa du lịch nhưng vẫn chỉ giới hạn trong khách đoàn, chưa cho khách bay charter và khách du lịch tự túc.
Trong khi đó, những đoàn charter mới là phương tiện đưa số lượng khách Trung Quốc lớn nhất đến Nha Trang, Đà Nẵng của VN. Thị trường Hàn Quốc, Nga cũng chưa hồi phục. Khách Hàn đã bắt đầu tăng tốc trở lại Đà Nẵng, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với trước dịch. Thị phần nhỏ còn lại của khách châu Âu, châu Mỹ do khủng hoảng kinh tế, chính trị nên cũng mới trở lại số lượng ít khách lẻ. Chính vì thế, dù du lịch đã mở cửa hơn 1 năm nhưng thị trường khách quốc tế đến VN vẫn chưa có cú hích nào, chỉ đạt khoảng 50 - 60% so với cùng kỳ 2019.
"Quý 2, quý 3 tới còn đáng lo ngại hơn vì 1 năm VN chỉ có 2 mùa cao điểm khách quốc tế là quý 1 và quý 4. Mùa hè, khách châu Âu bay về phía Địa Trung Hải giá rất rẻ, chỉ 400 - 600 euro/người là có một tour 6 ngày 5 đêm. Khu vực Bắc Mỹ thì đi về vùng Caribe đẹp hơn nhiều. Các tuyến đường xa đi về châu Á chủ yếu chỉ để tránh đông nên phải từ sau tháng 9 mới có xu hướng trở lại VN. Mùa hè này, du lịch VN chỉ có thể trông chờ khách Hàn Quốc, Trung Quốc và đặc biệt thị trường nội địa vẫn phải là cứu cánh", ông Yên nhận định.
Đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường nội địa, song Lữ hành Saigontourist cũng chỉ dám đặt mục tiêu doanh thu mùa hè đạt bằng hoặc cùng lắm tăng hơn 10% so với năm trước, bởi lãnh đạo công ty đánh giá xu hướng du lịch nội địa sẽ giảm sau 1 năm bùng nổ. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, người dân phải thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp cũng hạn chế tổ chức du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo. Mặt khác, chi phí đầu vào từ hàng không tăng cao, đẩy giá tour tăng, càng tạo thêm bất lợi cho các doanh nghiệp lữ hành.
Bà Phạm Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Du lịch Việt, cũng cho rằng, trong khi thị trường quốc tế mãi chưa hồi phục, giá vé máy bay trong nước đẩy lên quá cao khiến giá tour cũng tăng mạnh, gây biến động thị trường, làm thay đổi luôn cả thói quen du lịch của khách. Tỷ lệ bán tour mùa lễ của các doanh nghiệp lữ hành khá chậm, không sôi động như những năm trước.
"Ngành du lịch giờ không đòi hỏi các chính sách hỗ trợ đặc thù gì nữa vì ngành nào cũng khó. Chúng tôi chỉ cần một đơn vị đứng ra cầm trịch, tổ chức một chương trình "tiêm thật mạnh, kích thật mạnh" vào nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân, đặc biệt vào những mùa lễ. Cần có chính sách quản lý giá, thúc đẩy liên kết giữa các đơn vị để hình thành một sản phẩm tốt với giá hấp dẫn", bà Phương Anh đề xuất.
Du lịch nội địa bùng nổ hè năm ngoái đã cứu cả ngành du lịch. Năm nay nếu dịch bùng lại, sức mua giảm thì mùa hè "thất bại" là cũng "tiêu" luôn ngành du lịch. Ông Nguyễn Hữu Y Yên (Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ - Lữ hành Saigontourist) |
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/so-luong-khach-tang-cao-sao-cho-nao-cung-e-185230421003837347.htm