Người đàn ông lặng lẽ góp nhặt hàng trăm chiếc cối đá, cày, bừa, cân tay xưa cũ, mang về "lâu đài yến" của mình cất giữ, để ngày nào đó thực hiện ước mơ làm du lịch nông nghiệp.
Lâu đài yến thuộc địa phận xã Tân Hòa, H.Buôn Đôn (Đắk Lắk), cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột khoảng 20 km được ông Đỗ Tuấn Hưng (51 tuổi) bắt tay xây dựng 2 năm về trước.
Gọi là "lâu đài yến" nhưng thực ra đây là một căn nhà nuôi yến nhiều tầng, được ông Hưng thiết kế như một tòa lâu đài, một phía có hình dáng vương miện bao bọc, điểm nhấn là những họa tiết cùng các tông màu xanh, vàng, đỏ...
Cận cảnh lâu đài yến với kiến trúc lạ giữa vùng sông nước HOÀNG BÌNH
Lâu đài yến nổi bật bên bờ hồ thủy điện. TUẤN HƯNG
Nơi đây được ông Hưng đem về những bộ sưu tập "dị" chẳng giống ai. Ngoài đèn dầu, mũ, kiếm, khiên, rìu, ly… của hiệp sĩ mang đậm nét văn hóa phương Tây, ông cũng trưng bày hàng trăm đầu sách, cùng nhiều nông cụ, đồ dùng xưa cũ như: cối đá, cày, bừa, rựa, rìu, xà gạc, cân tay…
"Có lẽ tôi có duyên hoặc mắc nợ nên mới đam mê sưu tầm những món đồ xưa. Nhiều người cho rằng, đây là những món đồ ít giá trị, lỗi thời vì có tuổi đời cách nay khoảng 30 - 40 năm. Thế nhưng với tôi, chúng là cả vùng trời kí ức, tôi muốn níu giữ, sưu tầm để chiêm nghiệm, lắng đọng, thưởng thức", ông Hưng chia sẻ.
Theo ông Hưng, lâu đài yến có diện tích khoảng 30 ha. Đây là vùng đất cằn cỗi, nếu làm nông nghiệp đơn thuần rất khó phát triển. Thế nhưng nhờ cận kề một số đảo nổi trên sông, nên phong cảnh hữu tình lại có tiềm năng để làm du lịch nông nghiệp (mô hình farmstay).
Một chiếc cối đá được chủ nhân lầu đài yến mua về trưng bày HOÀNG BÌNH
Để nuôi ước mơ của mình, ông Hưng đã hợp tác cùng nhiều nông dân xung quanh, thành lập Hợp tác xã du lịch cộng đồng Đảo yến Buôn Đôn. Các nông hộ trong HTX lên ý tưởng mỗi người làm một mô hình nông nghiệp điển hình, làm sao vừa có kinh tế, vừa có thể phục vụ cho việc khai thác du lịch sau này.
Trong khi ông nuôi yến thì những người xung quanh trồng dừa, trồng chà là, nuôi cá, nuôi thỏ… Sau này làm du lịch, ai cũng có thể đón khách, khách sẽ được trải nghiệm nhiều mô hình nông nghiệp khác nhau, không nhàm chán".
Hiện, vườn dừa gần đó đã cho thu hoạch, còn nhà yến của ông Hưng cũng cho thu bói gần 20 kg sản phẩm. Trên diện tích gần 3 ha đất quanh nhà yến, ông Hưng cũng tạo những cung đường hoa sim, hoa mua, hoa hồng, chuẩn bị sẵn sàng cho mô hình farmstay mà ông mơ ước. "Chúng tôi phải làm thật chỉnh chu, chuẩn bị kỹ để khi mở cửa đón khách sẽ tạo được ấn tượng, làm cho du khách nhớ mà quay trở lại khám phá", ông Hưng tự tin.
Một góc view ngắm hồ tuyệt đẹp từ lâu đài yến HOÀNG BÌNH
Ông Nguyễn Quang Tòa, Chủ nhiệm HTX du lịch cộng đồng Đảo yến Buôn Đôn, cho biết hiện HTX có 8 thành viên đều là các nông hộ xung quanh vùng bán đảo. "Chúng tôi nhận thấy nơi đây có tiềm năng, có điều kiện để phát triển mô hình du lịch farmstay. Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cùng nhau cố gắng để thực hiện, vừa làm nông nghiệp, vừa tạo những tiền đề tốt nhất, sẵn sàng để đón khách khi đủ các điều kiện, thủ tục hoạt động", ông Tòa chia sẻ.
Ông Sầm Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, cho biết: "Nhà yến của ông Hưng có thiết kế như lâu đài độc đáo, bắt mắt; cùng với hoạt động ban đầu của HTX du lịch cộng đồng Đảo yến đã hé mở triển vọng khai thác du lịch. Hiện chính quyền xã cũng đang đề nghị các cấp xem xét đưa khu vực xung quanh lâu đài yến vào quy hoạch đất du lịch, nhằm tạo thêm hướng phát triển kinh tế của địa phương".
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/xay-lau-dai-yen-nuoi-giac-mo-lam-du-lich-nong-nghiep-185230411150609238.htm