Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố thêm 9 món ăn Việt : bánh dân gian Cần Thơ, xôi chiên phồng, cơm tấm Long Xuyên...
Bánh dân gian Cần Thơ làm từ gạo, nếp, khoai, củ với hàng trăm loại như: bánh tằm bì, bánh ướt, bánh in, bánh còng, bánh bột nếp, bánh gói, bánh hẹ, bánh da lợn, bánh bột rán, bánh ít nước tro, bánh lá mít, bánh lá mơ… - Ảnh: VietKings cung cấp
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) vừa công bố 9 món ăn Việt, nhóm món ăn, đặc sản của Việt Nam được xác lập kỷ lục châu Á.
Đây là lần thứ 5 VietKings đề cử thành công. Tổng đề cử thành công là 50 kỷ lục châu Á mới của Việt Nam trong lĩnh vực ẩm thực - đặc sản.
Thêm 9 kỷ lục châu Á cho món ăn Việt
Từ năm 2012, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam triển khai tìm kiếm và quảng bá món ăn, đặc sản Việt Nam thông qua đề cử xác lập 50 kỷ lục châu Á giai đoạn 2012 - 2023.
Trên hành trình tìm kiếm, các địa phương đã giới thiệu nhiều món ăn Việt mang hương vị đặc trưng.
Đầu tháng 4-2023, Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận thêm 9 kỷ lục châu Á mới cho món ăn Việt và nhóm món ăn, đặc sản gồm:
- Các loại bánh dân gian Cần Thơ (Cần Thơ), cơm tấm Long Xuyên (An Giang), các món ăn từ khóm (Hậu Giang), xôi chiên phồng (Đồng Nai), thanh long (Bình Thuận), nước mắm Con Cá Vàng Phan Thiết (Bình Thuận), atiso Lâm Đồng (Lâm Đồng), bánh phu thê Đình Bảng (Bắc Ninh), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang).
Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) quả to hơn và có hương vị đặc trưng, khác hẳn vải thiều trồng ở những vùng đất khác
50 món ăn Việt ghi dấu cột mốc mới
Trước đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã 4 lần công bố 41 món ăn Việt được xác lập kỷ lục châu Á vào các năm: 2012, 2013, 2022 và 2023. Như vậy Việt Nam đã có 50 kỷ lục châu Á trong lĩnh vực ẩm thực - đặc sản.
Những món ăn Việt xác lập kỷ lục lần trước rất quen thuộc với người dân như:
Phở (Hà Nội), bánh đa cua (Hải Phòng), cháo lươn (Nghệ An), cơm tấm Sài Gòn (TP.HCM), bún bò Huế (Thừa Thiên Huế), bún chả (Hà Nội), phở khô (Gia Lai), bánh khọt (Bà Rịa - Vũng Tàu), mì Quảng (Quảng Nam), hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang), bún suông (Trà Vinh), bún cá Châu Đốc (An Giang), các món ăn từ cá ngừ đại dương (Phú Yên), các món ăn từ Sen (Đồng Tháp), các món ăn từ Dừa (Bến Tre)…
Ông Lê Trần Trường An - tổng giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - cho biết đơn vị này được Tổ chức Kỷ lục Châu Á ủy quyền trao bằng xác lập cho các địa phương. Dự kiến sẽ trao vào dịp hội ngộ tháng 6-2023 tại TP.HCM.
Atiso là đặc sản nổi tiếng của Lâm Đồng, ngoài là thực phẩm còn là dược liệu quý
Xôi chiên phồng là món ăn chế biến công phu và tỉ mỉ. Tỉnh Đồng Nai được xem là địa phương sản sinh ra món này. Xôi được giã và nhồi với đường và đậu xanh, rồi đem chiên. Nhồi và chiên là hai khâu quan trọng nhất khi làm món ăn này
Bánh phu thê Đình Bảng (Bắc Ninh) là lễ vật không thể thiếu trong ngày Tết, lễ hội và mâm cỗ cưới hỏi
Nước mắm Con Cá Vàng của Phan Thiết (Bình Thuận)
Khóm Cầu Đúc (Hậu Giang) có nguồn gốc từ Thái Lan, có hình dáng thanh nhã, mắt lồi, cuống ngắn, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt. Khóm Cầu Đúc có thể để 10 - 15 ngày mà không hư, chế biến được thành nhiều món ăn Việt
Thanh long (Bình Thuận) có ruột trắng vỏ hồng, ruột đỏ vỏ hồng, ruột tím vỏ hồng và ruột trắng vỏ vàng. Ngoài dùng tráng miệng, thanh long còn được chế biến để xuất khẩu như: sấy khô, rượu, mứt, nước ép, tương…
Cơm tấm Long Xuyên (An Giang) được nấu bằng hạt tấm nhuyễn, nhỏ, tạo độ bùi. Món ăn Việt này được hấp cách thủy. Các thành phần ăn kèm đều cắt nhỏ dạng sợi
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/them-9-mon-an-dac-san-viet-vao-ky-luc-chau-a-20230412010245726.htm