Thông thường, một bộ phim tài liệu để "đứng" cùng với các tác phẩm điện ảnh khác ngoài rạp chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng tại sao "Những đứa trẻ trong sương" của đạo diễn Hà Lệ Diễm lại làm được?
Thời gian này, bên cạnh những bộ phim như Shazam! Fury of the Gods, The One, Soulmate hay Biệt đội rất ổn, Siêu lừa gặp siêu lầy..., có một tác phẩm cũng ra rạp nhưng thuộc thể loại đặc biệt hơn. Đó là phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist) của đạo diễn Hà Lệ Diễm.
Bộ phim này đã giành đến 34 giải thưởng và đề cử tại các Liên hoan phim trên thế giới. Đặc biệt, phim còn lọt vào Shortlist - danh sách rút gọn (top 15) giải Oscars - hạng mục "Phim tài liệu xuất sắc nhất". Đây là điều mà chưa tác phẩm Việt nào làm được.
Thực tế, để một bộ phim tài liệu có thể đủ sức ra rạp rất khó. Thế nhưng Những đứa trẻ trong sương thậm chí còn được mở rộng suất chiếu ở Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang và được thay đổi dán nhãn từ C16 (giới hạn độ tuổi từ 16) sang bộ phim phù hợp với mọi lứa tuổi.
Nụ cười hồn nhiên của Di - nhân vật chính trong phim - khi đi chợ quê chơi Tết. (Ảnh: Page Children of the Mist).
Khung cảnh phim mờ sương, nhân vật thú vị đến không tưởng
Phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương xoay quanh nhân vật chính là cô bé người Hmông tên Di với những tháng ngày vô tư, hồn nhiên cho đến khi suýt bị "bắt vợ". Toàn bộ các cảnh trong phim đều được quay tại Sa Pa, Lào Cai.
Có thể thấy, xuyên suốt bộ phim là khung cảnh mờ mờ, ảo ảo, các nhân vật, sự kiện hòa trong làn sương mù. Đâu đó là những cánh đồng ruộng bậc thang xanh mướt, đâu đó là những cánh hoa đào, trò chơi ở chợ quê báo hiệu mùa xuân về... Tất cả tạo nên một bối cảnh phim đẹp và nhẹ nhàng.
Trong khung cảnh đó, cuộc sống của người dân tộc vùng cao được hiện lên từng chút một. Khán giả có thể cảm nhận được sự giao thoa, đôi khi là mâu thuẫn, giữa phong tục cũ và hiện đại, đổi mới.
Ở đó, có những căn nhà gỗ cũ kĩ, những miếng thịt lợn gác bếp, những đứa trẻ sơ sinh không mặc quần bên cạnh những chiếc điện thoại di động thông minh mà mọi người hàng ngày nhắn tin, gọi điện cho nhau. Ở đó có những chiếc váy thổ cẩm, được nhuộm xanh thủ công đi kèm giày thể thao, áo khoác da. Ở đó có tục lệ kết hôn khi chưa đủ tuổi thành niên bên cạnh chính quyền, giáo viên không ngừng ngăn cản.
Ngoài khắc họa chân thực cuộc sống của người dân tộc vùng cao, các nhân vật trong phim cũng thể hiện được nét tính cách thú vị, hài hước. (Ảnh: Page Children of the Mist).
Người dân Hmông được khắc họa chân thực, mộc mạc, mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc nhưng cũng tràn đầy sự thú vị. Nếu như nghĩ phim tài liệu thường chỉ quay các cảnh đơn thuần về nhân vật, với tiết tấu đều đều thì mọi người đã nhầm. Di và những nhân vật xung quanh cô bé đều gây ấn tượng với nét cá tính độc đáo, đôi lúc còn khá hài hước.
Cô bé Di hàng ngày đi học, làm sao đỏ rồi về giúp cha mẹ chuyện đồng áng, nhà cửa. Suy nghĩ vô tư, hồn nhiên của em khiến người xem phải bật cười. Nhắc đến ước mơ sau này của mình, Di bảo: "Em sẽ đi học thật nhiều, kiếm thật nhiều tiền. Có tiền rồi kiếm bao nhiêu người yêu cũng có".
Nhân vật mẹ của Di cũng thú vị không kém. Khi con gái mình có thể phải đi lấy chồng năm 15 tuổi, nỗi lo lắng của mẹ Di khá đặc biệt, bà sợ không có ai làm việc nhà để mình có thể đi uống rượu, rồi không biết vì sao mình lại bật khóc.
Đặc biệt, những lời dạy của mẹ dành cho Di vừa "thấm", vừa "đời" lại không thiếu phần hài hước. Để thuyết phục đằng trai từ bỏ không "kéo vợ", mẹ Khuyên Di nên nói: "Anh rất tốt nhưng chúng mình chưa có duyên" hay "Đừng nói là không thích, mà phải bảo xem nắng của anh ở bên nào thì sang bên đấy"...
Hai lần cao trào bất ngờ xen lẫn sự xúc động
Ít ai nghĩ rằng một bộ phim tài liệu lại khiến người xem hồi hộp, lo lắng đến thế. Thậm chí, Những đứa trẻ trong sương còn đưa mọi người đi từ hết cao trào này đến cao trào khác.
Đó là lúc Di đi chợ quê chơi Tết. Sau khi hẹn hò, chụp ảnh và cầm tay cậu bạn trai tên Vàng thì không thấy đâu nữa. Hóa ra Di đã thử về bên nhà Vàng, ngây thơ không biết trò đùa của mình lại trở thành thật, như thể đồng ý với phong tục kéo vợ của người dân tộc Hmông.
Khung cảnh mẹ tìm hỏi khắp nơi xem Di ở đâu, gọi điện nhắc con gái cẩn thận giữ mình rồi qua đêm không thấy Di về thật sự tạo cảm giác hồi hộp.
Vài ngày sau khi Di về, khán giả chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì lại đến cảnh gia đình Vàng "ngọt nhạt" không được, đành dùng "biện pháp mạnh". Dù đã ra sức từ chối, nhẹ nhàng giải thích "chưa đủ duyên" từ gia đình Di hay sự khuyên can, răn đe "chưa đủ tuổi" từ chính quyền và giáo viên, đằng trai vẫn nhất quyết khiêng "con dâu" về.
Phân đoạn này chính là đỉnh điểm cao trào của bộ phim. Ai cũng lo lắng cho số phận của Di, muốn cô bé mới hơn 15 tuổi thoát khỏi phong tục kéo vợ. Mà theo đó, khi nhà trai tới kéo thì bố mẹ cô gái không được phép cấm. Nếu không đồng ý, chỉ mình Di được phản kháng.
Đạo diễn Hà Lệ Diễm thân thiết bên Di - nữ chính trong phim tài liệu của mình. (Ảnh: Page Children of the Mist).
Cái hay của Những đứa trẻ trong sương là ngoài những tình tiết thú vị, có phần hồi hộp, khán giả nhận ra rằng toàn bộ câu chuyện, nhân vật trong phim đều là thật, hết sức chân thật. Phim tài liệu đôi khi không thể làm thỏa mãn tất cả mọi người vì thiếu mất cảnh này, đoạn kia "chưa đã"... Nhưng đó cũng chính là ưu điểm của thể loại này với rất nhiều câu chuyện hậu trường đằng sau nó.
Ở đó, không có dàn dựng, không có sự giả dối. Ở đó có một nữ đạo diễn đã lặn lội đi đi về về Sa Pa trong hơn ba năm. Ở đó có sự thân thiết đến ngạc nhiên giữa đạo diễn phim và các nhân vật trong phim để rồi cùng khóc, cùng cười, cùng lo sợ. Ở đó có sự vô tư, không ngần ngại chia sẻ nỗi niềm của người dân Hmông trước máy quay.
Trong tác phẩm này, ngoài cách làm phim, người xem còn ấn tượng bởi sự "xuất hiện" của đạo diễn Hà Lệ Diễm, như khi cô hỏi về ước mơ của Di, nghe Vàng chia sẻ về chuyện lấy vợ, nhất là lúc không giấu nổi cảm xúc mà khóc vì "Di hôm qua còn là đứa con bé bỏng, bị mắng mỏ nay đã đi theo chồng"...
Phân đoạn giận hờn giữa Hà Lệ Diễm và Di - đạo diễn và nhân vật trong phim - chắc chắn khiến mọi người không thể nào quên được. Đó cũng là điều tạo nên sự chân thực, gần gũi, tình cảm mà các tác phẩm thuộc thể loại khác không bao giờ làm được.
- Chị Diễm có ghét Di không?
- Có.
- Em biết ngay chị Diễm sẽ ghét em.
- Bởi vì Di làm gì cũng không biết nghĩ. Từ một trò đùa của Di kéo theo bao nhiêu tai hại.
Ở Những đứa trẻ trong sương, khán giả có thể đôi lúc quên mất mình đang xem phim tài liệu nhưng phim một lần nữa khéo léo chứng minh cho mọi người bất ngờ thấy sự chân thực khi Vàng vô tình làm rơi thiết bị thu âm lúc đùa với Di, đằng trai đập máy vì đạo diễn quay cảnh bắt vợ...
Hà Lệ Diễm (sinh năm 1992, quê Bắc Kạn) là người dân tộc Tày, tốt nghiệp khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương giành 34 giải thưởng và đề cử tại các Liên hoan phim trên thế giới như "Đạo diễn xuất sắc nhất" (đạo diễn Hà Lệ Diễm) tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam (IDFA); "Giải phim tài liệu xuất sắc nhất" tại Liên hoan phim Tài liệu DOXA, Liên hoan phim DocAviv, "Giải thưởng của Ban giám khảo" tại Liên hoan phim Quốc tế Hong Kong... Đặc biệt, phim lọt vào Shortlist - danh sách rút gọn (top 15) giải Oscars - hạng mục "Phim tài liệu xuất sắc nhất". |
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/van-hoa/lot-top-15-oscar-dieu-gi-lam-nen-ky-tich-cua-nhung-dua-tre-trong-suong-20230405213538715.htm