Vụ gần 300 cuốn phim nhựa được lưu trữ tại Hãng Phim truyện Việt Nam hư hỏng nặng được công chúng quan tâm và nhiều nhận định đưa ra rằng cần có hướng giải quyết rốt ráo, hợp lý trong tình hình hiện nay.
Mới đây, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã phản hồi trên các phương tiện truyền thông về thực trạng gần 300 cuốn phim nhựa lưu trữ ở kho của Hãng Phim truyện Việt Nam bị hư hỏng nặng. Tình trạng này được cho là đã diễn ra vài năm nay, do những cuốn phim không được bảo quản đúng điều kiện, tiêu chuẩn. Sau cổ phần hóa, trách nhiệm quản lý, bảo quản và đầu tư cơ sở vật chất tại hãng phim thuộc về Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) - nhà đầu tư chiến lược, nắm phần lớn cổ phần hãng.
Cụ thể, trong kho của hãng có 291 phim gồm 278 phim do nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng, tài trợ; 13 phim do hãng tự khai thác, hợp tác sản xuất. Theo quy định, 278 phim đặt hàng sau khi sản xuất đều có bản gốc và các tài liệu, hồ sơ liên quan gửi về Viện Phim Việt Nam để lưu trữ, bảo quản. Cục Điện ảnh cũng còn một bản lưu chiểu các phim này. Hiện các phim gốc này đều được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn tại Viện Phim Việt Nam và bản phim tại Hãng Phim truyện Việt Nam chỉ để phục vụ nhiệm vụ sản xuất phim và công tác phát hành, giới thiệu phim.
Gần 300 cuốn phim nhựa bị hỏng nặng. (Ảnh do đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cung cấp)
Chính vì điều này, theo ông Vi Kiến Thành, kiến nghị của khoảng 20 nghệ sĩ, nhân viên Hãng Phim truyện Việt Nam gửi đến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch yêu cầu Vivaso phải in lại toàn bộ bản bị hỏng theo tiêu chuẩn quốc tế, là chưa cần thiết trong điều kiện thực tiễn cũng như không phù hợp quy định của Luật Điện ảnh. Hãng Phim truyện Việt Nam là đơn vị sản xuất, không phải cơ sở lưu trữ theo luật quy định. Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành nhận định Vivaso phải có trách nhiệm giữ kho phim.
Nhiều công chúng quan tâm vụ việc đã đưa ra những ý kiến khác nhau. Một số cho rằng ý kiến của các nghệ sĩ kiến nghị là xác đáng, nên xử lý triệt để, rốt ráo vấn đề. Sau khi đã đánh giá được thực trạng thì nên có phương án giải quyết, nếu không in lại cũng cần có kế hoạch phục hồi và bảo quản tốt hơn.
Có ý kiến đề xuất đã lưu trữ bản gốc thì bản này có thể không cần in lại vì sẽ tốn kém nhưng cũng cần được bảo quản đúng tiêu chuẩn để tránh hỏng nặng hơn. Bởi lẽ, những cuốn phim này mang giá trị về tinh thần lớn của những người đã công tác trong ngành điện ảnh Việt Nam.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/xu-ly-thoa-dang-300-phim-bi-hu-hong-nang-20230403204958905.htm