Một công trình đang được xây dựng tại đỉnh đèo Ô Quy Hồ (ở phần thuộc địa phận tỉnh Lai Châu), trong đó có một "bàn tay tiên" với cổ tay áo thắt nơ.
Sự đánh dấu bất chấp xấu, đẹp
Chị Thu Trang, một du khách trải nghiệm đỉnh đèo Ô Quy Hồ, rất ngạc nhiên vì công trình đang xây tại đây, vẫn còn nguyên màu xi măng. Dù chưa xây xong, công trình có vẻ là một điểm dừng chân với nhà xây và một "công trình nghệ thuật" hình một bàn tay có cổ tay áo thắt nơ. Cổ tay áo thắt nơ này giúp khẳng định đây không phải bàn tay Phật. "Làm ơn cho tôi xin một lý do để thấy những thứ này nó có vẻ hợp lý chút đi các anh chị ơi! Giữa đỉnh đèo Ô Quy Hồ, một trong tứ đại đỉnh đèo đẹp nhất, đáng tự hào nhất của đất nước mà bây giờ lem nhem như thế này sao?", chị Trang băn khoăn.
Trên thực tế, PV Thanh Niên ghi nhận việc có một công trình bàn tay như trên được xây dựng tại đỉnh đèo Ô Quy Hồ. Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX.Sa Pa (Lào Cai), xác nhận công trình bàn tay thuộc địa phận tỉnh Lai Châu.
Cổng chào và bàn tay được đánh giá không liên quan gì đến văn hóa bản địa cũng như cảnh quan tại đây -Thu Trang
Đèo Ô Quy Hồ là cung đường đèo trải dài trên QL4D, trong đó một phần thuộc địa phận tỉnh Lai Châu, một phần thuộc địa phận tỉnh Lào Cai. Ô Quy Hồ được coi là một trong những cung đường đèo hiểm trở bậc nhất của vùng núi rừng Tây Bắc. Cung đường đèo Ô Quy Hồ nằm ở độ cao hơn 2.000 m, ẩn giữa mây núi với những khúc cua sát vách núi dựng đứng.
Từ điểm nhìn của chị Trang ở đỉnh đèo Ô Quy Hồ, không còn thấy vẻ hùng vĩ hiểm trở của đỉnh đèo, của thiên nhiên. Ở đó chỉ còn lại công trình đang bê tông hóa điểm đến lừng danh về độ khó chinh phục này. Bàn tay tiên với cổ tay áo thắt nơ cũng không có vẻ gì chung với không gian mà những người yêu rừng núi nơi đây từng ngưỡng mộ. Bàn tay này nằm trong một không gian có cổng chào. Cổng chào có nhiều cây trồng thành tầng.
Th.S Phạm Thái Bình, giảng viên Khoa Điêu khắc - Nội thất (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội), đánh giá đây là một sản phẩm trang trí phóng to chứ không phải là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật. Nó không có nghiên cứu để sáng tác từ góc độ cảnh quan môi trường. Do đó, cảnh quan môi trường là điều bị ảnh hưởng nhất. "Sản phẩm trang trí bàn tay này dù đặt ở bất kỳ nơi đâu cũng phải đảm bảo sự hòa nhập với cảnh quan môi trường. Còn ở đây, sản phẩm này chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tới đó sử dụng dịch vụ và chụp ảnh. Nó biến cảnh quan môi trường thành nền cho mình, lợi dụng môi trường để làm đẹp cho mình, kiếm lợi cho mình", ông Bình nói.
Các công trình này không một cái nào làm đẹp cảnh quan lên cả. Chúng dường như đều được xây dựng tự phát, dựa trên ý muốn chủ quan của chủ đầu tư.
Ông Phạm Trung Hiếu, giảng viên Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
Về cổng chào, ông Bình đánh giá: "Cổng chào cho thấy ý định đánh dấu địa bàn rất rõ. Tuy nhiên, nó không có gì chung với sự phóng khoáng của không gian ở đây. Đó là sự đánh dấu bất chấp xấu, đẹp".
Làm du lịch kiểu check-in bất chấp văn hóa
Nghiên cứu sinh Phạm Trung Hiếu, giảng viên Khoa Kiến trúc (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội), cho biết tại khu vực đỉnh đèo Ô Quy Hồ trước khi có bàn tay này cũng đã có những công trình được "cấy vào" một cách phi lý. Từ điểm xây dựng bàn tay, có thể nhìn thấy một hình trái tim đỏ ối được dựng lên. "Các công trình này không một cái nào làm đẹp cảnh quan lên cả. Chúng dường như đều được xây dựng tự phát, dựa trên ý muốn chủ quan của chủ đầu tư", ông Hiếu nói.
Kiến trúc sư Vương Đạo Hoàng (Công ty kiến trúc cảnh quan Mein Garten) đánh giá cả hình tượng bàn tay cũng như cổng chào đều không thể hiện sự liên quan đến văn hóa bản địa, bối cảnh thiên nhiên cũng như giá trị truyền thống của đèo Ô Quy Hồ.
Theo ông Phạm Thái Bình: "Ở đây, không thấy sự giám sát của nhà quản lý văn hóa, quản lý kiến trúc xây dựng địa phương. Nếu chỉ là một công trình kiến trúc để ở thì có thể không can thiệp. Nhưng đây là một điểm check-in cảnh quan thì phải được thẩm định ở các sở và các chuyên gia. Chưa kể Ô Quy Hồ lại còn là một danh thắng quốc gia nữa".
"Việc xây dựng tại Ô Quy Hồ làm nhớ tới vụ việc xây dựng Panorama năm nào tại Mã Pì Lèng (Hà Giang). Theo đó, công trình được xây dựng không có gì chung với văn hóa địa phương, hơn thế nữa còn làm ảnh hưởng cảnh quan thiên nhiên vốn là niềm tự hào của người dân. "Chúng ta vẫn biết du lịch gần đây rất cần các điểm để chụp ảnh, để check-in. Tuy nhiên, việc check-in cũng phải được tổ chức thế nào cho phù hợp với văn hóa, có văn hóa", ông Bình nói.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Mạnh Hùng, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lai Châu, cho biết sẽ giao cơ quan chuyên môn xác minh cụ thể về công trình và có thông tin sau.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/tay-tien-o-dinh-deo-danh-thang-quoc-gia-o-quy-ho-185230327125349463.htm