Sáng 16/3, tại Khu Di tích lịch sử khởi nghĩa Yên Thế, thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế (Bắc Giang), huyện Yên Thế long trọng tổ chức lễ hội kỷ niệm 139 năm Khởi nghĩa Yên Thế.
Dự lễ hội có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Thị Hương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Vũ Mạnh Thắng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Vũ Trí Hải, Bí thư Thành ủy Bắc Giang; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo Hội đồng hương Bắc Giang tại Hà Nội; Hội đồng hương Yên Thế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; các huyện, TP của tỉnh Bắc Giang và một số huyện, TP ngoài tỉnh kết nghĩa với huyện Yên Thế, đông đảo nhân dân địa phương và du khách.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự lễ khai hội.
Tinh thần đấu tranh anh dũng
Trong lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta trước khi có Đảng, khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) được đánh giá là cuộc khởi nghĩa có vũ trang của nông dân có quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất, kéo dài nhất, oanh liệt nhất.
Khởi nghĩa Yên Thế đã trở thành biểu tượng rực rỡ của lòng yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, đóng góp nhiều kinh nghiệm vào kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật về chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng, căn cứ làng xã chiến đấu liên hoàn trên một địa bàn rộng khắp.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn trình bày diễn văn khai mạc lễ hội.
Diễn văn khai mạc do đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội trình bày đã ôn lại những trang sử hào hùng, tinh thần đấu tranh anh dũng của các thủ lĩnh, nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Cuộc khởi nghĩa nổ ra năm 1884, trong bối cảnh thực dân Pháp đã xâm chiếm và cơ bản đặt ách đô hộ lên toàn bộ đất nước ta. Sau hai trận mở màn giành thắng lợi, ngày 16/3/1884, Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) cùng các nghĩa sĩ tổ chức lễ tế cờ tại đình Làng Hả, xã Tân Trung (Tân Yên) ngày nay, chính thức phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang của nông dân Yên Thế chống lại thực dân Pháp xâm lược. Với lối đánh du kích, mưu trí, dũng cảm, dựa vào thế mạnh, sự hiểm yếu của núi rừng, Đề Nắm đã lãnh đạo nghĩa quân đánh trả quyết liệt, đẩy lùi nhiều cuộc tấn công, gây thiệt hại khá lớn cho địch.
Các đại biểu dự khai mạc lễ hội.
Tháng 3/1892, Pháp huy động hơn 2.200 quân do tướng Voa-rông chỉ huy ồ ạt tấn công vào căn cứ nghĩa quân; trận chiến diễn ra ác liệt, kéo dài, một số thủ lĩnh, nhiều nghĩa binh hy sinh, lực lượng bị tổn thất và nhanh chóng suy yếu. Tháng 4/1892, Đề Nắm bị sát hại, tinh thần của cuộc khởi nghĩa tưởng chừng bị dập tắt thì Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám), một vị tướng xuất sắc của nghĩa quân đã đứng lên củng cố, tập hợp lực lượng tiếp tục giương cao ngọn cờ khởi nghĩa.
Ngày 19/12/1892, Đề Thám tổ chức lễ tế cờ xuất trận tại Đình Đông, thị trấn Bích Động (Việt Yên) ngày nay. Kể từ đó, ông chính thức trở thành thủ lĩnh nghĩa quân và là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Dựa vào địa thế của núi rừng hiểm trở cùng với tài thao lược của mình, Hoàng Hoa Thám tổ chức nhiều trận đánh táo bạo, gan dạ, khiến giặc Pháp phải hứng chịu không ít những thất bại nặng nề.
Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài huyện.
Ngoài khả năng chỉ huy chiến đấu tài tình, Đề Thám còn chủ động, khéo léo kết hợp giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và ngoại giao, buộc Pháp phải hai lần ký hòa hoãn, qua đó giúp cho nghĩa quân có thời gian, điều kiện để bổ sung lực lượng, xây dựng củng cố các đồn bốt. Đây là cuộc khởi nghĩa mà chính người Pháp cũng phải thừa nhận, mỗi thế kỷ chỉ có thể xuất hiện một lần mà thôi.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang
Qua bao thăng trầm của lịch sử, sự uy linh của vùng đất Yên Thế cũng như tinh thần của cuộc khởi nghĩa năm xưa đã làm nên những nét văn hóa riêng có trong đời sống của người dân vùng đất Yên Thế hôm nay. Giờ đây, tên tuổi của Hoàng Hoa Thám và nhiều tướng lĩnh của nghĩa quân Yên Thế đã gắn liền với những địa danh, tên đường, tên phố, công viên, quảng trường ở nhiều địa phương trong cả nước; trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi người dân Yên Thế nói riêng, nhân dân Bắc Giang nói chung.
Với những giá trị hết sức tiêu biểu, trường tồn, ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế là Di tích quốc gia đặc biệt, ngày 27/12/2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định xếp hạng Lễ hội Yên Thế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tất cả những giá trị tốt đẹp đó góp phần khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của lễ hội Yên Thế nói riêng và văn hóa vùng Yên Thế, Bắc Giang trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.
Màn tái hiện lễ tế cờ của nghĩa quân Yên Thế.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế không ngừng phấn đấu đưa Yên Thế từ một huyện khó khăn trở thành huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá; văn hóa - xã hội có bước phát triển vượt bậc, quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Những tiềm năng, thế mạnh của huyện được coi trọng, phát huy, khai thác. Đặc biệt là các giá trị về văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đang được bảo tồn, gìn giữ, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội huyện phát triển nhanh, bền vững, xứng danh với bề dày lịch sử của vùng đất anh hùng.
Sau 3 năm phải tạm dừng do dịch Covid-19, lễ hội năm nay được huyện tổ chức trong 3 ngày (từ 15 đến 17/3). Chương trình phần hội có nhiều hoạt động thể thao, thi đấu hấp dẫn như: Giải Vô địch võ thuật tỉnh Bắc Giang và các giải do UBND huyện tổ chức: Đẩy gậy, bóng đá nam, bóng đá nữ, bóng chuyền hơi, kéo co, bắn nỏ, cầu lông, tenis, cờ tướng, chọi dê. Trong khuôn khổ của lễ hội còn có biểu diễn nghệ thuật rối nước, hát quan họ trên thuyền, hát chèo, hội diễn văn nghệ quần chúng, giới thiệu ẩm thực và trưng bày các sản phẩm chủ lực, hội trại thanh niên, hội chợ thương mại.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Yên Thế biểu diễn võ thuật tại lễ hội.
Lễ hội nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, độc lập tự cường; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần thượng võ của nhân dân ta. Đây còn là dịp để huyện Yên Thế tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hoá đặc sắc, tiềm năng du lịch, các sản vật đặc trưng, góp phần thúc đẩy KT-XH của huyện ngày một phát triển.
Tại lễ khai mạc diễn ra chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất tử" với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, ca sĩ đến từ Nhà hát Chèo Bắc Giang, Nhà hát Tuổi trẻ, Học viện Múa Việt Nam, Vũ đoàn Queen Hà Nội và một số đơn vị. Trước đó, chiều 15/3, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế tổ chức lễ tế, dâng hương tại tượng đài Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và lễ phóng sinh tại khu vực đình Phồn Xương.
Theo Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/401133/le-hoi-ky-niem-139-nam-khoi-nghia-yen-the-khoi-day-niem-tu-hao-tinh-than-thuong-vo.html