Chùa Tam Chúc được xem là ngôi chùa lớn nhất thế giới trong tương lai, thu hút hàng vạn du khách đến tham quan mỗi ngày vào dịp đầu năm. Ngoài đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh của người dân, ngôi chùa còn mang sứ mệnh phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
Toàn cảnh chùa Ngọc nhìn xuống
Ngôi chùa mang nhiều sứ mệnh đặc biệt
Nằm cách Hà Nội khoảng 70 km, chùa Tam Chúc chiếm 144 ha trong tổng diện tích 5.100 ha của Khu du lịch quốc gia Tam Chúc (H.Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Đây là điểm du lịch có quy mô lớn, kết hợp giữa du lịch tâm linh, sinh thái và nghỉ dưỡng.
Chùa Tam Chúc có thể được coi là một ngôi chùa rất đặc biệt bởi tuy đây là một công trình của Phật giáo nhưng lại có sự giao thoa và đóng góp xây dựng của 4 tôn giáo lớn trên thế giới tạo nên những hạng mục công trình độc đáo. Tháp Ngọc do những người thợ Hindu giáo - Ấn Độ xây dựng, hàng ngàn các bức tranh đá trên tường các tòa đại điện được các nghệ nhân người Hồi giáo - Indonesia chế tác, những tác phẩm gỗ đục chạm do các nghệ nhân theo Thiên chúa giáo thể hiện và tổng thể các công trình lớn của chùa Tam Chúc được những người thợ là Phật tử xây dựng. Chính điều này đã tạo nên một quần thể văn hóa tâm linh vô cùng đặc sắc và ấn tượng.
Dù mệt mỏi nhưng tất cả đều vui vẻ sau khi ngắm cảnh
Choáng ngợp, đắm mình giữa núi sông hùng vĩ
Nhờ giữ được nét đẹp hoang sơ, cảnh quan thiên nhiên độc đáo kết hợp hài hòa với những công trình kiến trúc do con người xây dựng đã khiến cho du khách như lạc vào chốn bồng lai, luôn cảm thấy thân tâm thư thái khi bước chân đến đây. Chính vì thế, từ những ngày đầu năm Quý Mão, chùa Tam Chúc luôn trong tình trạng đông kín khách du lịch. Hàng nghìn du khách sẵn sàng xếp hàng, chờ 1 - 2 tiếng để lên thuyền ngắm cảnh núi sông hùng vĩ.
Chị Nguyễn Thị Duyên (25 tuổi, trú Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước đây, chị chỉ biết đến hình ảnh chùa Tam Chúc là ngôi chùa lớn nhất thế giới qua mạng xã hội. Tham quan thực tế khiến chị bị choáng ngợp bởi sự rộng lớn. Đặc biệt, khi leo lên chùa Ngọc, ngắm nhìn cảnh sông nước khiến chị ngỡ như đang ngắm nhìn một vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) thu nhỏ.
Người dân thích thú ngắm đàn cá chép dưới lòng hồ
Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường
Khi đến với Tam Chúc, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một không gian di sản văn hóa, tâm linh hùng vĩ mà còn có cơ hội được hòa mình vào thiên nhiên, ngắm nhìn những đàn cá bơi lội dưới nước, đàn cò trắng trên trời, và trên núi còn tồn tại loài voọc mông trắng quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ.
Ông Trần Quế (trú tỉnh Quảng Bình) chia sẻ, trong một lần tham quan chùa Tam Chúc bằng thuyền, ông đã vỡ òa khi được chứng kiến đàn cò trắng hàng nghìn con đậu trên những núi đá vôi dưới mặt hồ. "Chùa Tam Chúc là một trong những nơi có hệ sinh thái rất tuyệt vời, có không khí trong lành, dễ chịu. Nếu chúng ta giữ gìn và phát huy nó, trong tương lai Tam Chúc sẽ là "lá phổi xanh" của tỉnh Hà Nam", ông Quế nói.
Ngoài chim và cá, tại khu vực chùa Tam Chúc còn ghi nhận sự xuất hiện loài voọc mông trắng - một trong 5 loài linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới. Theo lời kể của người dân địa phương, nhiều người đã nhìn thấy voọc và một số loài động vật đặc hữu di chuyển trên những ngọn núi gần chùa. Tuy nhiên, khi nghe thấy tiếng nổ mìn khai thác đá vôi, những con vật này lại phải ẩn nấp sâu vào trong rừng.
Việc phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Vì bảo vệ môi trường là bảo vệ chính bản thân mình, bảo vệ cho cuộc sống của các thế hệ sau này".
-Thượng tọa Thích Minh Quang-
Đàn cò trắng hàng trăm con bay lượn trên mặt hồ chùa Tam Chúc
Chia sẻ với Thanh Niên, thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trụ trì thường trực chùa Tam Chúc, cho biết không gian rộng lớn của chùa Tam Chúc chính là nơi bảo tồn giá trị vốn có do thiên nhiên ban tặng như núi, sông, hồ… Các thầy luôn động viên mọi người giữ gìn vệ sinh, môi trường xanh, sạch, đẹp, làm sao làm tốt công tác du lịch để phát triển kinh tế địa phương.
Vị Phó trụ trì chùa Tam Chúc lấy ví dụ, đức Phật là bậc thầy về bảo vệ môi trường. Ngài sinh ra dưới gốc cây, thành đạo dưới gốc cây, thuyết pháp và nhập niết bàn cũng ở dưới gốc cây. Có thể nói, cả cuộc đời ngài luôn gắn liền với núi rừng và cây xanh.
"Chúng ta phải học được lời đức Phật dạy, làm sao phát triển kinh tế nhưng bảo vệ, giữ được môi trường xanh, sạch, đẹp; có được không khí trong lành cho chúng ta và con cháu chúng ta được hưởng", thượng tọaThích Minh Quang nhấn mạnh.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/su-menh-bao-ve-me-thien-nhien-tai-tam-chuc-185230307191049961.htm